Siết trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy

Năm 2019 được dự báo sẽ là một năm nóng, thậm chí là nóng nhất trong lịch sử quan trắc của nhân loại. Điều này càng khiến cho nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ thường trực hơn, nhất là khi thực tế cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chưa thật sự được bảo đảm…

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ cháy ở phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NHỊ TIẾN
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ cháy ở phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NHỊ TIẾN

Nguy cơ hỏa hoạn chực chờ trong lòng khu dân cư

Vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vào ngày 12-4 làm tám người chết khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Đáng nói, khu nhà xưởng này nằm xen kẽ với các nhà tạm lấn chiếm ven sông Nhuệ, tạo nên nguy cơ về mất an toàn trong phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự... Chúng tôi từng nhiều lần làm việc với lãnh đạo UBND, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm về các trường hợp lấn chiếm dựng nhà tạm, nhà xưởng và nhận được câu trả lời “sẽ tích cực phối hợp, xử lý”. Nhưng rõ ràng, tiến độ còn quá chậm.

Ở góc độ chuyên môn, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Hà Nội chỉ ra một thực tế, các chủ doanh nghiệp, cơ sở chủ yếu thuê mặt bằng từ đơn vị khác và không phân rõ trách nhiệm về PCCC, việc tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên và khó phát hiện kịp thời được các dấu hiệu mất an toàn PCCC.

Tìm hiểu ở nhiều nhà xưởng trong Cụm làng nghề Triều Khúc cũng như nhiều khu dân cư khác trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy đặc điểm của các nhà xưởng, nhà kho là nằm xen kẹt trong các khu dân cư, làng nghề, khu nhà tạm và có nhiều đồ, chứa vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, vải, đồ gỗ, nhiều máy móc, dây điện… nên đám cháy nhanh lan rộng và khó khống chế. Nhiều nhà xưởng công nghệ cũ, máy móc lạc hậu, được quây tôn tạm bợ, thiếu cửa thoát hiểm, thiếu trang thiết bị PCCC.

Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cũng tỏ ra băn khoăn khi việc quy hoạch chung cư, chợ, cấp phép dựng nhà xưởng có quá nhiều vấn đề như có sự dung túng trong điều chỉnh quy hoạch, thay đổi công năng nhà, không tính toán kỹ đến điều kiện an toàn PCCC. “Ở mỗi vụ cháy nổ chúng ta phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm của đơn vị cấp phép, đơn vị kiểm tra và trách nhiệm của người đứng đầu, từ cấp xã phường tới cấp quận, huyện. Đồng thời tính toán đưa các nhà kho, nhà xưởng ra một khu riêng biệt”, KTS Phạm Thanh Tùng nêu ý kiến.

Câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm quản lý

Dư luận đặt câu hỏi là việc kiểm tra định kỳ về công tác bảo đảm an toàn PCCC tại nhà xưởng, nhà kho, quán karaoke có được làm chặt chẽ hay không? Hay có việc kiểm tra, xử phạt rồi cho tồn tại? Bởi theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn Luật PCCC thì Cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hằng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm về PCCC.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây, liệu có chuyện “xuê xoa” trong quá trình kiểm tra? Nếu không thì tại sao không thể xử lý được những vi phạm về an toàn PCCC ở các nhà xưởng? KTS Vũ Huy Ánh rất có lý khi cho rằng, nếu việc cấp phép xây dựng nhà xưởng, kiểm tra về an toàn PCCC được làm nghiêm ngặt, cơ sở nào chưa đáp ứng yêu cầu về PCCC chưa được cấp phép hoạt động thì đã kiềm chế được rất nhiều tai họa đáng tiếc xảy ra. Vậy nên, trước hết cần làm rõ trách nhiệm của lực lượng PCCC, cán bộ cơ sở.

Cũng cần phải nói rõ rằng, vào giữa tháng 6-2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2858/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng Cảnh sát PCCC giai đoạn 2018 - 2020”. Đề án chỉ rõ:

Nhận thức của không ít người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về công tác PCCC còn nhiều hạn chế. Lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng cũng còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức nên khi xảy ra cháy lực lượng này xử lý lúng túng, hiệu quả thấp. Năng lực, tính chuyên nghiệp, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, khả năng chỉ huy, tổ chức chữa cháy và CNCH, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác PCCC, CNCH không ít cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế. Hành lang pháp lý trong quản lý PCCC còn nhiều bất cập.

Tuy nhiên, cho đến giờ những lỗ hổng được nêu trên đã khắc phục thế nào trên thực tế thì vẫn là câu hỏi khó có lời đáp. Chỉ biết rằng, mỗi khi “bà hỏa” ghé đến một nơi nào gây thiệt hại nghiêm trọng, PCCC được nhắc đến như với những mệnh đề “giá như”… nhưng sau đó, mọi sự có thể lại vẫn “y nguyên”. Vậy nên, KTS Trần Huy Ánh kiến nghị: “Phòng, chống cháy nổ là công việc của toàn xã hội. Cần nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong các quy định về PCCC, xử lý thích đáng người có chức năng nhưng để xảy ra sai phạm”.