“Thế kiềng ba chân” đón 2017

Cùng với sự đỏng đảnh của thời tiết - hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu - chưa bao giờ kinh tế thế giới lại rơi vào tình trạng bất định như nửa cuối năm 2016, khiến cho hầu hết các dự báo trước đó đều có độ vênh khá lớn so với thực tế...

Một khi “kiềng ba chân” được kê vững chãi hàng hóa Việt sẽ được tiếp sức ra biển lớn.
Một khi “kiềng ba chân” được kê vững chãi hàng hóa Việt sẽ được tiếp sức ra biển lớn.

Với những chính sách lớn được xác định sau Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV vừa qua, đã có thể phác thảo sơ lược bức tranh kinh tế Việt Nam. Tại hàng loạt diễn đàn kinh tế tổ chức trong tháng cuối năm 2016, đa số ý kiến cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7% là khả thi, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện đường hướng chính sách đã đặt ra.

Bởi lẽ, nhìn từ một khía cạnh nào đó, những diễn biến quốc tế tưởng chừng gây khó cho Việt Nam vẫn có khía cạnh thuận lợi có thể khai thác. Chẳng hạn, sự kiên quyết của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm phát triển kinh tế trong nội bộ nước Mỹ, giữ lại công ăn việc làm cho công dân Mỹ được dự báo có thể tạo điều kiện cho Mỹ tăng trưởng ở mức hơn 2%, cải thiện thu nhập cho tầng lớp lao động trung lưu và bình dân - vốn là khách hàng mục tiêu của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam - cũng có nghĩa là sức tiêu thụ hàng hóa Việt Nam có cơ tăng trưởng.

Hãy thử hình dung năm 2017 như… một món ăn ngon được nấu trên chiếc kiềng ba chân: tài chính ngân hàng - công nghiệp - nông nghiệp thì những việc ưu tiên để làm cho chiếc kiềng đó vững vàng, bảo đảm món ăn được chế biến thơm ngon là gì?

Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần được cải thiện. Hơn bao giờ hết, năm 2017 chính là thời điểm bản lề để khắc phục tình trạng nợ xấu vẫn đang ở mức cao, nợ xấu ngoại bảng xử lý chậm dẫn đến giá vốn cao; trong khi khối DN tư nhân đang có xu hướng nhỏ đi về quy mô, cũng có nghĩa là phải hoạt động trong bối cảnh khó chồng khó.

Phát biểu tại Diễn đàn đối tác phát triển (VPDF 2016) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn đề nghị Ngân hàng Thế giới (World Bank) giúp Việt Nam xử lý vấn đề nợ xấu một cách hiệu quả. Người đứng đầu Chính phủ hiểu rất rõ, để chữa lành căn bệnh đã mắc nhiều năm nay thì cần có nguồn lực tài chính rất lớn và cả khả năng phải “đại phẫu”, chấp nhận những “đau đớn” nhất định. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, Việt Nam nên đặt mục tiêu ưu tiên trong năm 2017 là xử lý từ 20 đến 30% số nợ mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được trong thời gian vừa qua. Nếu làm được như vậy, chắc chắn giá vốn sẽ hạ trong những năm tiếp theo!

Đối với các ngành sản xuất, năm 2017 cũng là khoảng thời gian để làm nhiều việc quan trọng trước khi quá muộn. Dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được thực hiện hay không, thì ngành công nghiệp dệt may và da giày cũng cần tăng tốc đầu tư ngay từ bây giờ trước khi hết cơ hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 3D, rất nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, trong đó có ngành may mặc (phân khúc chất lượng cao và sản phẩm chuyên biệt như quần áo thể thao, quần áo dành cho người già, người khuyết tật…), đang quay lại nước Mỹ và một số nước phát triển khác. Vì thế, Việt Nam - cũng như một số nước đang phát triển khác, có lợi thế về kỹ năng lao động và giá nhân công nói chung - cần nhanh chóng phát triển sản xuất. Ở những trung tâm công nghiệp lớn, có thể áp dụng được thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư vào dệt may, da giày thì phải tập trung đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Về nông nghiệp, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố cuối tháng 9-2016, cho rằng, xu hướng quá tập trung vào cây lúa và canh tác tới ba vụ lúa trong năm đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường. Do ngăn lũ tự nhiên để canh tác đã làm hạn chế lượng phù sa và hiện tượng rửa trôi tự nhiên buộc người nông dân ngày càng phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu nhiều hơn; dẫn đến tăng chi phí canh tác, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lúa gạo đã khiến cho gạo Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều nhất nhì thế giới, nhưng giá trị lại thấp, không có thương hiệu uy tín và chưa chen chân vào được các chuỗi siêu thị toàn cầu. Năm 2017 rất có thể là năm DN tập trung thâm canh những loại lúa gạo đặc sản, gạo dành riêng cho người ăn kiêng… và những loại cây trồng khác có giá trị cao.

Chào năm 2017 và hy vọng chiếc kiềng ba chân sẽ được kê vững chãi với quyết tâm: “xây dựng, kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân” của Chính phủ.