Sống chung với thuốc độc

Qua thực địa trên nhiều cánh đồng, gặp gỡ cán bộ địa phương và người làm trong lĩnh vực bảo vệ cây trồng, chúng tôi chứng kiến nỗi băn khoăn lo lắng về việc người nông dân phải sản xuất trong môi trường ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí nhiều người cam chịu cả đời làm lụng trong cảnh vất vả và bị đe dọa về sức khỏe. Thực tế bức thiết ấy đòi hỏi các cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt hơn hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao nhận thức, hướng tới nền nông nghiệp an toàn.

Người dân xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội) phải phun nhiều lần một tháng vì sâu bệnh kháng thuốc.
Người dân xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội) phải phun nhiều lần một tháng vì sâu bệnh kháng thuốc.

Kỳ I: Không còn lựa chọn

Không khó để gặp hình ảnh người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thiếu bảo hộ lao động trên nhiều cánh đồng. Người bình thường đi qua khu vực phun thuốc chỉ trong 10 phút là bị khó thở, tức ngực. Vậy mà người nông dân gắn bó với ruộng đồng, phải tiếp xúc cả đời với thuốc trừ sâu. Chẳng còn cách nào khác, họ không muốn chịu cảnh mất mùa…

Từ câu chuyện của những người cha

Cánh đồng xã Minh Tân và Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) sát nhau, cây trồng không được trồng đồng loạt theo những ô thửa lớn, mà xôi đỗ hàng chục loại cây. Nào rau xanh, hành tỏi, cà chua, cà pháo đến cả ngô, dưa leo, đậu tương… Ðang kỳ phun thuốc, gió quẩn, mùi nồng nặc khó chịu đến tức bụng, buồn nôn. Ði qua cánh đồng Khơi mà bụng tôi đầy lên, tức thở. Gặp ông Nghiêm Văn T. (người thôn Kim Quy, xã Minh Tân) đang phun ô ruộng cà muối trĩu quả, tôi hỏi: "Mùi khó chịu như vậy, bác có ngửi thấy, có bị khó chịu không?". Ông T. trả lời: "Tôi cố gắng phun cho xuôi gió. Phun nặng thì mùi nặng và chóng mặt, tức thở! Nhưng để rau sâu thì người chết trước. Ðành phải đánh đổi thôi, làm gì có lựa chọn khác!".

Lại hỏi, bác có nhớ cả đời mình đặt lên vai bao nhiêu bình thuốc? Ông T. khựng lại, khóa tạm vòi bơm, kéo chiếc khẩu trang che miệng cho trễ xuống cằm, lộ ra những mảng da sờn. Ông chỉ tay ra phía chung quanh, nơi có một số người nông dân cũng đang cần mẫn phun cho ô ruộng nhà mình, người đội mũ xanh, người đội nón mê: "Tất cả người làm ruộng đều sống chung với thuốc trừ sâu. Phụ nữ còn phải phun nhưng ít hơn. Vì làm rau màu, kết hợp với những chân lúa, làm vườn nên bình quân mỗi tuần tôi khoác trên mình ba bình thuốc sâu. Hơn 40 năm qua, tôi không nhớ đã khoác bao nhiêu bình. Cũng chẳng biết cơ thể mình đã ngấm bao nhiêu thuốc độc?".

Ngậm ngùi nói lời tạm biệt. Tôi ngẩng mặt nhìn mặt trời vẫn đang hừng hực đốt nóng. Chợt mùi thuốc sâu từ phía đông dội lại. Ði vài trăm mét, bước xuống ô ruộng hơi lầy vì đêm qua trời mưa, tôi gặp ông Nguyễn Văn Hơn (thôn Kim Quy). Mặt ông sạm nắng, dáng hơi còng, cõng chiếc bình phun có 30 lít dung dịch. Ông bảo, mọi người làm ruộng đều biết gắn với đồng ruộng là có lúc như "tắm" trong thuốc trừ sâu. Chỉ trừ khi không làm nông nghiệp nữa, chứ tránh làm sao nổi. Ðã vậy, cà pháo, đỗ dính sâu đục thân mà phun nhẹ, sâu nằm bên trong nó… cười khanh khách. Nên phải phun quá liều, gộp mấy loại cho chắc ăn, dạng thuốc nội hấp như Cyromazine, Matrine, Saponin (thuốc thẩm thấu trong quả), thì sâu bên trong mới chết.

Tìm hiểu ra, cả khu vực người dân gieo trồng nhỏ lẻ, mỗi hộ có bảy đến chục ô ruộng, sâu bệnh cũng dễ dàng hoành hành. Trong khi đó, thuốc phun loại nội hấp là dạng cực độc, thời gian cách ly đến 15 ngày, nhưng đa số chỉ vài ngày người dân đã hái quả đem bán. Thời điểm từ tháng 8 đến cuối tháng 10-2018, mưa nắng sụt sùi, sâu bệnh tấn công, thường các hộ dân tự mua thuốc đi phun. Từ những người cha, người nông dân gắn bó cả đời với đồng ruộng, tôi ngậm ngùi nghĩ đến hàng nghìn, hàng vạn những ông bố, người cha khoác bình phun từ thời thanh niên đến khi bệnh tật đầy người, không làm ruộng được nữa. Số người chết hằng năm vì ung thư tăng lên, có một nguyên nhân lớn là do nguồn thực phẩm bị nhiễm độc và điều kiện bảo hộ lao động không được bảo đảm, họ phun thuốc mà chẳng khác nào vừa "tắm" thuốc cho cây, vừa "tắm" thuốc cho mình. Nghĩ mà lạnh sống lưng!

Ðến nỗi khốn khổ vì xoay xở với sâu bệnh

Tìm đến những vùng trồng hoa thuộc huyện Mê Linh, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mới thấy hết nỗi vất vả của người trồng hoa. Ðể có được những bông hoa tươi thắm, ngoài mồ hôi công sức bỏ ra, người nông dân còn phải chạy đua với sâu bệnh. Gặp ông Ðặng Thìn Long ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh) lúc đang phun hoa hồng. Ông đeo đồ bảo hộ kín mặt, bởi loại thuốc ông phun cho hoa "kinh không chịu được". Hỏi vì sao, ông trả lời: Sâu bệnh kháng thuốc nên dân phải xoay xở. Phun bình thường theo liều lượng sâu không chết, không khỏi bệnh nên càng phải phun mạnh, thay đổi thuốc liên tục, thậm chí trộn nhiều loại với nhau. Có khi rơi vào vòng luẩn quẩn, vì càng phun nặng càng ô nhiễm, mà sâu bệnh không thuyên giảm.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp cũng nhập về ngày càng nhiều loại thuốc để bán kiếm lời, dẫn đến loạn thuốc là trên toàn quốc có tới hơn 4.000 thương phẩm. Theo ông Bùi Mạnh Tiến, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Mê Linh, địa phương có hơn 120 đại lý kinh doanh thuốc BVTV, năm 2017 lượng thuốc tiêu thụ trên địa bàn khoảng 60 nghìn kg, tương ứng khoảng 10 kg/ha cây trồng. Mới đây, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) phân tích môi trường ở năm xã trồng hoa tại Hà Nội gồm Hạ Mỗ (huyện Ðan Phượng), Mê Linh, Văn Khê (huyện Mê Linh), Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ), Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), đều cho kết quả dư lượng thuốc BVTV nhóm chlor hữu cơ, độc cao vượt quy chuẩn từ 1,2 đến 7 lần.

Thực tế trên cánh đồng, hoa hồng được trồng chuyên canh, từ lúc trồng đến lúc phải thay giống tới 10 năm nên sâu bệnh tích lũy trong đất, trong môi trường và là những đối tượng kháng thuốc kéo dài, đẩy người dân vào "ma trận" thuốc, càng phun sâu bệnh càng kháng, mà họ cũng chưa biết bấu víu vào đâu?

Vì sao thế, chúng ta có cả hệ thống cán bộ từ cấp xã, phường tới trung ương, có cả hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc cơ mà? Xin dẫn ra câu chuyện của PGS, TS Nguyễn Văn Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam): "Tôi từng chứng kiến có những đại lý hướng dẫn nông dân trộn hai đến ba loại thuốc để cùng phun một lúc, trong khi trên bao bì, nhà sản xuất ghi sử dụng riêng từng loại. Phun như thế là lãng phí và chưa chắc đã tốt, đã diệt được sâu bệnh".

Ðể có thêm nguồn thông tin, tôi tìm đến huyện Kinh Môn (Hải Dương) chuyên trồng hành tỏi. Hệ thống đại lý thuốc đã cung cấp nhiều loại cho bà con, kể cả thuốc diệt cỏ. Bà con phun nhiều thuốc tiền nảy mầm, thực hiện thao tác sau khi vừa cắm củ giống xuống đất. Nhiều người dân cũng cho biết, do thời tiết bất thường, nhiều năm bệnh sương mai hoành hành, người dân phải tăng cường phun. Ra đại lý thì người bán bảo dùng loại gì thì mua. "Giờ đây bà con dùng thuốc diệt cỏ nhiều, do thanh niên, người trẻ khỏe đi làm công ty hết, công việc đồng ruộng người lớn tuổi gánh vác. Không phun thì không có sức đâu đi nhổ cỏ bằng tay", một lão nông mắt rớm, cho hay.

Xác nhận thông tin này, ông Trần Văn Qua, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Quang Trung cho biết thêm, vào dịp bệnh nhiều, có ngày gần như cả làng đều phải khoác bình phun ra đồng. Còn ông Tạ Văn Luận, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Lê Ninh thốt lên: "Sâu bệnh kháng thuốc, không phun thì không thể có thu hoạch. Thuốc nhẹ thì không trị được. Thuốc bán tràn lan, nên lượng thuốc đổ ra đồng nhiều vô kể". Còn một người dân giãi bày: "Giá như thị trường kinh doanh vừa đủ chủng loại thuốc mà hiệu quả, thì người dân chúng tôi đỡ phải ngợp vì quá nhiều loại như hiện nay".

Những ý kiến trên thật đáng suy ngẫm bởi người dân không thể "trông" vào hệ thống bán hàng để được tư vấn thuốc. Nhìn vào con số thống kê của Cục BVTV - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) sẽ thấy giật mình: Mỗi năm ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV, hơn 4.000 thương phẩm, tương đương mỗi năm, một người dân "gánh" một kg. Số lượng lớn như thế, ngay cả người bán cũng ngợp và không nhớ hết chủng loại, chứ đừng nói đến chuyện tư vấn cho nông dân.

Các chuyên gia cho rằng, việc phun không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người phun, mà còn gây tác động lớn đến môi trường. Phải làm sao để người dân giảm việc sử dụng vô tội vạ? Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: "Trong hai năm 2017 và 2018, Hội đồng tư vấn thuốc BVTV xem xét và đã đề xuất không cho đăng ký vào Danh mục 342 loại thuốc do không đáp ứng được các quy định về đăng ký thuốc hiện nay. Cơ quan chức năng sẽ cố gắng rút bớt 30% số lượng thương phẩm trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, tăng 30% lượng thuốc sinh học".

(Còn nữa)

Tại Hội nghị "Ðịnh hướng công tác BVTV trong tình hình mới" vào tháng 5-2018, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cơ quan quản lý chuyên ngành phải giảm nhanh lượng thuốc, đặc biệt là nhóm thuốc trừ cỏ, thuốc độc tố cao. Bởi sự lạm dụng thuốc gây độc hại cho chính người dân, ô nhiễm môi trường, gây thoái hóa đất đai.