Thu hút khách hàng nội đô bằng xe buýt nhỏ

"Ngõ nhỏ, phố nhỏ" vốn là nét đặc trưng độc đáo của khu vực trung tâm nội thành Hà Nội, song chính điều này lại gây khó cho hoạt động của hệ thống các phương tiện giao thông công cộng. Xe buýt nhỏ hiện được xem là giải pháp hiệu quả nhằm làm tăng sự thuận tiện, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.

Thu hút khách hàng nội đô bằng xe buýt nhỏ

Kết nối mạng lưới

Những năm gần đây, phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cũng như doanh nghiệp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Từ việc tăng tuyến đến nâng cấp, thay mới xe buýt cũ, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường, thoáng mát, hiện đại đã và đang được thành phố triển khai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần tác động bởi đặc thù của hệ thống đường nội đô nên việc kết nối các điểm, tuyến còn nhiều khó khăn, khiến cho hoạt động của xe buýt tại thành phố mới chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu đi lại của người dân.

TS Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (GTVT) - Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện hệ thống đường giao thông trong khu vực vành đai 1 của Hà Nội chủ yếu là đường hẹp, đường có chiều rộng dưới bảy mét chiếm khoảng 70%, tỷ lệ đường có khả năng lưu thông xe buýt khoảng gần 2.000 km trên tổng số gần 4.000 km toàn thành phố.

Cũng theo ông Chung, trong trường hợp này những chiếc xe buýt nhỏ (16 chỗ trở xuống, mi-ni buýt) là phương án phù hợp hơn với điều kiện hạ tầng thành phố. "Mi-ni buýt là sự kết hợp giữa các loại hình vận tải đô thị từ nhà dân ra tới các tuyến buýt trục, phù hợp với 70% số đường nhỏ, ngõ hẹp trong đô thị hiện nay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh", ông Chung nhấn mạnh.

Cần thêm cơ chế phát triển

Theo các chuyên gia giao thông, để thuyết phục người dân thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân bằng việc đi xe buýt là một quá trình khó khăn, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, lực lượng. Dù mạng lưới xe buýt đã được mở rộng rất nhiều, song vẫn còn không ít những khoảng trắng, gây bất tiện cho quá trình di chuyển của người dân. Mi-ni buýt có nhiều ưu điểm nhưng việc triển khai, xây dựng, phát triển mi-ni buýt phải phù hợp với nhu cầu người dân bởi đây là các tuyến buýt gom. Trước mắt thành phố cần có những chính sách hỗ trợ, trợ giá để doanh nghiệp đầu tư mi-ni buýt, đồng thời, cần chú trọng các yếu tố từ quy hoạch lại mạng tuyến, xây dựng hệ thống giá vé linh hoạt… và đặc biệt chú trọng giải pháp tuyên truyền thay đổi tư duy người dân vốn quen sử dụng phương tiện cá nhân khi di chuyển. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị TP Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, yếu tố quan trọng là giá vé hấp dẫn và sự tiện lợi của hệ thống điểm đón xe buýt.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, TP Hà Nội triển khai khoảng 30 tuyến mi-ni buýt. Trong đó, sẽ tổ chức khoảng 10 tuyến ở khu vực phố cổ, phố cũ; bố trí khoảng năm tuyến ở các trục đường có mặt cắt ngang nhỏ thuộc các quận Thanh Xuân, Hà Ðông; khoảng 15 tuyến ở các khu đô thị. Theo Sở GTVT Hà Nội, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát về nhu cầu, hạ tầng tại các khu vực dự kiến triển khai mi-ni buýt để xây dựng kế hoạch mở tuyến cụ thể, chi tiết, trình UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo và triển khai. Trong quá trình đó, ý kiến phản hồi của người dân cũng sẽ trở thành một kênh quan trọng giúp hoàn thiện phương thức hoạt động của hệ thống VTHKCC bằng xe buýt.