Sự thật giật mình về trường chuẩn

Như "giọt nước tràn ly", sự việc một học sinh lớp 6 bị giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy và các bạn cùng lớp của Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình giáng 231 cái tát vào má khiến em phải nhập viện, không còn chỉ là cảnh báo mà đang thật sự trở thành "báo động đỏ" với nạn bạo lực học đường và cả những hệ lụy của việc chạy theo thành tích, áp lực thi đua với đủ thứ chuẩn này, chuẩn khác.

Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ảnh: NGÔ HUYỀN
Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ảnh: NGÔ HUYỀN

Trừng phạt = bất lực

Khai báo về lý do đưa ra hình phạt 231 cái tát giáng xuống gương mặt trẻ thơ kia, giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy giải thích là bởi áp lực sợ ảnh hưởng đến danh hiệu "trường chuẩn quốc gia" mà nhà trường đang phấn đấu. Rồi ngay sau vụ việc, thay vì nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời đến thăm hỏi động viên nạn nhân, thì cô Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh của trường này cũng như cán bộ địa phương lại "xin báo chí đừng thông tin" chỉ vì "ảnh hưởng đến việc trường sắp đạt chuẩn". Trong khi cả xã hội, cả ngành giáo dục phấn đấu hướng tới mục tiêu minh bạch, công khai thì người đứng đầu lại đi bao che, như thế chẳng khác nào tiếp tay cho hành vi sai trái.

Cảm nhận mức độ nghiêm trọng của vụ việc, TS Ðặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhận định, cách hành xử của cô giáo Thủy là hoàn toàn sai trái. Trong khi vẫn còn nhiều các biện pháp khác, có thể nói như bắt học sinh làm bản kiểm điểm, mời phụ huynh lên cùng giáo dục học sinh. Hay là bản thân người thầy, người cô mà giáo dục trực tiếp không được thì còn có cấp cao hơn, có thể báo cáo với tổ trưởng bộ môn hoặc báo cáo với Ban Giám hiệu (BGH) vì chính BGH cũng phải có chung trách nhiệm giáo dục học sinh. TS Sáng cũng chia sẻ thêm, đối với một số trường hợp cá biệt, BGH phải "nhảy" vào giáo dục học sinh chứ không thể nào... "khoán" hết cho cô giáo. Trường hợp không được nữa thì phải mời phụ huynh lên để cùng giáo dục. Cách hành xử của cả giáo viên lẫn hiệu trưởng trong trường hợp này đều sai trái.

Nhìn nhận vụ việc ở phạm vi rộng hơn, thầy giáo "chống tiêu cực" Ðỗ Việt Khoa khẳng định, áp lực thành tích lên đầu giáo viên hiện nay là rất nặng nề, rồi nó được chuyển thành sự giả dối đối phó. Ðể đạt được mục tiêu, nhiều giáo viên đã chọn biện pháp cứng rắn, khắc nghiệt, phản sư phạm đối với học sinh. Riêng vụ tát học sinh 231 cái, tôi thấy còn một vấn đề rất lớn khác. Ðó là sự lạm dụng quyền lực. Nhà giáo ở Việt Nam thường cho mình có quyền lực rất lớn đối với học sinh, từ đó họ có những hành vi bạo hành thể xác và tinh thần người học. "Giáo viên cần coi mình có trách nhiệm phục vụ xã hội cao nhất, chứ không phải là bề trên để bắt nạt người học", thầy Khoa nhấn mạnh.

Cũng có người đặt vấn đề, có mấy trường thực chất làm được đúng theo những tiêu chí chuẩn quốc gia? Và rồi, việc cả một lớp vì sợ cô giáo mà "xuống tay" với bạn của mình, cho thấy còn những dấu hiệu cảnh báo khác từ chính việc giáo dục trong nhà trường, trong triết lý giáo dục của chúng ta.

Những nghịch lý đằng sau lớp vỏ "trường chuẩn"

Ðề cập đến danh hiệu trường chuẩn, Hiệu trưởng một trường THPT ở Ðồng Nai, tâm tư: Có thể nói, trường học đạt chuẩn quốc gia là niềm tự hào của các địa phương. Việc có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia cho thấy sự quan tâm của các cấp trong đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, việc xác định chuẩn quốc gia cần bảo đảm chính xác, trung thực chứ không thể qua loa để lấy số liệu làm thành tích. Bên cạnh đó, việc các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là mối quan tâm của các phụ huynh học sinh, vì ai cũng muốn con em mình có được điều kiện học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng lưu ý, đa số các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (nhất là các trường trong nội thành, khu vực đô thị), thường được đầu tư cơ sở vật chất tốt nên sẽ có khá nhiều học sinh xin vào học. Ðiều đó dẫn đến áp lực với các trường, đồng thời nảy sinh tiêu cực "chạy trường", "chạy lớp". Hệ quả là dù nhiều trường được công nhận đạt chuẩn nhưng lại có tình trạng số học sinh/lớp học quá đông, chật chội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Và nếu trên cùng một địa bàn, để bảo đảm trường này đạt chuẩn, thì trường khác lại chịu "bất công" khi phải gánh áp lực sĩ số.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đặt vấn đề, những chỉ tiêu của trường chuẩn liệu có mang tính hình thức không nếu như mỗi trường không thật sự đi sâu vào những giá trị của giáo dục, không có được triết lý giáo dục nhân văn? Quản lý nhà trường không nên và không thể theo kiểu hành chính, bởi giáo dục là vấn đề con người, ở đây là mầm non - tương lai của đất nước. Chính vì thế, nhiều chuyên gia đã từng lên tiếng cảnh báo, quy định khống chế tỷ lệ lưu ban, rồi áp lực "giữ chuẩn" để không "rớt chuẩn" khiến nhà trường và giáo viên buộc phải "thiên biến vạn hóa" bằng nhiều cách để cố "giữ chuẩn". Thế mới có tình trạng một số trường học ở nhiều nơi "học sinh ngồi nhầm lớp", thậm chí không được phép lưu ban...

Chưa hết, áp lực còn đè nặng lên giáo viên trường chuẩn là, ngoài hoạt động giáo dục, các trường chuẩn quốc gia buộc phải tham gia đầy đủ các phong trào cấp trên tổ chức, nhất là các phong trào mũi nhọn như thi Toán, tiếng Anh trên mạng, thi vở sạch chữ đẹp các cấp, thi sáng tạo trẻ... Cũng vì sức ép thành tích, sức ép của cái mác trường chuẩn quốc gia, không ít giáo viên phải gồng mình hậu thuẫn, thi hộ các em ở vòng trường để đạt chỉ tiêu về số lượng. Trong khi năng suất và áp lực làm việc của giáo viên trường chuẩn cao hẳn so với giáo viên một trường bình thường, thì quyền lợi của các giáo viên này lại không chênh lệch là mấy.

Cuối cùng, mục tiêu của giáo dục không là gì khác ngoài mục đích vì con người, vì thế hệ học sinh tương lai được phát triển toàn diện. Các chuẩn nếu có được đặt ra cũng chỉ để tạo điều kiện, phát huy tối đa các nguồn lực cho mục tiêu tối thượng ấy.