Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song để công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở Bắc Giang vẫn còn không ít vướng mắc. Bởi thế cần có thêm biện pháp tháo gỡ hiệu quả.

Ông Bùi Thanh Quang làm tranh đắp nổi tại làng Ðông Thượng (huyện Yên Dũng), chung tay vì nông thôn sạch đẹp.
Ông Bùi Thanh Quang làm tranh đắp nổi tại làng Ðông Thượng (huyện Yên Dũng), chung tay vì nông thôn sạch đẹp.

Vướng mắc...

Hiện nay trên địa bàn Bắc Giang, trong quá trình thực hiện một số hướng dẫn thực hiện chương trình NTM đã nảy sinh vấn đề khó áp dụng, như cơ chế hỗ trợ thu gom xử lý chất thải tại các xã khó khăn. Qua tìm hiểu, tại huyện Lục Nam, Hiệp Hòa,... không sử dụng hết nguồn vốn phải thu hồi dự toán; tiến độ giải ngân nguồn vốn đạt thấp (nhất là vốn sự nghiệp), đạt 58,7%. Việc rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất nhu cầu vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp của các địa phương chậm, chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh; việc giám sát, kiểm tra tiến độ, đánh giá hiệu quả các dự án phát triển sản xuất chưa được thực hiện tích cực.

Hay như việc chỉ đạo tổ chức thực hiện NTM kiểu mẫu còn chậm, các xã đã đạt chuẩn chưa quan tâm rà soát kết quả thực hiện so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, việc giữ vững các tiêu chí mềm còn hạn chế (tiêu chí văn hóa, tổ chức sản xuất, Ðảng bộ đạt trong sạch vững mạnh...), chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí nâng cao; việc quy định tỷ lệ Ðảng bộ xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% số tổ chức cơ sở đảng cùng cấp trực thuộc được xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng đảng bộ gặp khó khăn trong thực hiện, nếu không có hướng dẫn tháo gỡ khó hoàn thành 24 xã đạt chuẩn năm 2019.

Ngoài ra, kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn chênh lệch (các huyện miền núi tỷ lệ xã đạt chuẩn cao nhất là 32%, trong khi các huyện đồng bằng thấp nhất hơn 45% và đang trong quá trình thực hiện xã NTM nâng cao. Các vấn đề về môi trường nông thôn chưa được giải quyết quyết liệt, phức tạp, khó xử lý ở một số địa bàn, vẫn là thách thức thời gian tới.

Tập trung những giải pháp hiệu quả

Như vậy, nhiệm vụ của năm 2019 là khá nặng nề và cần những giải pháp hiệu quả. Các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực hoàn thành mục tiêu có thêm 24 xã đạt chuẩn; huyện Việt Yên duy trì, nâng cao tiêu chí; huyện Lạng Giang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình xét, công nhận huyện NTM; bình quân tiêu chí đạt 15,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí/xã so năm 2018); giảm số xã đạt dưới chín tiêu chí (giảm bảy xã); có chín thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu; các xã đã đạt chuẩn tổ chức thực hiện xã NTM nâng cao theo quy định của tỉnh; các xã đặc biệt khó khăn triển khai thôn NTM gắn với giảm nghèo bền vững theo điều kiện tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình điển hình, cách làm hay tại cơ sở để trao đổi vận dụng thực tế; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành (nhất là người đứng đầu tại cơ sở), phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể, cả hệ thống chính trị tham gia tích cực thực hiện chương trình. Tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020 và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Ngoài ra cần huy động, tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện chương trình gắn với việc tập trung cao trong quản lý, sử dụng và giải ngân nguồn vốn được giao. Rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch chung, đề án xây dựng NTM của các xã trên cơ sở Ðề án sắp xếp, sáp nhập thôn, Ðề án sắp xếp tổng thể đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng tại huyện Lạng Giang theo Ðề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020. Rà soát danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở Ðề án sắp xếp, sáp nhập thôn, Ðề án sắp xếp tổng thể đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái chỉ đạo: “Cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở nông thôn; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của người dân, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cán bộ cấp cơ sở về cách làm, phương pháp có sự tham gia của cộng đồng; bảo đảm an ninh trật tự, nhân rộng mô hình tự quản tại nông thôn”.