“Sóng” ở bãi ngang

Nhìn những căn nhà tầng mọc lên san sát, những bãi ngao, đầm tôm trải bát ngát tận chân trời, cứ ngỡ dân cư vùng bãi ngang xứ Thanh sung túc lắm. Ít ai biết rằng, đang có những cơn sóng ngầm ở bãi ngang khiến cho cuộc sống của không ít hộ dân chìm nổi bể dâu.
“Sóng” ở bãi ngang

Điêu đứng vì nuôi tôm, nuôi ngao

Từng có thời điểm nhiều “đại gia” ở Hậu Lộc đổ về Đa Lộc mua đất nuôi tôm, biến vùng đất này nhộn nhịp người ra người vào, máy móc hoạt động rền vang cả một góc trời; những chòi canh tôm lúc nào cũng có người ăn, kẻ làm. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước.

Đầm tôm xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) những ngày này yên tĩnh lạ thường. Đang vào vụ nuôi chính, những chiếc quạt ô-xy lẽ ra phải chạy hết tốc lực, bọt tung trắng xóa thì lại nằm im dưới nắng. Trong những chòi canh tôm cạnh đê quai trục 8, người nuôi tôm túm tụm bàn tán về nợ nần, thi thoảng lại nghe tiếng thở dài ngán ngẩm.

Là người có thâm niên nuôi tôm gần 15 năm nay nhưng chưa bao giờ ông Vũ Đức Diện, thôn Yên Hòa thấy nghề nuôi tôm lại thê thảm đến thế. Trả giá cho việc nhà nhà, người người chạy theo nuôi tôm thẻ chân trắng, là những vụ tôm chết hàng loạt, thất bát tăng theo cấp số nhân. Của nả trong nhà những ông chủ đầm tôm cứ đội nón ra đi, những tờ sổ đỏ nhà đất của gia đình, người thân cắm mãi ở ngân hàng chưa biết bao giờ lấy lại được. Lại thêm những khoản tiền vay nóng với lãi suất “cắt cổ”, cứ lãi mẹ đẻ lãi con… Không ít hộ bán nhà, bán đất nhưng vẫn ôm nợ hai đến ba tỷ đồng.

Không thể vay được những khoản tiền lớn nữa thì đi vay từ những đồng tiền nhỏ. Đấy là cách mà nhiều người nuôi tôm Đa Lộc hiện nay cầm cự. “Không còn vốn liếng nên vụ đầu 2019, tôi chỉ thả ba đầm với số lượng 54 vạn con giống. Vậy mà hai đầm đã mất trắng, giờ chỉ còn một, con tôm đã to bằng đầu điếu thuốc lá, cầu cho chúng khỏi dịch bệnh. Nhà tôi có hai lô đất đã “nướng” vào con tôm, món nợ 1,4 tỷ đồng vẫn chưa biết ngày nào trả ngân hàng”, ông Diện thở dài.

Rít một hơi thuốc lào, ngả người ra chiếc ghế cũ kỹ tại khu đầm tôm, ông Nguyễn Văn Hữu xót xa: “Sáu năm nay tôi chuyển sang nuôi thâm canh tôm công nghiệp nhưng hầu như năm nào cũng mất đau”. Theo phân tích của ông Hữu, nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nuôi thành công ở Đa Lộc hiện chỉ đạt dưới 20% đó là bởi ô nhiễm từ nguồn nước nuôi. Chẳng có đâu được hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kênh dẫn nước, nên người nuôi tôm đành lấy nước từ hạ nguồn sông Mã dù biết đây là điểm tàu thuyền thường xuyên qua lại, cư dân sống vây quanh, nên ô nhiễm, chứa dịch bệnh.

Người nuôi ngao tại xã Đa Lộc cũng đang chịu chung cảnh thất bát, nợ nần như nuôi tôm. Theo thống kê, đầu tháng 4-2019, trong số gần 200 ha nuôi ngao toàn xã thì có gần 180 ha bị chết. Ngoài ra, các xã bãi ngang khác của huyện Hậu Lộc như Minh Lộc, Hải Lộc cũng xuất hiện ngao chết. Theo kết luận của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tượng ngao chết, ngoài việc một số diện tích bãi nuôi không phù hợp, có nguyên nhân chính là người dân đã thả với mật độ nuôi quá dày, ngao bị cạnh tranh môi trường sống, chất dinh dưỡng dẫn đến kháng thể yếu, dễ bị chết khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Chất chồng các khoản nợ

Cách xã Đa Lộc và Hải Lộc không xa, là xã Ngư Lộc, một xã đông dân nhưng không có đất nông nghiệp, nằm trên một bãi ngang ven biển. Người ở nơi khác đến sẽ nghĩ cuộc sống ở vùng bãi ngang này nhộn nhịp chẳng khác nào phố thị. Nhưng với những người đã ăn đời ở kiếp tại đây, như ông Đồng Xuân Thảo mới thấu hiểu hoàn cảnh thực tế của người dân nơi này. Ông chủ tàu 67 vỏ gỗ than thở: “Không riêng gì gia đình tôi, cả xã này hầu như nhà nào cũng xây hai, ba tầng, số nhà cấp 4 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng chủ của những ngôi nhà này hầu như đều phải cầm sổ đỏ đi cắm, mua tàu thuyền để đánh cá”.

Câu chuyện nợ nần chồng chất của người dân Ngư Lộc được ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc xác nhận: “Có lẽ không đâu như nơi này, mật độ dân số lên tới 15.000 người/km2. Theo thống kê, hiện tổng dư nợ ngân hàng của toàn xã là 650 tỷ đồng. Bình quân mỗi người dân Ngư Lộc có một khoản nợ ngân hàng hơn 36 triệu đồng”.

Nhưng theo ngư dân Đồng Xuân Thảo, con số thống kê về nợ nần trên vẫn chưa phản ánh hết cơn bĩ cực của ngư dân Ngư Lộc: “Ngoài nợ ngân hàng thì người dân Ngư Lộc còn phải đi vay nóng nhiều lắm. Gia đình tôi cũng vậy, để có con tàu vỏ gỗ hơn 10 tỷ đồng, tôi vay ngân hàng 9 tỷ. Số còn lại phải đi vay nóng, vay với lãi suất 2 nghìn đồng/ngày/1 triệu đồng. Năm đầu tiên còn làm ăn được nhưng vài năm nay, trữ lượng cá giảm hẳn. Trước đây, lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm khoảng 30-40% thì nay chỉ còn 5-10% trong khi giá dầu, nhân công, dịch vụ hậu cần đều tăng giá”.

Đời sống người dân bãi ngang ngày một khốn khó vì nợ nần. Nhưng họ không dám bỏ đất mà đi, cũng không dám bỏ việc nuôi tôm, nuôi ngao. Người ở huyện Hậu Lộc nói rằng, họ đã thất bại từ nuôi tôm, nuôi ngao, thì lúc này chỉ có con tôm, con ngao mới giúp họ trả nợ. Ông Vũ Đức Diện ngậm ngùi: “Nếu bần cùng phải bỏ đi làm thuê thì mỗi tháng chỉ được vài triệu đồng. Số tiền ấy chỉ đủ nuôi miệng, làm sao mà có tiền tích cóp để trả ngân hàng?” Vậy nên, ông Diện và nhiều người khác cùng chung mong mỏi được ngân hàng cho giãn nợ để còn có cơ hội đầu tư trở lại”.

Ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho rằng, để giúp đỡ người dân vùng bãi ngang vượt qua khó khăn, người dân trông mong sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc đưa ra cơ chế chính sách giúp cải tạo nguồn nước, cũng như có được những nghiên cứu, cảnh báo dịch bệnh và cách phòng, chống kịp thời cho bà con. Đồng quan điểm ấy, ông Vũ Xuân Phú, nguyên Chủ tịch UBND xã Đa Lộc trăn trở: “Nghe nói đang có dự án xây dựng đập tràn ngăn mặn, người nuôi tôm sẽ lấy nước sạch chủ động hơn, nhưng không biết lúc nào dự án ấy mới triển khai!?”.