Thế nào mới là thân thiện với môi trường?

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác nhựa, gần tương đương trọng lượng của tổng số dân toàn cầu. Trong đó Việt Nam “đóng góp” khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Cuộc sống của con người đang bị đe dọa bởi thói quen sử dụng những sản phẩm nhựa độc hại. Tuy nhiên, không có nhiều sự lựa chọn thay thế để người dùng có thể nói “Không” với vật liệu nhựa.

Túi giấy được sử dụng tại hệ thống siêu thị Co.opmart .
Túi giấy được sử dụng tại hệ thống siêu thị Co.opmart .

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), lượng chất thải nhựa và túi ni-lông chiếm khoảng 10% trong tổng số chất thải sinh hoạt của mỗi người. Xử lý loại rác thải này chỉ hai cách chôn lấp hoặc đốt, thế nhưng cả hai đều ảnh hưởng không tốt tới môi trường. Vì thế, vấn đề cấp bách hiện nay là phải làm sao truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa tới môi trường. Cùng với đó là cần đưa ra các loại vật liệu thay thế cho các loại bao bì, túi ni-lông, chai vỏ nhựa hiện được sử dụng tràn lan trên thị trường.

Theo Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT, tính đến tháng 5-2018, ở Việt Nam đã có đến 43 sản phẩm từ 38 công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp giấy chứng nhận túi ni-lông thân thiện với môi trường. Các sản phẩm đưa ra cũng khá đa dạng như túi phân hủy được (loại túi được làm từ thành phần hữu cơ, không tạo nên hạt vi nhựa, sau khi phân hủy có thể dùng làm phân bón), túi phân rã sinh học (tạo ra hạt vi nhựa, chỉ phân rã trong một số điều kiện sinh học nhất định), túi phân rã được (tạo ra hạt vi nhựa, chỉ phân rã trong một số điều kiện hóa lý nhất định). Tuy các loại này khác nhau về tính chất, thành phần, nhưng phần lớn người tiêu dùng không phân biệt và chỉ gọi chung bằng cái tên "túi ni-lông thân thiện với môi trường". Và đó chính là điều mà nhiều chuyên gia quan ngại, bởi nếu dùng sai loại túi thay thế thì mối nguy hiểm đối với môi trường vẫn còn đó.

Ông Nguyễn Thành Lam, Vụ trưởng Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT thẳng thắn chia sẻ: "Sẽ rất khó để mở rộng thị trường cho vật dụng thay thế túi ni-lông thông thường bởi dù có nhận được chính sách ưu đãi đi nữa thì giá thành của loại này vẫn cao hơn rất nhiều. Túi ni-lông đi vào ngõ ngách đời sống là bởi giá thành quá rẻ, chỉ độ 30 - 40.000 đồng/kg". Ðiều ông Lam kiến nghị là làm sao hạn chế không sử dụng túi ni-lông một cách triệt để nhất. Có thể tính đến các vật liệu thay thế có sẵn trong tự nhiên, hay trở lại với thói quen truyền thống như dùng lá chuối gói rau, dùng túi vải hoặc làn nhựa khi đi chợ…

Ðồng quan điểm với ông Lam, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Ðiều phối viên Chương trình Ðại dương - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) cũng cho rằng: "Cho dù chúng ta dùng túi ni-lông thân thiện với môi trường nhưng số lượng không giảm đi thì kết quả cũng không khả quan hơn!".

Trả lời cho câu hỏi làm sao để thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân? Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cho rằng, phải bắt đầu từ mỗi cá nhân và từ những việc tưởng như đơn giản nhất. Ðược biết, tại WWF Việt Nam, từ lâu các nhân viên đã có thói quen mang theo bình nước riêng của mình để sử dụng ngay cả khi đi mua đồ uống ở bên ngoài. Chị Trần Thu Hương, cán bộ dự án "Vì một thế giới không rác thải nhựa" của WWF rất tâm đắc với việc, chỉ cần bớt đi một chiếc túi đựng rau khi đi chợ, hay một cốc dùng một lần khi mua nước, cũng có thể mang đến những hiệu quả bất ngờ. Bởi thói quen tốt sẽ lan tỏa trong cộng đồng, chị Hương nói.

Ðể "Vì một thế giới không rác thải nhựa" vượt ra ngoài khuôn khổ của một dự án đòi hỏi sự nỗ lực cộng hưởng từ cả phía Nhà nước khi đưa ra những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các vật dụng thay thế nhựa, từ phía doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm xã hội. Và quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân.