Tăng tương tác trong kiểm soát dịch

Ngày 9-3-2020 vừa qua, hai ứng dụng khai báo y tế là: NCOVI (dành cho người dân Việt Nam) và Vietnam health declaration (dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam) được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Y tế, cùng các công ty lớn về công nghệ trong nước xây dựng chính thức ra mắt. Sự kiện diễn ra chỉ sau chưa đầy hai ngày, kể từ khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra đề nghị khai báo y tế toàn dân.

Khách nước ngoài thực hiện khai báo y tế điện tử khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Khách nước ngoài thực hiện khai báo y tế điện tử khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Vietnam health declaration là ứng dụng do Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng.Thông qua hệ thống, các cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác số lượng người nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý các trường hợp nghi ngờ cách ly, thống kê và báo cáo tình hình nhanh và chính xác nhất tới cơ quan y tế, địa phương. Giúp các đơn vị như Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng tại các cửa khẩu có thể hạn chế được người chưa được kiểm soát về y tế.

Hệ thống phần mềm cung cấp hai mẫu tờ khai điện tử dành cho người nước ngoài nhập cảnh và mẫu khai y tế cho toàn dân để triển khai tại cửa khẩu, sân bay,… Ðến nay, hệ thống đã được triển khai tại 163 cửa khẩu, cảng hàng không với hơn 22.000 hồ sơ được khai báo cấp xác nhận y tế.

NCOVI (hiện đã được cập nhật trên hệ điều hành Androi cũng như IOS, do Mobifone xây dựng) đóng vai trò là kênh thông tin tương tác hai chiều giữa người dân và các cơ quan chức năng, hay nói cụ thể là Bộ Y tế.

Sử dụng các ứng dụng nói trên, người dân không chỉ tiếp cận được nguồn thông tin chính thức từ Bộ Y tế, mà còn có thể thông báo đến các cơ quan chức năng tình hình sức khỏe bản thân thông qua phần "Khai báo y tế toàn dân" ở màn hình chính. Ðồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên chủ động cung cấp các dữ liệu sức khỏe qua mục "Theo dõi sức khỏe".

Vấn đề đặt ra lúc này chính là năng lực của cơ sở hạ tầng công nghệ có bảo đảm được nhu cầu lưu trữ rất lớn khi mà 100% số người dân Việt Nam thực hiện khai báo y tế hay không? Trả lời câu hỏi này, đại diện của Viettel cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng kịch bản sự cố để diễn tập các phương án nâng cấp tài nguyên khi có nghẽn cục bộ, ứng cứu một cách nhanh nhất.

Ðối với vấn đề bảo mật thông tin, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Tin học hóa (Bộ TT&TT), khẳng định, mọi thông tin cá nhân của người dùng được cơ quan chức năng bảo đảm an toàn qua cơ chế xác thực hai lớp.

Vấn đề còn lại là việc làm sao để tất cả người dân đều có thể tiếp cận và thực hiện khai báo y tế, đặc biệt là với nhóm đối tượng người già, trẻ nhỏ hay ở vùng sâu, vùng xa? Chị Nguyễn Thanh Nga - Trưởng Trạm y tế phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đề nghị: "Việc triển khai có thể lấy kinh nghiệm từ thống kê dân số, có nghĩa, tổ trưởng dân phố, cùng các đại diện của Ðoàn Thanh niên, đến từng hộ dân làm sẽ đầy đủ và kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, các phường đều đang rất bận rộn với các trường hợp cách ly tại gia đình trên địa bàn, bên cạnh đó còn phải xử lý rác thải của các hộ cách ly, nên sẽ quá tải khi phải đảm nhận thêm cả công việc đi từng hộ kê khai!".

Trước thực tế này, một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng, khai báo thông tin y tế trước hết và chủ yếu là dựa trên tinh thần tự giác của mỗi công dân. Ðây cũng chính là hành động thiết thực nhất mà mỗi người có thể làm nhằm chung tay chống dịch!