Thách thức trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Phác thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình) đã và đang nhận được phản hồi tích cực từ xã hội là một bản thiết kế “kiến trúc” khá toàn diện cho mục tiêu giảm tải chương trình học của học sinh (HS). Thế nhưng, việc “thi công” theo bản thiết kế này lại không hề dễ dàng bởi có nhiều ý kiến cho rằng nhiều mục tiêu, hạng mục của bản thiết kế vượt quá tầm với, hoặc quá gấp để có thể hoàn thiện khi chỉ còn chưa đầy hai năm ngắn ngủi.

Để mục tiêu của Chương trình GDPT mới thành công, ngành giáo dục cần mạnh mẽ đổi mới trong thi cử, tạo điều kiện cho các trường tự chủ.
Để mục tiêu của Chương trình GDPT mới thành công, ngành giáo dục cần mạnh mẽ đổi mới trong thi cử, tạo điều kiện cho các trường tự chủ.

Nhìn tổng thể thì phác thảo Chương trình mới được đánh giá khá tích cực, trong đó đa số phụ huynh tán đồng bởi mục tiêu giảm tải cho HS. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay HS các cấp học, đặc biệt ở tiểu học và THCS luôn trong tình trạng quá tải, nhồi nhét kiến thức, ít có thời gian vui chơi, trải nghiệm các hoạt động thể chất; còn học sinh THPT, ở các môn học như Giáo dục công dân, Công nghệ, Lịch sử, Thể dục... từ lâu vẫn ngầm hiểu là “môn phụ” nên chất lượng không cao.

Trong khi đó, ý kiến các chuyên gia giáo dục và nhiều thầy giáo, cô giáo - những người sẽ trực tiếp dự phần “thi công” Chương trình còn không ít băn khoăn về tính khả thi.

Ông Ngô Vĩnh Trường, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Chương trình mới hướng tới người học phải đạt những phẩm chất (nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm) và các năng lực cốt lõi (tự chủ, hợp tác, sáng tạo; sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất; và năng lực chuyên biệt) để có thể sẵn sàng học tập ở trình độ cao hơn hoặc sẵn sàng cho các yêu cầu việc làm trong thế kỷ 21. Thế nhưng, việc cụ thể hóa những phẩm chất, năng lực vào các bài học, các môn học mới sẽ như thế nào mới đạt yêu cầu?

“Đây sẽ là một yêu cầu rất khó đối với nhóm biên soạn Chương trình và sách giáo khoa, để cụ thể hóa từng phẩm chất, năng lực khái quát này vào nội dung chương trình, bài học. Chưa kể, để phác họa được những phẩm chất, năng lực của “công dân Việt Nam” trong thế kỷ mới phải phù hợp với xu thế phát triển của thế giới là điều khá nan giải”, ông Trường phân tích thêm.

Đề cập đến việc tổ chức các môn học, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh, một người luôn trăn trở với công tác phân luồng học sinh cũng cảnh báo về việc “mất cân đối” giữa các vùng miền. Ông Sáng cho biết, Chương trình mới bao gồm nội dung học tập chung của cả nước và thời gian dành cho nội dung giáo dục của địa phương (Chương trình địa phương). Cụ thể, ở tiểu học thì thời lượng sẽ dành cho Chương trình quốc gia là 4.515 tiết, còn thời lượng tối thiểu dành cho Chương trình địa phương là 1.015 tiết. Ở THCS, tỷ lệ này là 3.640 tiết/420 tiết. Ở THPT, tỷ lệ là 910/105 tiết. “Khi triển khai đồng bộ khắp cả nước sẽ có sự phân hóa mạnh về trình độ giữa các vùng miền? Nếu như ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên... thì có thể dạy tiếng dân tộc thiểu số, còn ở các địa phương như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì Chương trình địa phương sẽ là gì? Rồi việc bổ sung giáo viên cho các môn như tiếng dân tộc thiểu số, nghệ thuật, thời trang... sẽ lấy nguồn từ đâu?” - ông Sáng đặt vấn đề.

Chia sẻ vấn đề này, một số ý kiến khác đề xuất, do việc định hướng nghề nghiệp ở nước ta còn chưa rõ ràng, hiệu quả của công tác hướng nghiệp cũng chưa cao, nên việc để người học quyền tự chọn môn học sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trong quá trình triển khai, rất cần thầy cô có những hướng dẫn tự chọn môn học theo định hướng các nhóm trường, nhóm ngành.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên bộ môn Lịch sử một trường THPT tại quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) bức xúc: “Bộ GD-ĐT có nêu giải pháp sẽ đào tạo lại đội ngũ giáo viên dôi dư để phục vụ các bậc học khác. Nhưng theo tôi, phương án này khó khả thi, bởi khi một lượng lớn giáo viên đang dạy các em học sinh độ tuổi 15-18 tuổi, nay đổi sang dạy từ 1-5 tuổi thì liệu mấy ai sẽ trụ được với nghề”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) lại bày tỏ lo lắng về việc sẽ thiếu các giáo viên giảng dạy các môn nghệ thuật, âm nhạc, thời trang... Ngoài những khó khăn trên, bà Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), cho rằng sẽ là quá sớm để năm học 2018-2019 áp dụng ngay Chương trình mới, trong khi công tác đào tạo giáo viên chưa thể đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Thẳng thắn đề cập những khó khăn trong thực tế, GS, TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, cho biết: Nếu học sinh tiếp tục học nhiều môn như hiện nay, các em không chỉ bị quá tải mà còn không có điều kiện để học sâu những kiến thức, kỹ năng cần thiết đối với định hướng nghề nghiệp của mình. Một trong những điểm nổi bật của Chương trình lần này là người học được “tự chọn môn học” để định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện cần để bảo đảm Chương trình thành công là các địa phương, các cấp quản lý phải đầu tư, tạo điều kiện để các trường đổi mới, tự chủ trong dạy và học; đồng thời, ngành giáo dục phải có những đổi mới quyết liệt về thi cử, cũng như công tác đào tạo giáo viên.

Theo kế hoạch, các chuyên gia đang khẩn trương hoàn thiện để cuối tháng 2, hoặc đầu tháng 3 này đưa ra lấy ý kiến toàn dân về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Tháng 5-2017 sẽ hoàn thiện dự thảo Chương trình môn học.