Tăng lương tối thiểu - những xung đột vô hình

Những ngày gần cuối tháng 4, tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, khi Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị không tăng lương tối thiểu hằng năm và không lấy lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp đã và đang tạo nên xung đột về quyền và lợi ích giữa hai cấp quản lý: Nhà nước và doanh nghiệp.

Việt Nam trong gần 10 năm qua đã luôn nỗ lực đi đúng theo “kịch bản” tăng lương tối thiểu vùng. Theo quy định tại Nghị định số 141, từ năm 2018, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp (DN) đã được điều chỉnh tăng lên từ 180.000 - 230.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng so với năm 2017. Trong các năm trước đó, mức lương tối thiểu năm 2016 đã tăng 12,4% so với 2015 và năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016. Thậm chí, để “quản” DN tốt hơn và bảo vệ quyền lợi của người lao động, Bộ luật Lao động 2012 còn quy định, thời gian làm thêm không quá 12 giờ/ngày, 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm (đối với dệt may 300 giờ/năm). Tuy nhiên, nhiều DN dệt may vi phạm quy định này do sức ép giao hàng đúng hạn để không bị phạt hợp đồng hoặc hạn chế chi phí phát sinh khi phải giao hàng bằng đường hàng không. Những DN vi phạm quy định về giờ làm thêm sẽ bị cắt hợp đồng với phía đối tác nếu… chiếu theo quy định này. Đó là xung đột đầu tiên.

Tăng lương là cách để tăng thu nhập, bảo đảm cho mức sống và nâng cao chất lượng của người dân nhưng thực chất, vấn đề này lại khiến nhiều DN lao đao với vấn đề bảng lương mới. Hiệp hội Dệt may kiến nghị không lấy lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương để không chịu tác động tăng giá tiêu dùng mỗi khi tăng tiền đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn. Bởi theo tính toán, nếu tiền lương tối thiểu cứ tăng “khá dần đều” thì các khoản nộp kinh phí công đoàn 2% của DN đương nhiên cũng tăng theo. Đó là áp lực tạo nên xung đột thứ hai.

Thực chất, nhiều chuyên gia đã nhìn ra vấn đề của việc tăng lương tối thiểu vùng khi không giải phóng được năng suất lao động mà có thể dẫn tới nhiều tác động tiêu cực, làm giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thậm chí, trong báo cáo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR) phối hợp với Văn phòng JICA tại Việt Nam thực hiện cũng từng chỉ rõ, việc tăng lương cao hơn tăng năng suất lao động sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của DN và từ từ “ăn mòn” sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc tăng lương tối thiểu vùng chính là để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động nhưng để “giá trị tăng thêm đó” phát huy đúng mục đích thì lương tối thiểu cần được điều chỉnh phù hợp với “tăng trưởng lương tối thiểu”. Điều cần làm rõ chính là các tiêu chí “phải có” để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu (bao gồm cả giỏ hàng hóa tính toán các nhu cầu cơ bản) sẽ bao gồm những gì? Các điều chỉnh phải được lên kế hoạch phù hợp với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, lạm phát và tình hình thực tiễn. Và quan trọng hơn, trong từng “bài tính” tiền lương còn cần nhiều góc nhìn và những chính sách bổ trợ đa chiều.