“Sống ảo” an toàn

Thời đại công nghệ, mạng xã hội (MXH) với sức mạnh lan tỏa thông tin và kết nối vượt trội đang trở thành “người bạn” thân thiết với đại đa số học sinh. Nhưng mặt trái, những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới giới trẻ lại là một thách thức lớn, bởi thế việc giáo dục kỹ năng sử dụng internet và MXH trong nhà trường đang là đòi hỏi bức thiết.

Hình tượng Momo xuất hiện trong video phim hoạt hình.
Hình tượng Momo xuất hiện trong video phim hoạt hình.

Những hệ lụy của MXH (như: Facebook, Twitter, Tiktok, Youtube,…) đã không còn chỉ là cảnh báo mà đang ở mức báo động. Thông tin giả, độc hại xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt và rất khó kiểm soát, trên các trang MXH là tràn lan các hình ảnh kích động bạo lực, khiêu dâm, các mối quan hệ “ảo” làm tăng khả năng bị lừa đảo, xúc phạm, xâm hại… Trong khi thanh thiếu niên lại là đối tượng rất dễ bị tác động, bởi nhận thức đúng, sai còn hạn chế và chưa ý thức được hết hành vi của bản thân, nên việc các em bị MXH “điều khiển” ngược lại là điều dễ xảy ra.

Đã có biết bao chuyện dở khóc dở cười được đưa lên mặt báo như nữ sinh khoe thân để thu hút người đọc; nhóm học sinh lập nhóm nói chuyện để nói xấu giáo viên dẫn đến bị đình chỉ học… Nghiêm trọng hơn là những ca bệnh trầm cảm, tự kỷ vì quá say mê “thế giới ảo” và thậm chí là những vụ tự tử thương tâm vì bị xúc phạm trên MXH khiến dư luận bàng hoàng. Nguy hại hơn, ảnh hưởng xấu của MXH đang lan đến thiếu nhi, lứa tuổi “búp trên cành” trong trẻo. Ngay cả trên Youtube Kids, kênh giải trí dành riêng cho trẻ em, cũng xuất hiện nhiều video với nội dung dung tục, phản cảm đan xen trong các loạt phim hoạt hình nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt xem…

Trước những hiểm họa này, đa phần phụ huynh đều giật mình và thừa nhận sự sơ suất trong việc quản lý hành vi của con em trên MXH. Và, lứa tuổi thiếu nhi - thanh thiếu niên chưa bao giờ phải đối mặt với những mối nguy liền kề và tốc độ đến thế.

Vậy đâu là giải pháp hữu hiệu cho những bất cập này?

Trong khi các cơ quan chức năng đang đi tìm những giải pháp triệt để hơn, thì rất nhiều nỗ lực mang tính tự giác từ phía gia đình, nhà trường cũng đang được áp dụng, song hiệu quả chưa thật rõ ràng và có tính bền vững.

Không ít trường học ở nhiều địa phương thời gian qua đã nội quy hóa các vấn đề liên quan đến MXH. Giải pháp ban đầu đưa ra là cấm các em sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, giải pháp này không mấy khả thi bởi MXH bản chất là không xấu, nhiều học sinh muốn sử dụng chúng vào những việc có ích. Việc cấm đoán có thể gây ra tác động ngược, tạo cho trẻ thói quen nói dối, giấu diếm. Hơn nữa, tốc độ phát triển và phổ cập của MXH quá nhanh, cấm trẻ tiếp cận còn có thể dẫn đến sự thụt lùi về nhận thức và hạn chế khả năng hòa nhập của trẻ trong bối cảnh hiện đại.

Thế nên, theo các chuyên gia, thay vì cấm cản, định hướng là điều cần thiết hơn. Cũng nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cho học sinh về MXH, một số trường đã nêu ra vấn đề này trong các đề văn phần nghị luận xã hội, qua đó nhằm nắm bắt tâm lý của học sinh để có những điều chỉnh phù hợp.

Đáng kể, thời gian gần đây, nhận thức được những nguy cơ mà MXH có thể đem lại cho chính học sinh của mình, nhiều trường THCS, THPT đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm tuyên truyền về tác hại của MXH. Trong những chương trình này, học sinh được nghe các thầy cô, các chuyên gia phân tích ưu, nhược điểm của MXH, được bày tỏ ý kiến, tham gia hoạt động kịch nghệ chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa. Chuỗi chương trình “Think before you share - Nghĩ trước khi chia sẻ” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp triển khai trên 40 trường học tại 10 tỉnh, thành phố là một mô hình cần được nhân rộng.

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sử dụng MXH trong nhà trường chưa thật sự bài bản và chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, mới chỉ có môn “Kỹ năng sống” được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Trẻ được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tự vệ… nhưng tất cả đều nằm trong khuôn khổ “thế giới thực”, gần như thiếu hẳn phần “thế giới ảo” mà các em thường xuyên có thể tiếp xúc.

Nhiều chuyên gia phân tích, trong môi trường học đường, những nội dung giáo dục có thể đi vào cụ thể và thiết thực hơn, như: sử dụng trang cá nhân như thế nào cho ý nghĩa, hợp lý với bản chất “mở” của Facebook (hay các MXH khác); những nội dung nào nên và không nên đăng tải, chia sẻ; sử dụng nút yêu thích một cách hợp lý, đúng mức; văn hóa bình luận và cách ứng xử với những bình luận thiếu văn hóa; cách nhận biết, phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ…

Trên thế giới, nhiều nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… đã đưa chương trình giáo dục an ninh mạng vào trường học. Riêng ở Mỹ, nội quy sử dụng điện thoại trong trường học khá chặt chẽ, hiệu quả. Đa số các trường đều chặn truy cập MXH và kỷ luật nghiêm những trường hợp vi phạm đối với cả học sinh và giáo viên. Đây đều là những kinh nghiệm bổ ích để chúng ta tham khảo.

Hy vọng rằng, giáo dục kỹ năng sử dụng MXH sẽ sớm được dạy bài bản trong các trường, đồng thời sớm có những bộ quy tắc ứng xử cho cộng đồng mạng nói chung và cho thanh thiếu niên nói riêng, để chúng ta cùng có thể “sống ảo” một cách tích cực và an toàn.