Sẽ xem xét tác động của tăng tuổi nghỉ hưu

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu lại một lần nữa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ,TB & XH) đề xuất khi xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2017. Xét dài hạn, tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu. Nhưng hai phương án tăng vẫn đang gây tranh cãi.

Tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình để không ảnh hưởng đến việc làm của người trẻ.
Tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình để không ảnh hưởng đến việc làm của người trẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB & XH Phạm Minh Huân phân tích, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết để tận dụng lực lượng lao động vì trên thực tế có nhiều phụ nữ 55 tuổi hay nam giới 60 tuổi vẫn còn sức khỏe muốn tiếp tục làm việc và cống hiến. Một lý do quan trọng nữa là để cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuổi thọ của người Việt Nam hiện trung bình là 73 tuổi, vì vậy nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây vỡ quỹ BHXH. Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH: Số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH, có một người hưởng lương hưu. Năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng thì có một người hưởng lương hưu… Đây đều là những nguyên nhân khiến cho quỹ hưu trí mất cân đối. Quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu, mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu.

Khi tăng tuổi nghỉ hưu, theo nhiều chuyên gia cần căn cứ vào sức khỏe của người lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, áp lực xã hội lớn nhất hiện nay là quan hệ giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng lao động. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: Về lâu dài, hệ thống pháp luật xây dựng không phải để thực hiện cho trước mắt, mà cho tương lai và “đi trước đón đầu”. Nếu chúng ta không chuẩn bị thì sẽ dẫn đến áp lực và tạo phản ứng của xã hội, cho nên cần phải có lộ trình. Chính phủ cần tính toán, cân đối, đánh giá tác động việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để xin ý kiến Quốc hội. Vấn đề là thời điểm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi nào? Đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau? Lên bao nhiêu là hợp lý - để có thể ứng phó với già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an sinh xã hội.

Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Phương án 1, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi (cả nam và nữ). Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.

Cả phía bộ chủ quản và nhiều chuyên gia đều cho rằng, ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại lao động bị suy giảm khả năng trong quá trình lao động sẽ chưa điều chỉnh. Có chăng cần cải thiện môi trường lao động, điều kiện làm việc tốt hơn cho đối tượng này. Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất: “Về ý kiến nâng tuổi nghỉ hưu thì một bộ phận cán bộ quản lý cố bám nghề. Tôi nghĩ là có, và đề xuất nên tách tuổi nghề và tuổi đời nghỉ hưu. Có thể 60 tuổi nghỉ hưu, tôi đồng ý, nhưng vẫn muốn làm việc đến 65 tuổi thì BHXH cho đóng tiếp 5 năm”.

Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, mỗi năm tăng thêm khoảng 3 - 4 tháng, thậm chí có nước mỗi năm chỉ tăng 2 tháng. Khi đề xuất theo lộ trình này, có ý kiến chỉ ra khả năng gây áp lực cho cơ quan bảo hiểm khi phải xử lý điều chỉnh và thay đổi hồ sơ? Trả lời thắc mắc này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động, Xã hội cho biết, đây là phương án khoa học, việc điều chỉnh từ từ như vậy sẽ không gây xáo trộn cho các đơn vị. Về phía cơ quan bảo hiểm, sẽ không có xáo trộn nhiều bởi hồ sơ cũng đã được thực hiện bằng máy móc, áp dụng công nghệ thông tin, không khó xử lý.

Trước thắc mắc, liệu tăng tuổi nghỉ hưu có tước đi cơ hội việc làm của giới trẻ, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận: Việt Nam đang trong quá trình phát triển, cho nên nếu tổng khối lượng việc làm không thay đổi, số người ở lại sẽ ảnh hưởng một phần nhỏ đến số người vào. Tuy nhiên, khi thị trường lao động sôi động hơn, thì ảnh hưởng không lớn. Do không phải tăng tuổi lao động ngay và đồng loạt ở tất cả ngành nghề, cho nên các bạn sinh viên mới ra trường yên tâm, chính sách này sẽ không hạn chế việc làm.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng cho mọi lĩnh vực. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến việc làm thế nào để vừa sử dụng tốt nhóm người cao tuổi nhưng vẫn tạo cơ hội cho lao động trẻ, nhất là nhóm lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao. Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB & XH) cho biết, đơn vị đang tính toán, phân tích và tìm giải pháp cho những tác động của chính sách nếu được thực thi. Các giả thiết sẽ được lập ra đồng thời với việc tính toán các phương án giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, để từ đó tìm ra phương án tối ưu.