Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới: Nặng - nhẹ thế nào?

Chỉ sau một tháng đưa vào giảng dạy, bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình mới được đánh giá là quá “nặng” đối với cả hai phía học trò lẫn giáo viên (GV). Vì sao một chương trình hao tiền tốn của, từng bị hoãn đi hoãn lại với mục đích “chuẩn bị cho kỹ càng”, mà khi áp dụng lại vướng nhiều băn khoăn đến vậy? 

Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới: Nặng - nhẹ thế nào?

Phải “chạy đua” ngay đầu lớp 1

Từ năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 học SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phê duyệt năm bộ SGK với 32 cuốn sách của ba nhà xuất bản biên soạn. Trải qua gần một tháng triển khai, nhiều phụ huynh học sinh, GV đã lên tiếng than phiền về nội dung SGK Tiếng Việt 1 nặng, quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh khiến học sinh khó tiếp thu. Cô Nguyễn Thị Tú Trinh, GV một trường tiểu học tại quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chưa năm nào dạy học lớp 1 lại áp lực, gian nan như năm học này”.

Theo chia sẻ của cô Trinh, chương trình cũ đi theo trình tự giúp học sinh vận dụng dễ dàng, phần học âm, học vần dàn trải đều, học âm, học vần đến tiết 25 mới tập đọc, học sinh nắm chắc âm vần rồi, chuyển sang tập đọc rất dễ. Phần tập đọc cũng là câu ngắn, dễ hiểu. Trong khi chương trình mới, học âm, học vần quá nhanh, tiết 19 đã chuyển sang tập đọc, lại còn học vần song song với tập đọc. Chưa kể, phần tập đọc với câu văn dài gây khó khăn cho các em nếu các em chưa biết mặt chữ từ trước.

Cũng lấy chương trình cũ ra so sánh, cô Ngọc Anh, GV một trường tiểu học tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) nhận xét, ở chương trình SGK cũ, mỗi ngày với hai tiết Tiếng Việt, học sinh học hai âm cùng bốn - năm từ đơn giản, một câu ngắn gọn. Nhưng với chương trình mới, các em phải vừa nhận diện âm, đọc tiếng và đọc từ, học các mẫu câu ngắn rồi ghép thành đoạn đối thoại, đoạn văn ba - bốn câu. Cũng bởi thế, GV này buộc phải liệt kê bài học với các chữ cái, vần để cha mẹ kèm thêm cho con ở nhà. Đây là một việc mà nhiều năm nay với chương trình giảng dạy lớp 1 không thật sự cần thiết.

Không chỉ có GV, khá nhiều phụ huynh có con học lớp 1 cũng “choáng” với chương trình. “Trẻ lớp 1 chỉ hơn “mẫu giáo lớn” một chút, vậy mà chương trình lại dạy quá nhanh. Không chỉ các con mà chúng tôi cũng thấy rối với các âm/vần quá nhiều. Càng cố dạy con thông thạo âm/vần, con càng căng thẳng, lẫn lộn. Có bữa, con khóc mẹ khóc…”, chị Thanh Tâm, một phụ huynh ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ. 

Lắm băn khoăn! 

Trước bức xúc của dư luận về vấn đề trên, trả lời báo chí mới đây, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã giải thích, chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rất rõ ràng. Ở môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ, một phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. Các SGK Tiếng Việt đã được thẩm định cũng dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra để thiết kế cho phù hợp nhằm đi đến cái đích đó. So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn. 

Tuy nhiên, ông Tài cũng thừa nhận, chương trình mới được điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt và xem đó là điều kiện để học các môn khác. Do đó, trong giai đoạn đầu, các em học môn Tiếng Việt rất nhiều. “Nếu so sánh lớp 1 năm ngoái và năm nay sẽ dễ có đánh giá chương trình mới nặng nhưng thực tế không phải vậy. Chương trình mới bố trí cho các em thông thạo đọc, viết rồi mới học các môn khác ở giai đoạn sau”, ông Tài giải thích. Trong tháng 9, Bộ GD&ĐT đã có các đoàn kiểm tra đến các trường tiểu học ở bốn địa phương khu vực đô thị, vùng đồng bằng, Tây Nguyên. “Những nơi chúng tôi đã đi kiểm tra, dự giờ không thấy phản ánh nào như vậy”, ông Tài cho biết.

Ở góc độ của Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, chương trình Tiếng Việt lớp 1 có mục đích chính là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Muốn thế, bất cứ chương trình nào cũng phải yêu cầu dạy đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. “Điểm khác so với chương trình cũ là chương trình lớp 1 hiện nay được tăng thêm hai tiết một tuần. Tăng tiết là để giảm tải, chứ không phải để tăng tải. Chúng ta thử nghĩ xem: 

Đằng nào các cháu cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết. Vậy, hoàn thành nhiệm vụ ấy trong phạm vi 350 tiết một năm, tính trung bình 12 tiết một tuần thì vất vả hơn hay 420 tiết một năm, tính trung bình 10 tiết một tuần vất vả hơn?”, ông Thuyết dẫn chứng.

Có thể, về lý thuyết chương trình được thiết kế không nặng như dư luận đang đặt câu hỏi. Nhưng vấn đề ở đây, chính là khâu thực thi. Rõ ràng, đây là khâu đang nảy sinh vấn đề cần phải được phía bộ chủ quản tiếp thu và có phương hướng giải quyết. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, để triển khai Chương trình GDPT mới, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều hoạt động. Theo kế hoạch, giáo viên tập huấn bảy ngày trực tuyến, ba ngày trực tiếp và năm ngày làm việc kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, quá trình tập huấn gần như trực tuyến do tình hình thực tế còn khó khăn do dịch Covid-19. Thành phố cũng đã nỗ lực đưa giáo viên cốt cán bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên đại trà. Trong khi đó, đối với SGK, thay vì hai ngày như kế hoạch của Bộ GD&ĐT, TP Hồ Chí Minh tổ chức đến sáu ngày bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1. Mục đích làm sao giáo viên tiếp cận với SGK trường đã lựa chọn một cách chủ động. Ngoài ra, đối với các lớp có nhiều học sinh, hay học sinh tiếp thu chậm, giáo viên phải chia nhóm dạy, chia sẻ với phụ huynh và hướng dẫn cha mẹ cách học cùng con. Tùy mức độ tiếp thu của học sinh lớp 1, GV ở TP Hồ Chí Minh được chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, làm sao để các em tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng, tự tin.

Nhìn thực tế việc triển khai chương trình lớp 1 mới vừa qua, TS Đặng Văn Sáng, chuyên gia giáo dục, nêu quan điểm: Có lẽ điểm chưa ổn trong câu chuyện này là Bộ GD&ĐT chưa tính toán hết được yếu tố cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực để triển khai chương trình mới. Tôi chỉ thí dụ, không tính đâu xa, ở TP Hồ Chí Minh cũng có những địa bàn có sĩ số lớp 1 lên tới 40-50 em, thậm chí là 60 em/lớp. Nếu không tách ra thì sao một giáo viên có thể đảm đương thực hiện được tốt chương trình mới.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT khi triển khai chương trình GDPT mới là trao quyền tự chủ cho GV. Hiệu trưởng các trường phải hỗ trợ GV, nhất là những lớp có số lượng học sinh vượt quy định.

Muốn đánh giá đúng được thực chất độ “nặng, nhẹ” của một chương trình triển khai theo hướng tiếp cận khác so với trước đây, sẽ cần phải có thêm thời gian. Nhưng về phía Bộ chủ quản, điều có thể làm được ngay lúc này là cần phải rút kinh nghiệm kỹ càng hơn trong công tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai những chương trình đổi mới trong giáo dục, một lĩnh vực cốt yếu hình thành nên thế hệ tương lai của đất nước.