Tiếng kêu cứu từ các dòng sông

Có một nghịch lý là những cỗ máy khai thác cát rất cồng kềnh, khi hoạt động còn phát ra tiếng ồn, vậy tại sao vẫn qua mặt được rất nhiều cơ quan chức năng? Có hay không hiện tượng “chống lưng”, tiếp tay và làm ngơ cho các đối tượng làm ăn bất chính hoành hành?

Tang vật bị bắt giữ ở xã Vĩnh Ngọc - TP Nha Trang đã chất lên thành đống cao.
Tang vật bị bắt giữ ở xã Vĩnh Ngọc - TP Nha Trang đã chất lên thành đống cao.

Kỳ III: Cuộc chiến không khoan nhượng

Tiếng kêu cứu từ các dòng sông ảnh 1

Tàu hút cát của anh Trần Sách Đằng (đứng giữa) bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Xử lý nhiều đối tượng

Những năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội… liên tục bắt được các tàu, đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép. Mỗi đối tượng có hành vi chối tội khác nhau nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Ngày 2-6-2018, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, bắt quả tang tàu trọng tải lớn đang hút trộm cát trên sông Hồng. Thượng tá Nguyễn Tuấn Đức, Trưởng phòng PC49 cho hay, tại thời điểm kiểm tra tuyến sông Hồng, thuộc xã Liên Nghĩa (Văn Giang), lực lượng chức năng bắt quả tang tàu số hiệu TB 1360, lái tàu là Trần Sách Đằng, một người điều khiển đầu máy, hai người làm thuê và chị Trâm, vợ anh Đằng thực hiện hành vi hút cát trái phép dưới lòng sông. Lực lượng chức năng đã thu giữ một tàu, bốn đầu máy hút, bốn ống hút, hai máy đẩy, tổng lượng cát trên tàu đo được là 470 m3. Hiện nay chiếc tàu TB 1360 bị khóa bánh lái, đưa về gửi tại cảng Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) chờ xử lý. Có mặt trên tàu, chứng kiến cảnh vợ chồng anh Đằng bám trụ lại tàu chờ giải quyết mà thấy phía sau nạn khai thác cát trái phép cũng có nhiều số phận. Anh Đằng mếu máo khóc: “Em mong các cơ quan chức năng suy xét, hiểu cho, em mới chỉ đi chuyến đầu!”. Theo tìm hiểu, anh Đằng đã có thâm niên 23 năm làm việc trên các tuyến sông, từ năm 2016 đầu tư tiền mua tàu khai thác và vận chuyển cát thuê cho một số doanh nghiệp. “Cuối tháng 5-2018 do công việc ít nên ngày 2-6 em thử đi ăn hàng, và rồi bị bắt”, Trần Sách Đằng kể.

Đi dọc tuyến sông Hồng, lãnh đạo Phòng PC49 (Công an tỉnh Hưng Yên) cho biết, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 6-2018, đơn vị đã phát hiện 27 vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác cát, bắt giữ 27 tàu vi phạm, phạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Trung tá Phạm Chí Thành, Phó Trưởng phòng PC49 chia sẻ, chống khai thác cát trái phép là cuộc chiến không khoan nhượng. Nhiều doanh nghiệp khi bị bắt có khai là do trên mặt nước khó phân định mốc giới, nhưng đã vượt ra ngoài vùng được cấp phép là vi phạm, cần bị xử lý mạnh tay.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Xuân Hiếu, Trưởng phòng cảnh sát đường thủy (PC68), Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua thực hiện Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 2-8-2016 của UBND tỉnh Hưng Yên về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, các cấp các ngành đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, quản lý các hoạt động liên quan đến khai thác, kinh doanh cát sỏi. Tuy nhiên qua kiểm tra còn có doanh nghiệp được cấp phép vi phạm quy định như Công ty Hà thành, Công ty Việt Linh… Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các bến bãi, nhất là các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ đê điều, bảo vệ môi trường sông của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp. Việc xử lý, giải tỏa các bến bãi chứa chấp vật liệu xây dựng trái phép theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên chưa được thực hiện nghiêm túc. “Đêm tối làm việc rất khó khăn, có tàu bị phát hiện liền tự thả trôi, có khi họ kéo mấy chục người đến dọa. Nhưng chúng tôi vẫn xử lý nghiêm, không khoan nhượng”, Đại tá Nguyễn Xuân Hiếu quả quyết.

Tại Nghệ An, lực lượng chức năng cho biết, có 124 bến cát, sỏi hoạt động, mà có tới 101 bến không phép (riêng ở dọc sông Lam có 88 bến) và hoạt động trong suốt thời gian dài. Không ít ý kiến cho rằng đã có hiện tượng làm ngơ cho hoạt động bất chính. Trước tình trạng khai thác cát thổ phỉ diễn ra rầm rộ, người dân kêu cứu, những tháng gần đây các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét. Ngoài việc tuần tra trên sông, còn đóng cọc chặn xe, tháo gàu, niêm phong các bến cát vi phạm. Ngày 1 và 6-6-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Trường trú tại xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên) về hành vi dùng phương tiện khai thác cát trái phép thuộc địa bàn xã Hưng Lợi. Số lượng cát, sỏi mà tàu của Trường khai thác trái phép khi bị bắt được cơ quan chức năng xác định là hơn 105 m3. Trước đó, tháng 1-2018, Công an huyện Nam Đàn cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng đối với Nguyễn Trung Châu (SN 1952, trú tại thị trấn Nam Đàn) là Giám đốc HTX Lam Sơn Đại Thành về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Qua điều tra, Công an huyện Nam Đàn xác định, trong thời gian ngắn các tàu của HTX Lam Sơn Đại Thành đã khai thác trái phép gần 450.000 m3 cát, giá trị khoảng 13 tỷ đồng.

Cả xã hội vào cuộc

Điều khiến dư luận khó hiểu là, tàu thuyền cồng kềnh, nhưng khi hoạt động khai thác lại có thể “lọt lưới” nhiều đơn vị quản lý như cán bộ xã, huyện, cơ quan công an, môi trường… với cả “rừng” văn bản chỉ đạo, phương án, biện pháp phối hợp, quy chế phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh? Dư luận đã đặt câu hỏi liệu có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho tội phạm, có đường dây lớn gây bức xúc? Không ít người dân còn cho rằng: “Có phải con kiến đâu mà các lực lượng chức năng không thấy?”.

Chuyện khai thác cát trái phép cũng đã làm nóng nhiều cuộc họp của Chính phủ. Một trong những sự chỉ đạo quyết liệt là ngày 7-3-2017, tại Hội nghị của Chính phủ về chống khai thác cát trái phép, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, một số cấp ủy và chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che cho hành vi sai phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, chỉ đạo: Bộ Công an mở đợt đấu tranh cao điểm chống nạn khai thác cát trái phép. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung.

Ở địa phương, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản. Ông Thiên cũng ban hành Quyết định 354/QĐ-UBND, ngày 8-2-2017 về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Văn bản cũng giao lực lượng Công an phải làm tốt công tác ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, hủy hoại, gây ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự xã hội.

Làm việc với nhiều tỉnh, thành phố, các văn bản quy định rất rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, thậm chí còn ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Song, cấp xã, phường, các phòng ban đều nói đây là công việc không đơn giản. Với Sở TN-MT Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh giao phải chủ trì, tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất (khi có thông tin) tại các địa bàn đã xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, hoặc có nguy cơ. Lực lượng nòng cốt là Thanh tra, Phòng Khoáng sản, lực lượng chức năng tại các địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT Khánh Hòa) nêu chung chung về các kế hoạch, sự phối hợp mà không có bất kỳ giải pháp hữu hiệu nào. Còn ông Nguyễn Khánh Nguyện, Phó Trưởng phòng TN-MT thành phố Nha Trang thốt lên: “Cứ đà này thì không thể ngăn chặn được nếu không có một biện pháp mạnh!”.

Biện pháp mạnh ấy phải chờ đến bao giờ, trong khi các đối tượng vẫn đang từng ngày tận thu nguồn tài nguyên của đất nước để hưởng lợi, đất đai lún sụt? Về sâu xa, công an các tỉnh kiến nghị tăng chế tài xử phạt và khắc phục sự bất cập của các quy định này, bởi sự việc đã trở nên bức thiết lắm rồi. Việc phân công quản lý của các bộ cũng cần được tính toán lại sao cho hợp lý, giảm bớt sự manh mún. Thí dụ Bộ TN-MT có chức năng quản lý các dòng sông nhưng lại không đủ năng lực quản lý tổng hợp. Còn Bộ Giao thông vận tải quản lý nạo vét, Bộ Công thương quản lý về tích nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý việc lấy nước phục vụ tưới tiêu… Điều đó tạo nên sự riêng rẽ, thiếu thống nhất. Các chuyên gia kiến nghị, cần có một “người đầu trò” trong quản lý tài nguyên quý giá này.

(Còn nữa)

Ngày 2-5-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số: 4001/VPCP-NC truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc chỉ đạo các cơ quan chức năng mở cao điểm xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi.