Sự khởi đầu tích cực

Có thể thấy, thật hiếm khi có một luật ngay lập tức “đi vào cuộc sống”, nhận được sự quan tâm đặc biệt, bàn tán xôn xao của xã hội như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019) và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Khi luật tác động sát sườn đến đời sống, có thể nhận thấy rõ sự tích cực trong kết quả thu về ngay từ những ngày đầu thực thi.

Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: KHÁNH AN
Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: KHÁNH AN

Số liệu tạm thống kê trên toàn quốc cho thấy, chỉ trong sáu ngày đầu ra quân thực thi luật và nghị định, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp. Trong quá trình thực thi luật, CSGT đã phải giải quyết nhiều trường hợp phản ứng tiêu cực, chủ yếu từ những người đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông (ô-tô, xe máy, xe đạp…) khi gặp lực lượng chức năng đang thực thi công vụ. Tuy nhiên, sự đồng loạt ra quân và thái độ kiên quyết, mạnh mẽ trong triển khai của lực lượng CSGT đã góp phần đáng kể vào việc kéo giảm tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông trên thực tế, và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp của người tham gia giao thông.

Ủng hộ tinh thần nghiêm khắc khi thi hành công vụ của lực lượng CSGT, song cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra, chẳng hạn, vì mức phạt cao mà tài xế, CSGT “thỏa hiệp” với người sử dụng phương tiện giao thông để bỏ qua vi phạm. Trả lời băn khoăn này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, khẳng định, sẽ không để xảy ra chuyện tiêu cực. Ngay trong tháng 12-2019, Bộ trưởng Công an đã ban hành quy chế yêu cầu CSGT thông tin đầy đủ đến người dân các tuyến đường tuần tra kiểm soát, việc giám sát cũng có thể được thực hiện trực tiếp hay qua phương tiện thông tin đại chúng, ghi hình ảnh, ghi âm theo quy định. Trước đó, Bộ trưởng Công an cũng đã ban hành những quy chế, quy định phòng ngừa xảy ra tiêu cực trong lực lượng công an, và mỗi cảnh sát đều phải học để bảo đảm ứng xử với người dân có văn hóa.

Thời gian qua, nhiều số liệu thống kê liên quan đến bia rượu đã gây sửng sốt cho xã hội. Theo đó, Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu Đông-Nam Á về lượng rượu bia tiêu thụ, với khoảng hơn 4 tỷ lít bia/năm; rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà nguyên nhân do tài xế sử dụng rượu bia, với nồng độ cồn quá cao trong cơ thể hoặc có liên quan đến bia rượu, chất kích thích. Từ những tác động trên thực tế của luật, mặc dù còn không ít khó khăn trong quá trình thực thi, song cũng đang cho thấy đây là sự khởi đầu tích cực để loại bỏ một thói quen xấu: say xỉn, và say xỉn khi lái xe!

Vấn đề đặt ra lúc này là, luật và các chế tài xử phạt đã có, chỉ chờ những người thực thi pháp luật luôn thường trực tinh thần trách nhiệm, từ đó lan tỏa đến cộng đồng, được xã hội đồng tình, người dân chấp hành và giám sát.

Điều dễ nhận thấy, trong ít ngày qua, phản ứng của xã hội khi thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhiều quán nhậu trong cả nước đã giảm đáng kể lượng thực khách. Cũng như các quy định trước đây về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy, hay việc cấm đốt pháo nổ,… khi được thực thi nghiêm túc với mục đích nhân văn sẽ sớm nhận được sự đồng thuận của xã hội.