Tranh cãi quanh quảng cáo sữa

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 7581/BC-BKHĐT báo cáo Chính phủ, trong đó đề xuất giảm giới hạn cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi như hiện hành xuống dưới 12 tháng tuổi. Điều này đang vấp phải phản ứng cả từ Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế, bởi lo ngại ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Rất nhiều chủng loại sữa công thức đang được giới thiệu trên thị trường, lấn át cả sữa mẹ. Ảnh: Mai Thanh
Rất nhiều chủng loại sữa công thức đang được giới thiệu trên thị trường, lấn át cả sữa mẹ. Ảnh: Mai Thanh

Lẽ tự nhiên “trẻ con phải bú tí mẹ”. Và, các sản phẩm thay thế sữa mẹ chỉ là sản phẩm phụ, sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không ít trường hợp dù có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ nhưng có mẹ vẫn chọn sữa công thức với kỳ vọng con sẽ bụ bẫm, thông minh như quảng cáo. Vậy nên, mới đây Bộ Y tế đã phải một lần nữa lên tiếng qua Tờ trình số 979/TTr-BYT ngày 4-10 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin giữ nguyên quy định “cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi tại khoản 4 điều 7 Luật Quảng cáo.

Cần phải nói rằng, liên quan đến vấn đề quảng cáo sữa, hiện nay chúng ta đã có những quy định rất cụ thể trong Luật Quảng cáo (ban hành năm 2012) và Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6-11-2014. Thế nhưng, tuy mới được ban hành, có hiệu lực chưa lâu cả Luật và Nghị định đều đang phải đưa ra thảo luận sửa đổi bởi những vướng mắc trong thực thi. Cụ thể trong nội dung giới hạn cấm quảng cáo sữa, vướng mắc ở sự “vênh nhau” của các bộ, ngành chức năng trong khái niệm, quan điểm, góc nhìn khoa học, và mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về sức khỏe trẻ em đối với sản phẩm từ sữa.

“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Câu khẳng định này đã được Nghị định 100 quy định phải nêu rõ khi giới thiệu các sản phẩm sữa, nhưng thường lại chỉ được đọc lướt rất nhanh trên các chương trình quảng cáo (cả phát thanh và truyền hình) hoặc in chữ rất nhỏ ngoài vỏ hộp sữa, thậm chí có đại lý còn lờ đi quy định này. Những năm gần đây, không ít công ty sản xuất sữa và cả nhiều cơ sở bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã đưa ra những lời quảng cáo trên mây, khiến thông tin về sữa công thức bị sai lạc. Và đương nhiên, những hệ lụy từ sữa công nghiệp sẽ chẳng bao giờ được tiết lộ.

Vấn đề gây lo lắng đến mức, nhiều cá nhân, tổ chức đã phải nỗ lực vận động chiến dịch “nuôi con bằng sữa mẹ” như Hội Sữa Mẹ “Bé tí bú tí”, rồi những câu lạc bộ Sữa mẹ liên tục được thành lập và kết nối trên mạng xã hội, nhiều cuốn sách, cẩm nang nuôi con bằng sữa mẹ cũng vì thế được xuất bản.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn sáu tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi và 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Bộ Y tế mới đây cũng phải đưa ra cảnh báo: Chúng ta không nên nhầm tưởng sữa thay thế sữa mẹ là tốt hơn sữa mẹ, bản chất sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hóa chất khác. Chúng ta không nên đánh đổi sức khỏe của trẻ em vì lợi ích kinh tế trước mắt.

Thực tế cho thấy, khi tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tăng thì doanh thu và lợi nhuận của các công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ sẽ giảm. Việc kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đem lại cho các doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Vì vậy, các doanh nghiệp này không ngừng quảng cáo quá mức về tính ưu việt của sản phẩm… khiến không ít bà mẹ nghĩ rằng để con mình thông minh và phát triển tốt thì phải cho con ăn sữa thay thế sữa mẹ. Trong Tờ trình số 979 của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh thêm rằng, quảng cáo không đưa lại thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng.

Mới đây, đại diện của ba tổ chức quốc tế tại Việt Nam gồm UNICEF, WHO và Chương trình nuôi dưỡng và phát triển (Alive và Thrive Đông - Nam Á) đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị: Giữ nguyên khoản 4 điều 7 trong Luật Quảng cáo và thậm chí cân nhắc nới rộng giới hạn cấm quảng cáo đối với thực phẩm, thức ăn cho trẻ nhỏ tới dưới 36 tháng tuổi chiểu theo Nghị định 69.9 mới đây của Hội đồng Y tế Thế giới. Công văn này còn nêu rõ: Những ý kiến phản đối việc cấm tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ đã luôn đưa ra lý do là phải ưu tiên việc tiếp cận thông tin. Điều này đã được Ủy ban Giám sát Quyền Trẻ em phân tích rõ, nhấn mạnh rằng, để thực hiện quyền đối với sức khỏe của trẻ em, công chúng phải được tiếp cận các thông tin chính xác và hiệu quả, không bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tiếp thị được xây dựng nhằm bảo đảm lợi nhuận kinh doanh hơn là sức khỏe trẻ em, và cuối cùng là nhằm thuyết phục người mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ mà dùng các sản phẩm công nghiệp.

Điều quan trọng cần lưu ý là, cả Luật và Nghị định không cấm việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sữa, mà chỉ đưa ra ranh giới đối với các hoạt động quảng cáo và tiếp thị nhằm hạn chế ảnh hưởng đến vấn đề nuôi dưỡng trẻ nhỏ do các lợi ích thương mại gây ra, từ đó bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ như là một lựa chọn lành mạnh nhất cho người mẹ và trẻ nhỏ.

Chuyên gia huấn luyện dinh dưỡng và sức khỏe Trần Lan Hương:

Sữa thật và sữa nhái

Trong tự nhiên, loài nào uống sữa của loài đấy và chỉ trong giai đoạn sơ sinh để phát triển đúng với chủng loài của mình. Đối với con người, chỉ có sữa mẹ mới chứa kháng thể tự nhiên giúp trẻ có sức đề kháng đối với bệnh tật trong những năm tháng non nớt đầu đời, trong khi sữa công thức hoàn toàn không có kháng thể. Con người ưu tiên phát triển bộ não hơn là hệ cơ bắp và bộ xương to lớn cồng kềnh, do đó thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ có hàm lượng DHA tự nhiên cao giúp trẻ phát triển não bộ trong khi lượng đạm và can-xi lại không cần nhiều để phù hợp với hormon tăng trưởng của loài người, giúp cơ thể phát triển từ từ theo đúng chuẩn, có nghĩa cần 13 đến 15 năm mới lớn bằng mẹ.

Sự nuôi dưỡng trẻ nhỏ không phù hợp với tự nhiên không những không giúp trẻ tối ưu hóa sức khỏe mà còn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Cho nên chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật là, đối với trẻ nhỏ, sự khác nhau giữa sữa mẹ và sữa công thức không phải là sự khác nhau giữa “sữa tốt nhất” và “sữa tốt nhì”, mà là sự khác nhau giữa “sữa thật” và “sữa nhái”.