Sau những mái trường…

Có một người đàn ông Nhật Bản, mặc cho tuổi tác và cách trở địa lý, ngôn ngữ, vẫn ngày lại ngày dốc lòng dốc sức góp phần mang cái chữ và những thông điệp sống nhân văn đến nhiều vùng miền xa xôi, khó khăn của Việt Nam.

Ông Satoru Takeda (đứng giữa) trong chuyến khảo sát tại Phan Dũng.
Ông Satoru Takeda (đứng giữa) trong chuyến khảo sát tại Phan Dũng.

Mang Lộc là thợ đụng, tức là đụng gì làm nấy, ai thuê gì thì làm. Cả tháng nay, Mang Lộc tham gia phụ hồ xây dựng điểm trường ở Phan Dũng - Tà Năng (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Mang Lộc nói: “Nghe bảo có điểm trường học mới khang trang, mình mừng lắm vì con mình cũng đang đi học. Cháu học trong cái lớp học bé tẹo, có hai tấm bảng để cô giáo tình nguyện dạy hai cấp học mẫu giáo và tiểu học. Cứ xong bài tập vẽ của lớp mẫu giáo, cô lại quay sang vách tường đối diện để dạy từng học sinh môn chính tả, tập đọc. Mình đi làm việc này chỉ có ít tiền thôi mà ưng trong bụng khi nghĩ tới trường mới, học sinh sẽ có lớp học riêng khang trang, sạch sẽ. Chắc ông Da (ông Satoru Takeda - PV) hài lòng!”.
 
 Hơn 10 năm nay, vùng sơn cước này đã có điện lưới quốc gia, có đường nhựa lên đến trung tâm xã. Nhưng trong nhiều buôn làng Ra Glai xa xôi, cái chữ vẫn chưa đến được, là bởi vì núi đồi thì trùng trùng, rừng xanh lại ít bóng người mà nhiều dấu chân thú hoang, nên trẻ con ở đây muốn đi học phải vượt đèo, vượt suối ra trung tâm xã. Nơi có điện, có phòng học, dù tạm bợ, để biết chữ!
 
 Xã có khoảng 300 hộ, với 800 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Ra Glai, phần lớn số hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, 100% số hộ sử dụng điện thắp sáng và nước sinh hoạt. Tuy nhiên các trạm y tế xã, các trường học THCS, tiểu học và mẫu giáo dù được xây dựng nhưng đã quá lâu, xuống cấp nhiều, học sinh học ghép là chuyện… bình thường. Hai phòng học có đầy đủ trang thiết bị, có hành lang, có nhà vệ sinh riêng cho trẻ, đủ đáp ứng cho các lớp mầm non của Phan Dũng, khỏi phải “học đối lưng” với các cấp học khác. Đích thân ra hiện trường để giám sát, ông Dương Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, hào hứng: “Mới hè rồi, Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam ra khảo sát, nói xây dựng điểm trường cho học sinh, chúng tôi ngỡ ngàng mà vui lắm. Đích thân ông Tổng Giám đốc Satoru Takeda chịu khó lội bộ, tìm chọn vị trí thích hợp để xây trường ngay trên cung đường nguy hiểm bậc nhất nhì Việt Nam là Phan Dũng - Tà Năng này”.
 
 Tôi cùng người đàn ông quá lục tuần cao 1,8 mét, nặng 80 kg này tiếp tục leo lên vùng cao hơn để ngắm bộ áo xanh của rừng già xen lẫn những mảnh rẫy lúa mầu vàng óng. Ông Satoru Takeda hấp háy đôi mắt, cười như kể, rằng đi đến đâu ở các vùng cao, ông và những vị tiền nhiệm ngoài xây tặng trường học đều chú ý đến việc dạy con trẻ tình yêu thiên nhiên qua hành động trồng lại rừng của mình. Có thể con số 170 ha rừng trồng mới do ông và các cộng sự thực hiện là chưa nhiều, nhưng nó là nguồn cảm hứng khích lệ người dân các địa phương bảo vệ mảnh đất vùng cao, bảo vệ rừng của chính họ. Như ở miền tây xứ Thanh, Chương trình trồng rừng “Vì một Việt Nam xanh” và bảo vệ đa dạng sinh học nhằm góp phần vào chống biến đổi khí hậu, bảo vệ những loài sinh vật quý được Công ty Canon và Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En thực hiện, thu được nhiều kết quả thực tế trong việc trồng mới thêm 10 ha rừng; dạy học sinh trồng cỏ làm thức ăn cho hươu sao, chăm sóc các loài vật như khỉ, rùa, công…
 
 Nhiều người hẳn sẽ bất ngờ khi xem lịch làm việc của ông Satoru Takeda: Sáng làm việc; chiều dạy bóng bầu dục cho trẻ em; tối tập yoga; thứ bảy, chủ nhật đi đến các vùng cao để khảo sát xây trường, xây điểm trường, trao học bổng, dạy nhiếp ảnh… Ông tâm niệm rằng, nếu cho vật chất, sẽ mau chóng phôi phai; còn như cho chữ (qua các dự án liên quan học sinh), sẽ giúp cả một gia đình mai sau. Vì vậy, Satoru Takeda hy vọng có thể lưu lại Việt Nam thật lâu, để thực hiện cho hết những hoài bão đầy nhân văn như: Học bổng Nhân tài Canon, Hỗ trợ trẻ em vùng lũ lụt, Thắp sáng đường quê Việt Nam, Nhịp cầu nhiếp ảnh trẻ (dành cho học sinh tiểu học, THCS), Nâng bước chân em tới trường (tặng xe đạp cho trẻ em nghèo). 10 năm qua, đã có 173 điểm trường với tổng số tiền tài trợ nhiều tỷ đồng được Canon và ông Satoru Takeda xây ở các vùng cao Lào Cai, Yên Bái, Gia Lai, Đắk Nông, Hà Giang, Lâm Đồng, Kon Tum…, đã có hàng nghìn, thậm chí chục nghìn lượt em nhỏ được hưởng lợi từ các dự án xây trường, điểm trường đó.
 
 Người Ra Glai ở Phan Dũng vốn mộc mạc từ lời ăn tiếng nói, giản dị trong cách sống nhưng lại rất quý trọng những giá trị văn hóa tinh thần. Giữa khung cảnh rừng núi hùng vĩ, khoáng đạt một vẻ đẹp mộc mạc, tôi chợt nhớ lời bài hát “Đêm hội Ra Glai” của nhạc sĩ Phan Quốc Anh: “…Trường làng khang trang đàn em bé tung tăng/Từng đàn chim xinh bay về đây hót vang/Núi Tà Năng đó nghiêng soi dòng suối/Rượu cần đã ngấm vào uống nữa đi anh/Rượu cần say sưa anh cùng em múa quay/Vui trọn đêm nay anh vui cùng em/Anh say cùng em vui quê hương mới/…”.