Tháo gỡ bất cập trong đấu thầu thuốc

Vụ nhập khẩu thuốc ung thư giả của Công ty cổ phần VN Pharma, nhằm hưởng lợi lớn từ bán thuốc cho TP Hồ Chí Minh không qua đấu thầu là giọt nước tràn ly, gây bức xúc trong dư luận. Đến nay, công tác đấu thầu thuốc tập trung còn bộc lộ nhiều hạn chế, chồng chéo trong các văn bản ban hành, thiếu thuốc cục bộ trong giai đoạn đầu... ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, gây thiệt hại cho người bệnh, mà vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Đấu thầu thuốc tập trung là phương án để hạn chế tiêu cực, song vẫn còn lo ngại về việc độc quyền, cũng như khả năng cung ứng thuốc của các nhà thầu. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội
Đấu thầu thuốc tập trung là phương án để hạn chế tiêu cực, song vẫn còn lo ngại về việc độc quyền, cũng như khả năng cung ứng thuốc của các nhà thầu. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Thiếu thuốc, không còn chỉ là nguy cơ

Tại TP Hồ Chí Minh, ở các bệnh viện (BV) như: BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, mỗi nơi có 90 - 130 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) phải điều trị nội trú/ngày. Bệnh nhân SXH nặng chiếm 5 - 6%, trong đó tỷ lệ sốc SXH chiếm 70%. Trong số bệnh nhân bị sốc, khoảng 30% tái sốc có chỉ định dùng dịch cao phân tử trọng lượng 200.000 dalton, còn gọi là dung dịch phân tử 6% (HES 200.000 dalton, gọi tắt là dịch CPT 6%) điều trị cho bệnh nhân SXH nặng. Tuy nhiên, dịch CPT 6% đang có nguy cơ hết vì hãng cung cấp sản phẩm là công ty nước ngoài tuyên bố ngừng sản xuất.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong phác đồ điều trị SXH (do Bộ Y tế ban hành năm 2011 và cập nhật ngày 22-8-2019), dung dịch CPT được chỉ định điều trị chống sốc trên bệnh nhân SXH nặng. Hiện có sáu loại dịch điều trị SXH có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu sử dụng các thuốc này thấp nên nguồn cung rất hạn chế. Ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc nêu trên, Cục đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc.

Đáng nói, tình trạng thiếu thuốc đã diễn ra tại nhiều BV tuyến trung ương và địa phương trong năm nay. Hồi tháng 5-2019 cũng đã xảy ra thiếu thuốc ung thư tại BV K Trung ương, khiến cơ sở phải chờ đợi từ Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, dẫn đến bệnh nhân ung thư phải đồng chi trả cao, ảnh hưởng đến khả năng điều trị bệnh. Sự khan hiếm thuốc này bắt nguồn từ nhiều khó khăn, bởi những quy định của đấu thầu thuốc tập trung.

Nhiều bất cập

Năm 2017 là năm đầu triển khai đấu thầu thuốc tập trung. Như một đại diện Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia hé lộ: Theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật về đấu thầu, đấu thầu thuốc chỉ lựa chọn một nhà thầu trúng thầu đối với mỗi phần của gói thầu, sẽ cung cấp thuốc trong thời gian hai năm cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. Theo vị đại diện ấy, quy định này dẫn đến một số khó khăn nhất định. Đơn cử: Số lượng thuốc cung ứng cho tất cả các cơ sở y tế toàn quốc là rất lớn, mà nếu chỉ có một nhà thầu thì có thể gây nguy cơ thiếu thuốc cung ứng.

Cùng với mối lo ngại về khả năng độc quyền, một chuyên gia y tế trăn trở, việc đấu thầu tập trung có thể dẫn tới sự hạn chế đối với các BV. Theo đó, khi đấu thầu tập trung được triển khai trên diện rộng, BV sẽ không còn được chủ động lựa chọn loại thuốc tốt nhất với giá thành tốt nhất cho bệnh nhân. Trước đây, việc nhà thầu không cung ứng đủ thuốc trong giai đoạn ngắn có thể xảy ra đối với một số loại thuốc, nhưng chỉ là do các lý do bất khả kháng (chờ cấp giấy phép nguyên liệu nhập khẩu, chờ cấp số đăng ký/giấy phép nhập khẩu mới, chính sách thay đổi về hoạt chất…), và BV vẫn có thuốc tương đương thay thế để phục vụ điều trị.

Hơn thế, thực tế triển khai thực hiện cho thấy, nhiều bất cập buộc phải điều chỉnh ở cấp vĩ mô. Điểm dễ thấy nhất là văn bản quy định về đấu thầu thuốc liên tục thay đổi. Ngay cả Thông tư 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành áp dụng thì hiện nay đã có dự thảo sửa đổi. Công tác đấu thầu đòi hỏi huy động một lực lượng lớn nhân sự để tham gia quá trình đấu thầu thuốc từ các cơ quan liên quan, kéo dài ít nhất là sáu tháng. Thế nhưng, việc tham khảo giá thuốc kế hoạch như quy định hiện nay đang gặp khó khăn khi Bộ Y tế chưa công bố giá tối đa của từng mặt hàng thuốc; cập nhật chưa kịp thời, chưa đầy đủ giá thuốc trúng thầu của 63 tỉnh, thành phố, BV tuyến Trung ương; cũng chưa quy định mức giá tối thiểu của từng mặt hàng thuốc để chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, đến nay, vẫn chưa có trung tâm kiểm soát độc lập giá thuốc trúng thầu cấp quốc gia, dẫn đến việc chưa có mức chuẩn để đối chiếu nhằm so sánh giá thuốc sau khi trúng thầu giữa các địa phương, gây tranh cãi giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bộ Y tế. Giá thuốc biến động theo quy luật của thị trường, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu là nhập từ nước ngoài, do vậy rất khó kiểm soát. Chưa kể, đấu thầu hiện nay chủ yếu là đấu về giá (70% về giá), khiến các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến chất lượng thuốc có nguy cơ bị giảm khi sử dụng nguyên liệu giá thành rẻ, độ tinh khiết thấp.

Bắt đầu từ chính sách

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BYT thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11-5-2016 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Tại Thông tư, Bộ Y tế quy định công tác lựa chọn nhà thầu tại các cơ sở y tế, các đơn vị mua sắm thuốc tập trung công khai, minh bạch hơn; cũng như quy định việc phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu - điều sẽ giúp các cơ sở y tế chủ động mua thuốc cấp cứu, chống độc, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần tiền chất, thuốc cần mua gấp, thuốc mua với giá trị nhỏ… để kịp thời phục vụ người bệnh.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Thông tư số 15/2019/TT-BYT cơ bản giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu tại cơ sở y tế, giúp cho việc tổ chức lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị mua sắm tập trung, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đơn giản hóa, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả kinh tế. Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có ít cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Dược năm 2016.

Nhiều ý kiến lo ngại khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực đấu thầu khá hoàn thiện, nhưng quá trình áp các quy phạm pháp luật đó vào thực tiễn lại phụ thuộc vào khả năng “đọc - hiểu” của các bên. Điều này tạo nên những khoảng trống giữa thực tiễn và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sự thờ ơ của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác đấu thầu tại địa phương, việc các cơ quan ấy không hoàn thành vai trò của “người gác cổng” mới là điều đáng lo nhất.

Chính vì thế, để có thể xử lý nhanh và chính xác những kiến nghị của nhà thầu tại các cuộc đấu thầu diễn ra tại các bệnh viện và cấp địa phương, việc phân cấp phải được thực hiện triệt để, với trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư và sở quản lý chuyên ngành tại địa phương. Hơn thế, việc nêu cao trách nhiệm cá nhân cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật, nhằm đẩy lùi mọi nguy cơ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu cũng cần nhận được sự hỗ trợ từ các quy định của pháp luật, với các chế tài hình sự nghiêm khắc.

Sẽ là không thừa khi nhấn mạnh những vi phạm trong đấu thầu lĩnh vực y tế sẽ dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực. Họ sẽ cung cấp thiết bị y tế không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và các loại thuốc kém chất lượng, làm ảnh hưởng tiêu cực tới quy trình khám, chữa bệnh, gây nên những thiệt hại về kinh tế, và có thể sẽ làm ảnh hưởng những cam kết của Nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày 23-9-2019, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố Quyết định số 656/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế và một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng như tại một số sở y tế địa phương. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2018 (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này). Thời hạn thanh tra 80 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra.