Không gian ngầm đô thị

Thiếu tầm nhìn dài hạn

Quy hoạch không gian ngầm dường như vẫn là một vấn đề chưa thu hút sự quan tâm cần thiết từ chính các cơ quan chức năng. Trong khi, với một siêu đô thị điển hình đang trên đà phát triển như Hà Nội, áp lực của sự thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đang tạo nên những khúc mắc không dễ giải quyết, thí dụ như nhu cầu phát triển không gian xây dựng ngầm cùng hệ thống giao thông dưới lòng đất.

Công trường xây dựng đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, đoạn hạ ngầm trên phố Kim Mã. Ảnh: Nguyễn Ðăng
Công trường xây dựng đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, đoạn hạ ngầm trên phố Kim Mã. Ảnh: Nguyễn Ðăng

Mạnh ai nấy làm

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 200 nghìn người, bằng dân số của một huyện. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang quản lý tới hơn 550 nghìn ô-tô và khoảng sáu triệu xe máy, chưa kể hơn một triệu phương tiện từ ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích giao thông chưa thể theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện, dẫn đến quá tải hạ tầng đô thị. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều cuộc hội thảo tìm ra biện pháp tháo gỡ, song đến nay vẫn chưa có bài toán hữu hiệu giải quyết vấn đề này.

"Một trong những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông là phải xây dựng được hệ thống giao thông dưới lòng đất, thậm chí những khu đô thị dưới lòng đất. Ðây là hướng đi tất yếu của hầu hết các đô thị phát triển trên thế giới muốn phát triển bền vững" - kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, nhấn mạnh. Không chỉ ông, rất nhiều chuyên gia cũng xác nhận điều đó. Nhưng, đến nay, TP Hà Nội vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị; các chủ đầu tư xây dựng, cơ quan chức năng mới chỉ quan tâm quản lý việc phát triển phần nổi trên mặt đất. Theo tìm hiểu, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội chưa thực hiện xử phạt cũng như thống kê vi phạm về xây dựng phần không gian ngầm. Các chủ đầu tư xây dựng nhà cao tầng vẫn "mạnh ai nấy làm". Không nghi ngờ gì nữa, sự lỏng lẻo đó sẽ tạo nên rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới việc hình thành và quy hoạch không gian ngầm đô thị sau này.

Hãy thử tưởng tượng: Với tua tủa những cọc móng nhà cao tầng cắm sâu xuống lòng đất như hiện nay, sau này, khi xây dựng các công trình ngầm, sẽ khó khăn thế nào khi phải tính toán "luồn lách" tránh cọc móng sâu hàng trăm mét của những cao ốc chọc trời? Ðể làm được điều đó, chi phí cũng như công sức sẽ đội lên bao nhiêu lần? Ðó là chưa kể thậm chí có khu vực không thể phát triển đô thị ngầm được nữa. KTS Phạm Thanh Tùng nêu những khó khăn từ việc xây dựng ga tàu điện ngầm gần hồ Hoàn Kiếm, như thí dụ điển hình cho một bài học đắt giá phải trả cho những bất cập trong quy hoạch không gian ngầm, mà "nếu có quy hoạch từ nhiều năm trước thì đến bây giờ mọi chuyện đã dễ dàng hơn".

Cũng chỉ ra không ít thiếu khuyết, KTS Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận xét: "Ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đã có một số công trình có không gian ngầm. Thí dụ bãi đỗ xe ngầm, cống ngầm, cấp nước, thoát nước, hệ thống dây cáp… Song, hầu hết đều mang tính cục bộ. Những công trình đó chỉ sử dụng cho một mục đích riêng chứ chưa có liên kết tổng thể. Việc quản lý cũng thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa có định hướng. Bây giờ làm quy hoạch ngầm là muộn, nên cần phải làm ngay".

Cũng cần nhấn mạnh: Ngay từ khi Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 được Quốc hội thông qua năm 2009, nội dung quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị đã được chú trọng. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2010/NÐ-CP ngày 7-4-2010 về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị và Nghị định số 72/2012/NÐ-CP ngày 24-9-2012 về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.

Bây giờ, hoặc không bao giờ!

Việc phát triển đô thị ngầm, tạo nên thế giới dưới lòng đất là xu thế tất yếu mà nhiều thành phố hiện đại trên thế giới đã thực hiện như Tô-ki-ô, Niu Oóc, Xơ-un, Xin-ga-po… Trong suốt quá trình phát triển của các đô thị này, không gian ngầm đã cho thấy một vai trò hết sức quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của đô thị.

KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) chỉ ra: "Nếu không triển khai ngay, thì sau này việc triển khai lại càng khó khăn. Chính quyền đô thị cần đề ra bản quy hoạch mang tính tổng thể cho việc phát triển hệ thống không gian ngầm ở đô thị, có ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trách nhiệm của chính quyền trong quản lý đô thị sẽ ngày phải nâng cao trước áp lực phát triển". Còn theo KTS Nguyễn Tuấn Hải (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội), xây dựng không gian ngầm đáp ứng được hai khía cạnh quan trọng trong phát triển đô thị: dịch vụ đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ngày càng cao và sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất tại đô thị.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì xây dựng và trình UBND thành phố xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua Quy hoạch chung không gian ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), để có cơ sở triển khai lập quy hoạch không gian ngầm, có những nhiệm vụ cần phải thực hiện gấp, như: Ðánh giá tổng hợp về hiện trạng xây dựng công trình trên mặt đất (vị trí, địa điểm, quy mô, số tầng hầm, chiều sâu tối đa... của các tầng hầm) và các công trình đã xây dựng dưới mặt đất (các tuyến giao thông, điện, thông tin, cấp thoát nước, hào… cần xác định rõ vị trí, độ sâu, điểm đầu, cuối, các điểm giao cắt, cao độ và mối quan hệ chung quanh và cuối cùng lập bản đồ hiện trạng công trình ngầm).

Và để thực hiện tất cả những điều đó, vấn đề mấu chốt vẫn là lực lượng nhân sự thích hợp. "Ðô thị và công trình ngầm không thể phát triển nếu không có con người. Chúng ta đang quá thiếu chuyên gia có trình độ nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng công trình ngầm", KTS Trần Huy Ánh nêu thực trạng. Lòng đất dưới chân đô thị sẽ không thể "gọn gàng" trở lại, nếu thiếu những con người đủ khả năng cũng như tâm huyết.

Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng): "Một số hạn chế trong việc thực thi quy định về quản lý không gian ngầm đô thị có thể kể đến: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về không gian xây dựng ngầm đô thị chưa được quan tâm; hiện tại chỉ có 18 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành quyết định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về không gian xây dựng công trình ngầm đô thị. Hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình ngầm không đầy đủ, chưa thể hiện được tính kết nối, mối quan hệ giữa các công trình ngầm với nhau và giữa công trình ngầm với công trình trên mặt đất, dẫn đến khó khăn cho công tác lập quy hoạch".