Sống vì đam mê

YOLO (tạm dịch: Bạn chỉ sống một lần) đã từ lâu là một thông điệp ý nghĩa, thôi thúc thế hệ thanh niên chủ động phá tan những ngần ngại, chần chừ khi đứng trước bất kỳ một cơ hội nào. Cùng sự năng động, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách cũng như khả năng nắm bắt xu hướng nhanh chóng, giới trẻ ngày nay đang dần chứng tỏ bản lĩnh khi sẵn sàng sống hết mình theo tiếng gọi trái tim và niềm đam mê đích thực.

Bình tìm thấy niềm đam mê trong việc tập luyện và lan tỏa tinh thần Yoga đến cộng đồng.
Bình tìm thấy niềm đam mê trong việc tập luyện và lan tỏa tinh thần Yoga đến cộng đồng.

1 “Tôi đang làm gì thế này?”. Nguyễn Đức Bình thở dài, ngước nhìn ra phía ngoài cửa kính, nơi những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát. Câu hỏi tưởng chừng như vô lý này thường xuyên được chàng trai 24 tuổi nhắc đi nhắc lại trong văn phòng làm việc của PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới tại Niu Oóc, Mỹ). Hai năm sau, từ bỏ một công việc trong mơ với mức lương gần 7.000 USD mỗi tháng, không còn khoác trên mình bộ com-lê lịch sự, Bình hiện đang là người đầu tiên đưa bộ môn yoga hiện đại về quê nhà.

Cuộc sống luôn gửi đến cho mỗi người những tín hiệu và Bình không chần chừ khi cơ hội “gõ cửa”. Quyết tâm sống vì đam mê với yoga, thôi một công việc vốn được bố định hướng từ rất sớm, Bình sẵn sàng làm ca gần 30 tiếng một tuần chỉ để mỗi ngày tận dụng quãng thời gian rảnh hiếm hoi, theo học ba đến bốn lớp yoga. Bên cạnh đó, cậu tập cho mình thói quen ăn chay một năm nay, từ đó, tìm thấy niềm đam mê đích thực. Vượt qua những khó khăn ban đầu, về nước Bình mở VietYogi để mong truyền tải được niềm đam mê yoga hiện đại của mình tới hàng trăm người ở nhiều độ tuổi khác nhau ở Hà Nội. “Hít một hơi thật sâu, lắng nghe tiếng thở của mình và đôi khi bạn sẽ chạm tới tâm hồn của bản thân trong khoảnh khắc ấy”, đó là thông điệp Bình muốn lan tỏa đến cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ vốn đang có quá nhiều áp lực trong cuộc sống.

Giống như Bình, tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính, nhưng Nguyễn Lê Hoàng Việt, chàng trai vừa giành giải thưởng Tài năng châu Á trong Liên hoan phim Asia, lại quyết tâm rẽ theo con đường nghệ thuật. Như bao đứa trẻ khác, Việt thích xem phim từ khi còn bé. Theo thời gian, những đĩa phim từ cửa hàng đối diện trường học hay những vở kịch mà cậu tham gia dàn dựng vào mỗi buổi sinh hoạt ở trường THPT hay lễ tốt nghiệp đại học cùng với sự đón nhận và ủng hộ của mọi người đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành đạo diễn phim lớn dần trong cậu.

Không chỉ vậy, càng đi sâu vào tìm tòi nghiên cứu, Việt nhận ra rằng chính ngôn ngữ điện ảnh, môi trường làm việc nghệ thuật cũng như cách một người đạo diễn thể hiện câu chuyện, quan điểm của mình với người xem... là những yếu tố thu hút và tạo nên tình yêu của chàng thanh niên 25 tuổi với nghề làm phim. Quyết định thử sức mình với vai trò của người đạo diễn, Việt đã có cho mình năm bộ phim ngắn đầu tay cùng hàng loạt những giải thưởng hơn cả mong đợi.

Tuy được mọi người đánh giá khá cao với nỗ lực thực hiện đam mê của mình nhưng Việt vẫn chưa được gia đình thật sự ủng hộ để theo đuổi nghề đạo diễn. “Lúc đầu, bố mẹ hết sức khuyến khích và tạo điều kiện vì đây là hoạt động lành mạnh, bổ ích. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp ra trường, bố mẹ không đồng ý việc theo đuổi con đường phim ảnh và muốn mình làm đúng ngành học trước kia. Phụ huynh liên tục nhắc nhở về điều kiện làm việc, cơ hội có được trong ngành tài chính ngân hàng” - Việt tâm sự.

Sống vì đam mê ảnh 1

Việt nhận giải thưởng ở LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 4-2016.

2 Có một sự thật rõ ràng là Bình và Việt chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn bạn trẻ đã tốt nghiệp cử nhân, cao học một ngành nghề mà các cậu không thật sự quan tâm. Tới khi nhận ra được đam mê của mình và quyết tâm chinh phục ước mơ đó, thì họ nhiều khi phải đối diện thách thức lớn nhất, lại chính từ kỳ vọng của gia đình mình.

Ở nước ta, áp đặt ý kiến chủ quan của mình đến sự lựa chọn của con cái còn tồn tại sâu sắc đối với nhiều bậc phụ huynh. Điều này vô hình trung đã tạo ra chuỗi hệ lụy xấu cho xã hội khi rất nhiều cử nhân, thạc sĩ học theo yêu cầu của bố mẹ rồi không thể tìm được việc làm lúc ra trường… Con số hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp trên cả nước chỉ là bề nổi cho thấy một phần sự thật của tình trạng thanh niên chưa được tự chủ tìm kiếm tương lai.

Mới đây nhất, sự thành công của một bạn trẻ với ổ bánh mì Việt trên đất nước Nhật Bản là minh chứng rõ ràng rằng: Bạn có thể thành công với bất kỳ nghề nghiệp gì mà không nhất thiết phải trở thành một con người đóng khung trong kỳ vọng của gia đình hoặc chính bản thân người đó. Cũng tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Yokkaichi, chàng thanh niên sinh năm 1991, Bùi Thanh Tâm nhận ra ý tưởng bán bánh mì trên nước bạn xuất phát từ lần hai anh em xếp hàng chờ mua bánh mì kê-báp (kebab) tại một quán bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ.

Tâm và anh trai mình là Duy mới đầu nhận được rất nhiều sự chia sẻ thẳng thắn về nguy cơ rủi ro của dự án cũng như không đồng tình với việc “cử nhân đại học lại đi bán bánh mì”. Đáp trả những ý kiến này, Tâm khẳng định: “Bất kể công việc gì cũng đều là nghề nghiệp cao quý. Ở Nhật Bản, mọi người dành sự tôn trọng từ lao công, thợ hồ, đến người làm nông... nên việc bán bánh mì cũng cao cả đấy chứ. Mang đến thức ăn ngon, không những quảng bá được hình ảnh, nét đẹp văn hóa ẩm thực nước nhà mà còn đem lại thu nhập cho bản thân thì có gì mà phải ngại”.

Tiệm bánh mở hàng lúc chín giờ sáng đến chín giờ tối thì đóng cửa nên Tâm thường phải ở lại dọn dẹp và chuẩn bị cho ngày tiếp theo đến tận 12 giờ đêm. Không kể những lúc quán đông khách, công việc nhân lên gấp bội, hai anh em phải ở lại đến hai, ba giờ sáng là chuyện bình thường. Miệt mài theo guồng quay của quán từ chuẩn bị nguyên liệu, bán bánh mì, chăm sóc khách hàng... nhưng được làm công việc mình yêu thích, Tâm cảm thấy vui nhiều hơn là mệt.

Sống vì đam mê ảnh 2

Tiệm bánh mì của hai anh em Tâm và Duy trên phố Waseda Dori, Tokyo, Nhật Bản.

3 Trở lại với Bình, hành trình khám phá gần 30 quốc gia trên khắp năm châu cũng như để lại dấu ấn của mình qua những tư thế yoga độc đáo mới chỉ bắt đầu. Không dừng lại với tấm giấy chứng nhận 500 giờ đào tạo yoga ở Ấn Độ, Costa Rica hay chỉ đơn thuần truyền bá yoga hiện đại với cộng đồng yêu yoga trong nước, Bình vẫn luôn nỗ lực tập luyện để chinh phục đam mê cũng như nâng cao các kỹ năng của mình khi tiếp tục theo học vận động viên thể dục dụng cụ hàng đầu Việt Nam Phạm Phước Hưng.

Yoga không chỉ mang đến cho Bình một công việc tràn đầy niềm vui mà hơn thế nữa là được sống với đam mê, được lắng nghe từng nhịp thở của bản thân mỗi ngày. Xa hơn nữa, Bình đang ấp ủ những kế hoạch tương lai nhằm mang yoga hiện đại đến với những trẻ em còn thiếu may mắn, đầu tiên là Việt Nam, sau đó vươn ra thế giới và đặc biệt là ở châu Phi. Đơn giản vì theo Bình: “những đứa trẻ từ năm đến sáu tuổi nếu được làm quen với thiền định và yoga thì thế giới này có lẽ sẽ không còn chỗ cho chiến tranh hay xung đột nữa”.

Có bao giờ bạn hối tiếc mỗi phút giây trôi qua trong lãng phí bởi những gì mình chưa làm được trong quá khứ để rồi tự hỏi liệu cuộc sống có tươi đẹp hơn nếu bản thân quyết tâm theo đuổi niềm đam mê? Có những quyết định mà bạn không thể biết trước được tương lai sẽ ra sao nhưng hãy mơ một ước mơ để rồi theo đuổi nó một cách nghiêm túc.