Quyết tâm ngăn chặn nguy cơ làn sóng dịch mới

Những ca nhiễm Covid-19 mới phát hiện trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh đã bộc lộ những kẽ hở về tình trạng lơ là trong phòng, chống dịch và buông lỏng việc giám sát cách ly tại nhà. Cần sớm khắc phục những lỗ hổng trong phòng, chống dịch để không xảy ra làn sóng Covid-19 mới là vấn đề cấp bách hiện nay.

Lấy mẫu xét nghiệm người dân liên quan đến ca nhiễm Covid-19 mới ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HCDC
Lấy mẫu xét nghiệm người dân liên quan đến ca nhiễm Covid-19 mới ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HCDC

Lỏng lẻo quản lý cách ly tại nhà

Ngày 1-12, TP Hồ Chí Minh xác định thêm hai bệnh nhân Covid-19 mới, đều có tiền sử tiếp xúc ca bệnh 1347. Cụ thể, bệnh nhân 1348 (nam, 1 tuổi) hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố và bệnh nhân 1349 (nữ, 28 tuổi) hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Như vậy, sau 88 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận bệnh nhân do lây nhiễm trong nước, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở tình huống ít ai ngờ: lây nhiễm với người đã cách ly nhưng không an toàn!

Nói về những lỗ hổng trong thực hiện phòng, chống Covid-19 để xuất hiện ca bệnh mới, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Công tác giám sát cách ly tập trung và cách ly tại nhà, cách ly tại khách sạn đều phải theo quy trình của Bộ Y tế. Ðối với khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines, đơn vị này được phép làm khu cách ly cho riêng tổ bay và tự quản lý, ngành y tế chỉ giám sát về hồ sơ, quy trình, chưa đúng thì điều chỉnh. Trong thời gian ở nhà, nếu người cách ly có triệu chứng thì nhân viên y tế sẽ lấy mẫu ngay, nếu không có triệu chứng thì đủ 14 ngày sẽ lấy mẫu xét nghiệm lại. Trong thời gian này, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát, người cách ly phải ký cam kết tuân thủ quy định phòng dịch. Dù vậy, ông Dũng cho rằng, rất khó giám sát do không có công cụ để giám sát họ có ra khỏi nhà, ra khỏi phòng hay không, ngành y tế cũng không thể lúc nào cũng vào nhà người cách ly để kiểm tra.

Theo TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh xảy ra là do "thủng", lỏng lẻo và không quyết liệt trong thực hiện các quy định cách ly. Ðã có sự chủ quan, lơ là quản lý người cách ly do thấy nhiều tháng qua không có ca bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, trước đó cũng nhiều ý kiến chuyên gia lưu ý mối nguy cơ tiềm ẩn hiện nay là khu cách ly có trả phí và khu cách ly không thuộc cơ sở y tế công lập không giám sát chặt người cách ly. Vấn đề cần giải quyết hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, TS, BS Châu đề xuất các bệnh viện tập trung sàng lọc người đến khám, chữa bệnh từ cổng ra vào, qua khỏi cổng thì các khoa phòng kiểm tra lại một lần nữa, bố trí một buồng cách ly sẵn sàng.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị, tất cả bệnh viện trên địa bàn cập nhật ngay các điểm mà Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố công bố trên phiếu khai báo y tế. "Khối điều trị không được chủ quan, vì khả năng có người có triệu chứng tới bệnh viện rất cao. Cần rà soát lại thiết bị phòng hộ, dung dịch sát khuẩn, găng tay, khẩu trang... Các bệnh viện tiếp tục diễn tập tình huống phòng, chống Covid-19", ông Thượng nói. Ông Thượng cho biết thêm, Bệnh viện dã chiến Củ Chi tiếp tục hoạt động, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ mở cửa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố sẵn sàng tiếp nhận các ca nặng dù đây là điều không ai mong muốn.

Cảnh giác thời điểm cuối năm

Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên nhận định: Việt Nam đang đối mặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và khả năng bùng phát dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực. Nhất là vào thời điểm cuối năm sẽ có số lượng rất lớn người Việt Nam đi lại, về quê ăn Tết, khiến việc kiểm soát dịch khó khăn. Ðáng lo ngại hơn là đối tượng nhập cảnh trái phép, người sang nước láng giềng làm ăn trở về bằng đường tiểu ngạch sẽ là mối nguy lây nhiễm Covid-19 vào Việt Nam. "Việt Nam đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau thời gian dài chống dịch, đã có tâm lý chủ quan, lơ là của nhiều người dân như không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tụ tập ăn uống, vui chơi nơi đông người… Trong khi đó, hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khí hậu mùa đông - xuân tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút tồn tại, lây lan là mối lo dịch Covid-19 xuất hiện trở lại", ông Tuyên bày tỏ.

Tại Hà Nội, mức độ cảnh báo đã được nâng cao sau diễn biến mới của dịch, nhất là tại một khách sạn vừa xuất hiện bệnh nhân nhập cảnh dương tính với SARS-Cov-2. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng từ những ca nhập cảnh là rất cao. Theo ông Hạnh, trước đây hầu hết người nhập cảnh về cách ly tại khu cách ly của quân đội, tuân thủ nghiêm quy định trong thời gian cách ly. Tuy nhiên, gần đây số cách ly tự nguyện tăng cao, nếu không thực hiện cách ly đúng chuẩn, nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng không hề nhỏ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị, cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng với đó, dừng việc tổ chức tiến hành các chuyến bay trọn gói do UBND các tỉnh, thành phố phối hợp các công ty dịch vụ thực hiện gây quá tải cho các khu cách ly tại địa phương. Ðồng thời, yêu cầu tất cả các trường hợp nhập cảnh Việt Nam (kể cả công dân Việt Nam thuộc diện giải cứu) phải có giấy xét nghiệm không mắc Covid-19 mới giải quyết cho vào hoặc về Việt Nam. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh từ đường bộ vào Việt Nam tránh tình trạng nhập cảnh trái phép.

Ngoài nhu cầu đi lại dịp cuối năm tăng cao, thời gian tới còn có nhiều sự kiện chính trị quan trọng diễn ra, bởi vậy phía các cơ sở y tế cần nâng cao mức cảnh giác, tăng cường các biện pháp sàng lọc với tất cả trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế theo quy định. Phía người dân, cần nâng cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khử khuẩn, khẩu trang, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế. Hãy nâng cao trách nhiệm công dân chấp hành nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch trước cộng đồng.

Ngày 2-12, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1699/CÐ-TTg về Tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước đó, chiều 1-12, kết luận tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hồ Chí Minh cấp tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, không để vòng tuần hoàn dịch thứ ba xảy ra. Bộ Giao thông vận tải chủ trì việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo Thủ tướng, đây là vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng Giao thông vận tải phải báo cáo Thủ tướng việc xử lý và Bộ Y tế giám sát vấn đề này. Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu, trong đó tập trung các đối tượng người cao tuổi, sinh viên... Chỉ những trường hợp cần thiết mới về, kể cả Tết Nguyên đán cũng hạn chế vì nhiều chuyến bay, ca nhiễm dương tính về Việt Nam rất nguy hiểm.