Phòng, chống dịch Covid-19

Siết quy trình, bảo đảm an toàn cho “tuyến đầu”

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã nâng lên một cấp độ mới, quyết liệt hơn, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc. Những diễn biến mới tại một số điểm nóng vừa phát lộ cho thấy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng kiểm tra và siết chặt quy trình làm việc tại các cơ sở y tế, tránh lây chéo dịch bệnh ở nơi tuyến đầu chống dịch.

TP Hà Nội lập các trạm test nhanh Covid-19 tại một số phường chung quanh Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nam Trần
TP Hà Nội lập các trạm test nhanh Covid-19 tại một số phường chung quanh Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nam Trần

Quyết liệt dập “ổ dịch” Bạch Mai

Sau những ngày “đóng băng” do dịch Covid-19, hôm 31-3, Bệnh viện Bạch Mai đã được tiếp nhận bệnh nhân nặng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Bệnh nhân đến Bạch Mai đều được xét nghiệm Covid-19. Trao đổi với báo chí, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù đang trong giai đoạn bệnh viện phong tỏa, cách ly, các nhân viên y tế vừa chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân rất nặng, nhưng “tập thể bệnh viện vẫn bền tâm, vững chí để quyết chiến, quyết thắng đại dịch Covid-19, và điều trị, chăm sóc bệnh nhân”.

Nhìn nhận về dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Covid-19 cho biết, Bệnh viện Bạch Mai có ba “ổ dịch” nhỏ tại Khoa Thần kinh, Trung tâm Bệnh nhiệt đới và khu vực nhà ăn Trường Sinh. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã xác định đó không phải là lây nhiễm trong bệnh viện, mà là ổ dịch xâm nhập. Ông Phu cũng chia sẻ, Bộ Y tế đã có cuộc họp với các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, những nơi có bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai về, hoặc có người đi thăm bệnh nhân tại bệnh viện này về địa phương, để tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm. Hiện nay, chưa phát hiện ca dương tính. “Bệnh viện Bạch Mai vừa cách ly phục vụ chống dịch Covid-19, vừa duy trì điều trị cho bệnh nhân nặng, nên thời gian áp dụng cách ly sẽ được xem xét cho phù hợp, vì cách ly bệnh viện không như cách ly một tòa nhà, hay một khu dân cư”, ông Phu lưu ý.

Hai khu bệnh viện dã chiến đã được thành lập trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, sẵn sàng ứng phó với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Binh chủng Hóa học đã phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Hiện đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện vẫn đang nỗ lực ngày đêm với quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh, mà còn không để bệnh nhân bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo.

Chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện

Sau câu chuyện liên quan đến “ổ dịch” Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện tại Hà Nội, cũng như ở nhiều địa phương đã đôn đốc việc kiểm tra quy trình làm việc tại các cơ sở y tế, để tránh lây nhiễm chéo.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã yêu cầu lãnh đạo các cơ sở y tế tại thành phố khẩn trương thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh, thân nhân và khách đến liên hệ công tác, các đơn vị, cá nhân tham gia cung ứng các dịch vụ hậu cần (như: nhân viên vệ sinh, bảo vệ, giặt ủi, căng-tin, siêu thị mi-ni...) tới bệnh viện. Đối với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của phòng khám đa khoa, bệnh viện (trừ trường hợp cấp cứu) và tất cả các phòng khám chuyên khoa tư nhân tạm ngưng hoạt động kể từ ngày 30-3.

Các chuyên gia đánh giá, hiện tại cán bộ y tế đang là “chiến sĩ” trên “mặt trận” chống dịch Covid-19, bệnh viện phải là nơi an toàn, không lây nhiễm chéo thì công cuộc chống dịch mới sớm thành công. Điều cấp thiết hiện nay là các bệnh viện cần xây dựng các kịch bản ứng phó ở nhiều cấp độ để chống dịch, tránh trường hợp bị động, bối rối, hoảng loạn khi có trường hợp dương tính, lây nhiễm chéo. Chủ động chuẩn bị các tình huống ứng phó như kế hoạch cách ly nhân viên y tế nghi nhiễm, chỗ ở cho nhân viên y tế cách ly, sau đó tập trung vật tư, nguyên vật liệu để kiện toàn chống dịch. Các bệnh viện cũng thắt chặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm khi xử lý rác thải y tế, hướng dẫn quy trình đi lại an toàn, bắt buộc ai lưu thông trong bệnh viện phải đeo khẩu trang... Nếu không có kịch bản tốt và chuẩn bị kỹ càng, khi xảy ra sự cố lây nhiễm chéo bệnh nhân Covid-19 bệnh viện rất dễ “vỡ trận”.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn thế giới, thời gian tới, áp lực lên ngành y tế chắc chắn không hề nhỏ, vì thế hơn lúc nào hết, vấn đề an toàn tại bệnh viện, an toàn cho nhân viên y tế phải được đặt lên hàng đầu, bởi khi bệnh viện được bảo đảm an toàn, đội ngũ y, bác sĩ khỏe mạnh thì việc khám, chữa bệnh và phòng dịch mới hiệu quả.

Dịch Covid-19 ở Việt Nam đã sang giai đoạn 3, tức là có lây lan sang cộng đồng, cơ quan chức năng đã bắt đầu mở rộng xét nghiệm, sàng lọc sớm, phát hiện bệnh nhân sớm. Chiến lược này bắt đầu thực hiện từ các trạm xét nghiệm nhanh ở Hà Nội.