Nợ đọng bảo hiểm xã hội

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng "nhờn luật"

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang làm ảnh hưởng tới đời sống, quyền lợi chính đáng của nhiều người lao động (NLÐ). Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ, song thực tế vẫn còn tồn tại không ít vấn đề gây bức xúc.

Liên ngành cơ quan TP Hà Nội làm việc về hướng giải quyết năm doanh nghiệp nợ BHXH hơn 77 tỷ đồng.
Liên ngành cơ quan TP Hà Nội làm việc về hướng giải quyết năm doanh nghiệp nợ BHXH hơn 77 tỷ đồng.

Oằn thêm những gánh nặng

Chị Lê T. là công nhân làm việc tại một Công ty CP Xây dựng (Hà Nội). Năm 2018, chị sinh con, nhưng đến nay đã 16 tháng chị vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản. Hằng ngày, chị làm ở kho vật liệu xây dựng. Vất vả, nặng nhọc, nhưng thu nhập cũng chỉ được 4,5 triệu đồng/tháng. Những tháng nghỉ sinh, quyền lợi bảo hiểm không được hưởng khiến cuộc sống gia đình chị càng thêm khó khăn. Mới đây, tự đến cơ quan BHXH tìm hiểu, chị "sốc" khi biết doanh nghiệp (DN) nơi chị làm việc bao năm nay đã không đóng đầy đủ BHXH cho nhiều công nhân như chị, khiến quyền lợi của chị khó giải quyết.

Chị Lê T. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp NLÐ đang phải chịu hệ lụy tiêu cực từ việc chậm, trốn đóng BHXH của một số DN. Như chia sẻ của Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Ðình Hùng: "Với danh nghĩa là cơ quan bảo vệ quyền lợi NLÐ, hằng ngày chúng tôi nhận không ít đơn thư của họ phản ánh về quyền lợi hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) bị đe dọa khi DN nợ đóng, trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH. Có lao động dù đã làm việc ở DN 10 năm, sinh con lần thứ hai, nhưng nay vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp thai sản từ lần sinh thứ nhất chỉ vì DN không đóng cho cơ quan BHXH, dù hằng tháng họ vẫn bị công ty trừ tiền đóng BHXH theo tỷ lệ quy định".

Cuối tháng 10-2019, BHXH thành phố Hà Nội đã củng cố hồ sơ năm DN trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH chuyển sang cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để xử lý theo Luật Hình sự. Theo ước tính, tổng số tiền các DN này nợ BHXH đến hơn 77 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm liền. Ðặc biệt, số lao động chịu ảnh hưởng của việc nợ BHXH của năm DN này không chỉ dừng lại ở 401 lao động mà cả những người vẫn còn vướng mắc quá trình công tác, không được tính thời gian tham gia BHXH, chưa được giải quyết chế độ thai sản của BHTN…

"Các DN trên đã có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN. Người lao động dành cả tuổi trẻ và sức lực để đóng góp cho DN. Khi về già hoặc ốm đau, họ cần được bảo đảm những quyền lợi chính đáng về BHXH, BHYT, BHTN..." - Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Hòa trăn trở.

Củng cố chế tài, nâng cao nhận thức

Theo BHXH Việt Nam, đến cuối tháng 7-2019, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là hơn 6.000 tỷ đồng, với hơn 55.000 đơn vị nợ đọng và đối tượng bị tác động là hàng trăm nghìn NLÐ. Các DN nợ BHXH với số tiền lớn, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải...

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, đầu tiên và cơ bản nhất, là từ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho NLÐ còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho NLÐ, nhưng vẫn cố tình không đóng, hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn. Hoặc, họ chấp nhận đóng lãi suất chậm nộp, lạm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của NLÐ để quay vòng vốn vì tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, chưa kể thủ tục vay ngân hàng phức tạp.

Một số đơn vị gặp khó khăn vì hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong tỏa hóa đơn; số DN dừng hoạt động, giải thể tăng cũng là nguyên nhân khiến việc đóng BHXH, BHYT cho NLÐ bị ảnh hưởng. Mặt khác, NLÐ do sức ép việc làm, cũng như do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Về chế tài xử lý, nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận: Bộ luật Hình sự đã bổ sung các tội danh liên quan BHXH, tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa có hướng dẫn của cơ quan tố tụng, nên việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra không đạt kết quả như mong muốn.

Ðể bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLÐ, nhiều ý kiến cho rằng các ngành chức năng cần tăng cường xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong các đơn vị để nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài. Công an các địa phương, căn cứ quy định của pháp luật xem xét điều tra, xử lý hình sự đối với một số DN chây ỳ trốn đóng. Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố xúc tiến khởi kiện ra tòa án một số DN có khả năng tài chính nhưng cố tình nợ đọng với số tiền lớn, thời gian kéo dài...

Cùng đó, phía cơ quan BHXH cần công khai con số nợ chính thức và số người nợ, hoặc trốn đóng BHXH do các DN phá sản, bỏ trốn gây ra để NLÐ được biết. Ðồng thời, cần tập trung cao cho việc ứng dụng công nghệ thông tin; công khai, minh bạch hóa việc đóng BHXH để NLÐ có thể cập nhật, theo dõi từng tháng việc DN đã đóng BHXH cho mình hay chưa. Ðây là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Khi các giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt mới có thể ngăn chặn hiện tượng "nhờn luật", khắc phục triệt để tình trạng các DN vi phạm trong thời gian dài, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ.