Tai biến vắc-xin và mối lo bệnh tật

Thời gian qua, một số tai biến nặng sau tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five đã gây lo lắng cho các bậc cha mẹ có con độ tuổi tiêm ngừa. Thậm chí, có một số gia đình phản ứng cực đoan không tiêm chủng cho con. Các chuyên gia cảnh báo, điều này sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Tiêm phòng là biện pháp tạo miễn dịch, được coi là giải pháp tối ưu để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Duy Tính
Tiêm phòng là biện pháp tạo miễn dịch, được coi là giải pháp tối ưu để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Duy Tính

Tai biến sau tiêm ComBE Five

Ngày 5-3, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ sở y tế tạm dừng tiêm vắc-xin ComBE Five (loại vắc-xin phối hợp phòng được năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) trên địa bàn toàn tỉnh sau khi xảy ra vụ việc cháu bé 2 tháng tuổi ở Bình Định tử vong sau tiêm vào ngày 26-2.

Trước đó, tại một số địa phương, như Hà Nội, Hải Phòng, Tiền Giang... nhiều trẻ đã xảy ra phản ứng sau tiêm ComBE Five, khiến không ít bậc cha mẹ lo lắng: liệu có tiếp tục tiêm cho con bằng ComBE Five miễn phí, hay tiêm loại vắc-xin dịch vụ phải trả tiền? Chị Thu Thủy, mẹ cháu Gia Bảo đang chờ cho con tiêm tại điểm tiêm chủng dịch vụ nằm trên địa bàn phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Sau một thời gian trì hoãn tôi quyết định cho con tiêm dịch vụ loại vắc-xin 5 trong1 khác có giá hơn 700.000 đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội - ông Nguyễn Nhật Cảm: Từ đầu năm 2019, 14 quận, huyện của Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five của Ấn Độ thay thế cho Quinvaxem của Hàn Quốc đã dừng sản xuất. Hà Nội ghi nhận hai trường hợp ở huyện Quốc Oai và huyện Mê Linh phản ứng nặng hơn (ở mức độ 1) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn điều trị, trong đó có trẻ phải thở ô-xi, dùng thuốc kháng dị ứng, hiện tại các trường hợp này đã được điều trị tốt và ổn định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã yêu cầu các trung tâm y tế lập danh sách các trẻ có phản ứng sau tiêm để báo cáo hằng ngày. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, giám sát các trường hợp có phản ứng sau tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiêm chủng.

Trên quy mô cả nước, PGS,TS Dương Thị Hồng - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia kiêm Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, đến nay đã có 19 tỉnh/thành triển khai tiêm ComBE Five, với hơn 100.000 trẻ được tiêm. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường, như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Về khả năng vắc-xin này gây nhiều phản ứng sau tiêm hơn so với vắc-xin sử dụng nhiều năm gần đây là Quinvaxem, bà Hồng cho rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ gặp các phản ứng sốt, quấy khóc, đau vết tiêm... có thể lên đến hơn 50% khi tiêm Quinvaxem, ở vắc-xin mới tỷ lệ ghi nhận được cao nhất là 5,5%. Tuy số trẻ được tiêm hai vắc-xin này có chênh lệch rất cao, đánh giá ban đầu cho thấy phản ứng sau tiêm ComBE Five không cao hơn Quinvaxem. ComBE Five đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và được sử dụng hơn 400 triệu liều ở trên 43 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho trẻ

Theo các chuyên gia y tế, thực tế tỷ lệ tiêm chủng ngừa các bệnh có vắc-xin hiện vẫn chưa đạt tỷ lệ như mong muốn, do người dân vẫn còn e ngại gặp phản ứng, tai biến sau tiêm. Lấy thí dụ, năm 2013, vắc-xin 5 trong 1 sử dụng lúc đó là Quinvaxem liên quan nhiều phản ứng có hại, trước sức ép của dư luận, Bộ Y tế buộc phải tạm dừng sử dụng trong 5 tháng và tỷ lệ bao phủ của chương trình tiêm chủng mở rộng giảm sâu. Hệ quả, năm 2014, dịch sởi đã bùng phát, cướp đi tính mạng của nhiều người.

Và năm nay, diễn biến dịch sởi khá giống với đỉnh dịch năm 2014 khi cuối năm 2018, cả nước trong quá trình chuyển đổi vắc-xin 5 trong 1, loại mới được đưa vào sử dụng là ComBE Five lại bị nghi ngờ liên quan nhiều trường hợp tai biến sau tiêm. Thống kê cho thấy, đầu năm 2019, dịch sởi bùng phát mạnh, số ca mắc gấp 14 lần so với cùng kỳ năm 2018. Phát biểu tại cuộc họp với báo chí về công tác phòng chống dịch bệnh đầu năm, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin: Có tới hơn 50% người mắc sởi trong thời gian qua chưa tiêm chủng, 40% không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi, số đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng sởi chỉ khoảng 10%.

Tiêm phòng là biện pháp tạo miễn dịch, được coi là giải pháp tối ưu để phòng ngừa dịch bệnh. Nhờ sử dụng vắc-xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết, như Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần. Song đại diện Cục Y tế dự phòng thẳng thắn thừa nhận, nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn. Do vậy, việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được.

Chính vì vậy, để tránh cho bậc cha mẹ hoang mang rồi bỏ tiêm vắc-xin khiến trẻ dễ mắc bệnh, nhất là trong thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh như hiện nay, đòi hỏi phía cơ quan chức năng, ngành y tế cần có những giải pháp, như giải đáp kịp thời trước một số phản ứng sau tiêm vắc-xin, đáp ứng thông tin thỏa đáng tới người dân về thông tin không chính xác, về tác hại trào lưu “chống vắc xin”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cần tiếp tục xem xét thêm các loại vắc-xin 5 trong 1 tương tự ComBE Five và Quinvaxem trong số vắc-xin đã và sẽ đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Các vắc-xin này cần đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới, có đủ khả năng cung cấp số lượng lớn, bảo đảm về chất lượng... để đưa vào chương trình.

Ngành y tế, các cấp, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, đánh giá chất lượng, độ an toàn để chuyển tiếp về địa phương nhằm bảo đảm nguồn cung vắc-xin, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng vắc-xin trước khi đưa vào tiêm chủng, có như vậy, người dân sẽ yên tâm hơn để đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, hạn chế sự bùng phát của nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm.

Vắc-xin ComBE Five sẽ vẫn tiếp tục được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác khám sàng lọc và hướng dẫn phụ huynh theo dõi con sau tiêm tại nhà.