Tín hiệu mới trên thị trường lao động

Theo nhận định của các chuyên gia về lao động, năm 2019, thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn, gia tăng sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao.

Học viên Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đạt giải thi tay nghề ASEAN 2017.
Học viên Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đạt giải thi tay nghề ASEAN 2017.

Thách thức lớn về năng suất lao động

Dự báo về thị trường lao động trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp cho hay, đến năm 2020, trong số 17 ngành kinh tế cấp 1, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm nhanh lao động nhưng vẫn là ngành có số lượng lao động chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 38,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được dự báo là ngành tập trung lao động đứng thứ hai với số lượng lao động chiếm khoảng 15,4%. Tiếp đó là ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô- tô, xe máy và xe có động cơ khác với số lao động chiếm khoảng 11,73%. Ngành xây dựng với số lượng lao động chiếm khoảng 8,28%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với số lượng lao động chiếm khoảng 6,42%; ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có số lao động chiếm khoảng 0,96%. “Ðiều này sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động Việt Nam năm 2019, những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh, dịch vụ… sẽ tiếp tục cần nhiều lao động hơn năm 2018”, ông Diệp nhận định.

Tuy đã có sự chuyển dịch tương đối mạnh mẽ, nhưng thị trường lao động vẫn còn những bất cập tồn tại đã lâu. Ngay trong Báo cáo đánh giá về thị trường lao động của Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã chỉ rõ, lực lượng lao động hiện nay của Việt Nam mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Do đó, ở từng nhóm ngành cụ thể vẫn thiếu hụt lao động chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động. Thí dụ như những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo vẫn đang rất thiếu nhân lực ở phân khúc cao.

Năng suất lao động thấp cũng khiến cho khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam bị ảnh hưởng. Theo PGS, TS Nguyễn Ðức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), tuy tốc độ tăng trưởng bình quân năng suất lao động giai đoạn 2012-2017 khá cao, đạt 5,3%/năm, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với năng suất lao động bình quân của các nhóm quốc gia phân chia theo thu nhập.

Cần những giải pháp đồng bộ

Ðánh giá về thị trường lao động, Bộ LB-TB&XH cũng phải thừa nhận, thị trường lao động vẫn còn những điểm hạn chế phải khắc phục như: Chất lượng lao động ở nước ta thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp.

Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp. Chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm việc, lao động gia đình không hưởng lương và lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh không chính thức, vẫn là ba nhóm lao động chủ đạo của nền kinh tế. Còn rất nhiều lao động làm công ăn lương chỉ có hợp đồng bằng miệng hoặc thậm chí là không có hợp đồng. Thất nghiệp gia tăng ở những người có trình độ cao (từ đại học trở lên).

Ðây được xem là những tác động bất lợi tới phát triển thị trường lao động của Việt Nam. Ðặc biệt khi mà thế giới bước vào thời kỳ kỷ nguyên số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, cụ thể sẽ có nhiều ngành nghề, công việc truyền thống/thủ công sẽ mất đi, điều đó đồng nghĩa với việc người lao động sẽ mất đi nhiều việc làm, cơ hội việc làm nhưng nó cũng mở ra cơ hội cho việc xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.

Trước những đòi hỏi mới của thời cuộc, trước mắt chúng ta cần tiếp tục phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; cải thiện chất lượng nguồn cung lao động và gia tăng thu nhập, tiền lương cho người lao động. Tạo sự kết nối với thị trường lao động quốc tế, trong đó trước mắt cần quan tâm: thiết lập hệ thống thúc đẩy sự lưu chuyển của lao động có kỹ năng trong ASEAN, tạo lập thông tin về thị trường lao động, thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin một cách hiệu quả.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề và cần làm tốt công tác dự báo cung - cầu lao động. Nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của lao động nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của công nghệ và sản xuất. Và quan trọng hơn bao giờ hết, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý cần tập trung vào các vấn đề về đánh giá thực trạng và định hướng hoàn thiện thông tin thị trường lao động. Ðồng thời, các trung tâm giới thiệu việc làm cần tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cập nhật tình hình biến động lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.