Thách thức trong cảnh báo thiên tai

Vừa qua, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Muốn thực hiện được nhiệm vụ này, ngành KTTV phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại.

Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Hòn Dấu (Hải Phòng) thu thập số liệu.
Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Hòn Dấu (Hải Phòng) thu thập số liệu.

Thiếu các trạm quan trắc ở vùng dễ tổn thương

Dự báo thời tiết thời hạn mùa là nguồn thông tin quan trọng giúp chính quyền và người dân có những chuẩn bị sớm cho công tác phòng, chống thiên tai hiện nay, đặc biệt là trước những diễn biến thời tiết cực đoan.

Chẳng hạn như, nắng nóng được xếp vào 19 loại hình thiên tai và luôn được chú trọng để quan trắc và dự báo sớm. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Bản tin dự báo tháng của trung tâm cập nhật thông tin dự báo trong 30 ngày trong hạn dự báo, có thể cảnh báo xu hướng nhiệt, nóng trong tháng. Còn với bản tin dự báo thời tiết hạn 10 ngày thì nắng nóng được dự báo, cảnh báo trước trong phạm vi 10 ngày. Nếu có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng ở khu vực nào trên cả nước, trung tâm đều có thể cảnh báo sớm. Ngoài ra, trung tâm còn có Bản tin cảnh báo chỉ số UV (bức xạ tia cực tím) tiềm năng cực đại trong ngày, cung cấp thông tin về sự thay đổi của cường độ tia cực tím trong ngày hôm đó (biến động theo giờ trong ngày). Dựa vào đó, người dân có thể lựa chọn những biện pháp phòng tránh phù hợp khi ra ngoài trời. Trung tâm cũng sẽ có các bản tin cung cấp thông tin dự báo chỉ số UV cực đại trong ba ngày tiếp theo để người dân có sự chuẩn bị sớm.

Ðiểm đáng nói, tuy đã có những kết quả đáng kể trong phát triển mạng lưới trạm quan trắc KTTV. Thế nhưng, so nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý nhà nước, công tác dự báo, cảnh báo kịp thời các loại hình thiên tai nguy hiểm; còn thiếu hụt các trạm quan trắc ở những vùng có thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là vùng núi và trên biển. Bên cạnh đó, phần lớn các thiết bị đo đạc tại các trạm đều là thiết bị cũ, đo đạc chủ yếu bằng phương pháp thủ công.

Cấp bách nâng cấp khả năng quan trắc

Ðể triển khai hiệu quả Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói chung và mục tiêu cụ thể nhằm giảm tác hại của thiên tai, GS, TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Khí tượng thủy văn, cho biết, nước ta cần tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia. Bên cạnh đó, cần ưu tiên chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cơ bản tại các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, tăng cường sự hỗ trợ quốc tế về công nghệ.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong các đợt mưa, bão, lũ hiện tượng sạt lở đất, bùn đá thường xảy ra bất ngờ và ít có số liệu quan trắc trực tiếp về hiện tượng này. Do đó, tiến tới chúng ta cần sử dụng các công nghệ hiện đại như máy bay không người lái gắn camera để chụp, quét, quay các ảnh độ phân giải cao khu vực vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thông tin ảnh được theo dõi, xử lý cùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp phát hiện sớm khu vực có nguy cơ xuất hiện hiện tượng này để sơ tán, phòng tránh kịp thời.

Ðối với các trạm quan trắc di động, di chuyển trên không, trên biển thì sau khi hoàn thành Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia, vẫn khó có thể đầu tư xây dựng được các trạm cố định với mật độ cao ở khắp các vùng trời, vùng biển. Do đó, đề xuất tiến tới việc tận dụng tối đa các phương tiện hoạt động trên không (máy bay) và trên biển (tàu thuyền) để lắp đặt các thiết bị quan trắc KTTV nhằm thu thập thông tin, dữ liệu KTTV. Nguồn dữ liệu này sẽ góp phần đánh giá đầy đủ hiện trạng KTTV trên mọi miền của đất nước.

Với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, nhu cầu thông tin về KTTV đòi hỏi ngày càng tăng, không chỉ xuất phát từ cộng đồng, mà còn xuất phát từ nhiều lĩnh vực ngành nghề của xã hội, đòi hỏi mạng lưới quan trắc quốc gia cần có những thay đổi mang tính đột phá cả về số lượng và chất lượng, tự động hóa. Chủ động thực hiện tốt Quy hoạch trạm KTTV là một bước đi cần thiết để nâng cao hiệu quả của công tác dự báo, phòng, chống thiên tai.

Nhận định về thời tiết mùa hè 2021, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: Hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu suy giảm và dần chuyển về pha trung tính trong hai đến ba tháng tới. Do vậy, nắng nóng mùa hè năm nay ở Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài như năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm nóng nhất trong năm ở khu vực Bắc Bộ là cuối tháng 5 tới tháng 7, trong khi ở Trung Bộ là từ cuối tháng 6 đến tháng 8. Trong đó, ở khu vực phía tây Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La có khả năng xảy ra nắng gắt. Ở miền trung, vùng núi phía tây dọc từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, nơi thường có tác động thêm của hiệu ứng gió phơn, là những vùng có nắng nóng gay gắt hơn các vùng khác.