Trang bị kỹ năng để nhận biết và chọn lọc

Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng việc dập tắt những “cơn lốc” độc hại lan truyền trên mạng xã hội và trấn an nỗi lo lắng của phụ huynh xem ra vẫn chưa thật sự hiệu quả. TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục đã chia sẻ với chúng tôi về phương thức bảo vệ con em trong môi trường số.

Trang bị kỹ năng để nhận biết và chọn lọc

- Những vụ việc gần đây trên mạng xã hội đang làm dấy lên nỗi lo ngại trong các bậc phụ huynh, khi máy tính bảng hay điện thoại thông minh đã trở thành phương tiện giải trí phổ biến ở mọi gia đình, rất được trẻ nhỏ yêu thích?

- Việc truy cập vào Youtube hay các trang mạng xã hội trên các thiết bị máy tính bảng hay điện thoại thông minh là quá dễ dàng với trẻ nhỏ và càng dễ dàng hơn với các trẻ vị thành niên. Nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh cũng dễ hiểu bởi với cuộc sống bận rộn như hiện nay, việc kiểm soát nội dung con em truy cập trên các trang mạng xã hội dường như đang ít được các bậc làm cha làm mẹ quan tâm tới.

Trang bị kỹ năng để nhận biết và chọn lọc ảnh 1

Gia đình đóng vai trò số một trong việc trang bị kỹ năng cho trẻ trên môi trường số.

Cũng có thể vì kẽ hở này, các trò chơi có nội dung bạo lực, xúi giục các em làm theo bằng việc kích động, thử thách trẻ nhỏ tham gia và thực hiện dẫn tới việc tự sát thương bản thân, thậm chí là tự tử đã diễn ra ở một số nước trên thế giới. Dù ở Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp nào trẻ tự tử do tham gia các trò chơi này, nhưng đây thật sự là vấn đề đáng được quan tâm và không thể coi thường.

- Dù được coi là có nội dung nhảm nhí, dung tục nhưng các video trên Youtube lại có lượng truy cập rất cao. Ở góc độ xã hội, ông nhận định như thế nào về sự nở rộ của các clip độc hại?

- Để có thể lý giải sự nở rộ của các clip độc hại, chúng ta cần phải nhìn lại quá trình ra đời của các trang mạng xã hội. Trước đây, các trang như Yahoo, Google được ra đời với cách thức tổ chức có trách nhiệm và mang tính chính thức. Sau đó đã được phát triển lên với mô hình khác là các trang mạng xã hội. Việc ra đời nhanh, nhiều và dễ như Facebook, các trang giải trí như Youtube, các trang cờ bạc… đã làm nhiễu loạn thông tin người dùng và đáp ứng nhu cầu giải trí của các thành phần trong xã hội.

Ở đây có một vấn đề, dù là nhảm nhí, dung tục nhưng các clip này vẫn có lượng truy cập cao. Bởi, nó đánh vào trí tò mò của người truy cập. Ví như chuyện ma quỷ, chuyện lên thiên đường, thậm chí là những lời thách thức để đánh vào tính hiếu thắng, nông nổi của tuổi trẻ…

- Thực tế đã có nhiều gia đình cấm con em dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng để tránh việc các em truy cập vào các trang mạng có nội dung độc hại và hướng các em đến các sân chơi bóng đá, tham quan du lịch, đọc sách, bơi lội. Ông có đồng tình với cách làm này?

- Tôi phải nhắc lại một lần nữa rằng, các bậc phụ huynh không thể và không bao giờ cấm được các em truy cập vào mạng internet. Đó là một phần tất yếu trong cuộc sống của các em bây giờ và sau này. Chưa kể, các sân chơi truyền thống như bóng đá, bơi lội đang ngày càng bị thu hẹp lại do quá trình đô thị hóa và do những chi phí phát sinh trong quá trình đưa các em đến các sân chơi này, khiến cho không phải gia đình nào cũng đủ tài chính và thời gian để cho con em tham gia. Trong khi đó, các trò chơi trên mạng lại quá hấp dẫn, ít phí tổn và không mất công di chuyển, thời gian đương nhiên sẽ giành nhiều lợi thế hơn.

- Còn ở góc độ nhà trường, ông đánh giá ra sao về việc giáo dục và trang bị kỹ năng cho các em tự bảo vệ bản thân trong môi trường internet?

- Nhà trường sẽ dạy các em học sinh về kiến thức, đạo đức và một số kỹ năng mềm nhưng không phải tất cả. Thời gian ở trên lớp được dành cho việc truyền dạy kiến thức các môn học nhiều hơn và đây cũng là nhiệm vụ chính của nhà trường.

Việc đưa ra khuyến nghị với các em về các clip “bẩn” chỉ là phần đan cài trong các tiết học và sẽ được các thầy, cô giáo nhắc đến một cách khéo léo. Nhưng việc kiểm soát nội dung clip các em đang xem lại là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Gia đình đóng vai trò số một trong việc hướng dẫn và trang bị kỹ năng nhận biết cho các em trong môi trường số.

- Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã vào cuộc để xử lý một số vụ việc gây bức xúc dư luận?

- Cách xử lý của các cơ quan chức năng thực chất là muộn. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chỉ vào cuộc khi được người dân phát hiện ra các trò chơi có nội dung không lành mạnh và thông báo tới đơn vị quản lý. Như vậy là anh đang đi sau sự việc và chúng ta phải chấp nhận điều này bởi đây là lĩnh vực của công nghệ. Bộ lọc của Google sẽ hoạt động khi có từ khóa (keyword) và chặn trò chơi đó lại không cho phát tán trên mạng. Nhưng mức độ tinh vi của các trò chơi này không dừng lại ở đó, họ có thể chèn vào các video ca nhạc để “qua mặt” các nhà kiểm duyệt.

Chính vì thế, ở góc độ giáo dục, tôi đề cao việc trang bị kỹ năng cho trẻ để nhận biết và tránh xa các clip “bẩn”. Hơn thế, tôi còn đề cao việc gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Khi tin tưởng, trẻ nhỏ sẽ công khai thông tin, công khai các video các em đang xem với phụ huynh. Nhờ đó, cha mẹ sẽ là người hướng dẫn và định hướng các em trong những giây phút giải trí, thư giãn. Nếu chúng ta làm được việc này, việc các em dùng điện thoại thông minh hay máy tính bảng sẽ không còn nhiều lo lắng.

- Xin cảm ơn ông.