Trẻ em bị xâm hại, nỗi đau không của riêng ai

Trong những ngày này dư luận quan tâm đến những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD). Nỗi đau này lên tới đỉnh điểm, đã đến lúc phải rung hồi chuông cảnh báo cho tất cả cộng đồng, các bậc cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo và chính trẻ em, cùng có hướng khắc phục hiệu quả.

Trẻ em cần được trang bị kiến thức cơ bản để phòng tránh bị xâm hại.
Trẻ em cần được trang bị kiến thức cơ bản để phòng tránh bị xâm hại.

Hồi chuông báo động

Tôi và nhiều người bạn cùng làm công tác bảo vệ Quyền trẻ em, truyền thông, giáo dục và nhiều cha mẹ trẻ đã phải rơi nước mắt vì các nạn nhân và cũng vì bức xúc lo lắng cho sự an toàn của con cháu mình trong từng khoảnh khắc mà các em không có cha mẹ, ông bà ở bên. Ai sẽ là người bảo vệ an toàn cho trẻ em trong một xã hội đang quá nhiều phức tạp khi mà tội phạm XHTD có thể ở bất cứ đâu?

Tôi đã được tiếp xúc với gia đình của một số em nạn nhân ở các địa phương. Cha mẹ các em nghèo, phải lam lũ làm ăn trên nương trên rẫy, các em tha thẩn chơi một mình bị kẻ xấu lạm dụng. Thậm chí chúng còn sẵn sàng giết chết nạn nhân để bịt đầu mối. Một số em có cha mẹ rời quê hương đi làm ăn xa xứ, để con lại cho ông bà nội ngoại đã quá già, cũng biến thành nạn nhân của kẻ xấu, thậm chí chúng còn đe dọa gia đình nạn nhân. XHTD trẻ em hôm nay đã xuất hiện với tần suất nhiều hơn không chỉ ở nông thôn mà ngay ở các thành phố lớn, khu chung cư cao cấp, phố thị đông dân.

Ba vụ xâm hại gần đây được dư luận quan tâm ở Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội với ba kẻ tội đồ biến thái Nguyễn Khắc Thủy - cựu giám đốc Ngân hàng TP Vũng Tàu đã XHTD 9 cháu bé, Cao Mạnh Hùng (34 tuổi), cựu cán bộ Ngân hàng Techcombank xâm hại cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai và Nguyễn Thành Đông xâm hại cháu bé lớp 1 ở TP Hồ Chí Minh đã trở thành hồi chuông báo động khẩn cấp.

Phải nhìn nhận lại, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước quốc tế quyền trẻ em (2-1990). Song nghịch lý là, trong những năm gần đây có quá nhiều trẻ em bị XHTD? Nhìn vào những con số, chúng ta sẽ không khỏi giật mình. Như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ, TB – XH) thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có đến hơn 1.000 trẻ bị XHTD. Tức là trung bình mỗi ngày có ba nạn nhân. Còn theo nguồn tài liệu nghiên cứu của Tổ chức quốc tế Plan tại Việt Nam: “Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 1.000 trẻ em gái là nạn nhân của XHTD, phải hứng chịu những tổn thương cả về thể xác và tinh thần khó có thể xóa mờ. Có một trong số năm trẻ em gái và một trong số 20 trẻ em trai từng là nạn nhân của XHTD. 20% trẻ em bị xâm hại trước tuổi lên 8, và trẻ em khuyết tật có nguy cơ gấp ba lần so với trẻ em bình thường…”. Trong khi đó ở nhiều vụ việc, kẻ thủ ác lại nhơn nhơn khoe rằng có quan hệ, rồi thách đố, đe dọa ngược lại cha mẹ của nạn nhân.

Đẩy lui tội phạm ấu dâm Hậu quả sau các vụ xâm hại vô cùng nghiêm trọng. Những em bé bị tổn thương đau đớn cả về thể xác và tinh thần, có thể kéo dài suốt cuộc đời, còn gia đình nạn nhân và hàng xóm, cộng đồng dân cư thì hoang mang lo lắng.

Vậy nguyên nhân từ đâu mà tội ác ấu dâm lại gia tăng như vậy? Có phải chăng là hệ thống luật pháp của chúng ta chưa thật sự nghiêm, vẫn còn quá nhiều kẽ hở cho kẻ xấu có cơ hội nhờn luật?

Đứng ở góc độ người làm công tác bảo vệ quyền trẻ em, tôi cho rằng phòng chống XHTD trẻ em phải được bắt đầu từ ngay mỗi gia đình, mỗi lớp học và cộng đồng. Trẻ em thay vì suốt ngày chỉ chăm chút vào việc học nhồi nhét các kiến thức văn hóa để đạt thành tích học tập cao thì các bậc cha mẹ hãy dạy cho các con kỹ năng tự bảo vệ bản thân, chống xâm hại từ tuổi mẫu giáo. Ngành giáo dục rất cần thiết phải đưa chương trình giáo dục kỹ năng phòng, chống XHTD và bắt cóc trẻ em vào dạy cho trẻ ngay khi vào lớp 1. Nhà trường nên có nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, tập các tình huống để trẻ em có thói quen xử lý các nguy cơ bị xâm hại, hoặc bị bắt nạt tại trường học.

Cùng với điều đó là các cơ quan chuyên trách công tác bảo vệ trẻ em như Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ, TB - XH), Trung ương Đoàn, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em. Tiếp theo là nên tăng hình phạt, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải “Càng nhiều người đồng hành ủng hộ thì việc bảo vệ một đứa trẻ càng được quan tâm nhiều hơn. Càng nhiều người hiểu về XHTD trẻ em thì những kẻ ấu dâm càng không có đất sống”.

NGUYỄN THỊ LAN MINH Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam