Ứng dụng sách giáo khoa mới

Quan trọng vẫn là việc dạy và học

Ngay sau khi có quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng cho biết, Bộ đang cố gắng hoàn thiện sớm nhất dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) để xin ý kiến nhân dân. Tuy thế, do đây là lần đầu áp dụng quy chế “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, nên dư luận xã hội còn không ít băn khoăn, nhất là bởi SGK có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu bản mẫu bốn bộ sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN HIỀN
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu bản mẫu bốn bộ sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN HIỀN

Còn lắm băn khoăn

Sau hai vòng thẩm định với quy chế khắt khe, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK đã lựa chọn 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả chín môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá mức “Đạt”, còn 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục bị đánh giá “Không đạt”. Trên cơ sở đó, ngày 21-11, Bộ trưởng GD&ĐT ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT phê duyệt 32 SGK của tám môn học và hoạt động giáo dục đủ điều kiện ứng dụng dạy và học cho lớp 1 của hệ thống GDPT toàn quốc.

Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở GDPT như thế nào để vừa bảo đảm tính tự chủ của mỗi cơ sở giáo dục vừa tuân thủ quy định của pháp luật đang là một trong những băn khoăn của xã hội. Tại điểm c khoản 1 Điều 32 (Sách giáo khoa giáo dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019, ghi rõ: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”. Thực hiện quy định này, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật. Thông tư này sẽ hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương. Như vậy, căn cứ vào điều kiện cụ thể, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.

Trách nhiệm của các sở GD&ĐT là tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng thẩm định của tỉnh, thành phố để chọn ra bộ sách phù hợp nhất. Thế nhưng, không ít người bày tỏ lo ngại, là có thể sẽ xuất hiện sự thiếu công bằng, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí cả những “vận động tiêu cực” của các đơn vị biên soạn SGK với từng địa phương để bộ SGK của mình được đưa vào sử dụng. Hệ quả là, bộ SGK được chọn chưa chắc đã là lựa chọn tốt nhất. Riêng SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021 tới đây như đã được công bố, tất cả có năm bộ của ba nhà xuất bản được phê duyệt, đạt yêu cầu để các địa phương chọn lựa. Đây là điểm rất mới, khác biệt lớn so với trước đây khi chỉ có một bộ SGK duy nhất áp dụng cho cả nước. Trên thực tế, vừa qua báo chí cũng đã phản ánh, trước khi các SGK này được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đã xảy ra tình trạng, có nhà xuất bản làm công văn gửi các địa phương “chào hàng” bộ SGK của mình, thậm chí không quên “thông tin bất lợi” cho nhà xuất bản khác.

Cũng có ý kiến băn khoăn, lo lắng cho các học sinh khi chuyển trường, chuyển vùng học, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng học tập? Trả lời băn khoăn này, theo lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học, khi dạy một chương trình nhiều bộ SGK thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất. Vì vậy, việc học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo chỉ dẫn của thầy cô. Dự thảo Thông tư về lựa chọn SGK đang được Bộ GD&ĐT xây dựng cũng sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK bảo đảm phù hợp điều kiện của từng vùng miền, địa phương.

Không để “lợi ích nhóm” làm ảnh hưởng

Có lẽ băn khoăn lớn nhất không nằm ở các quy chế, quy định. Bởi đã nhiều lần rồi, sau các sự cố, khi rà soát thì hầu hết quy trình đều không sao, nhưng “kết quả thì lại không như kỳ vọng”. Cũng nhiều chuyên gia, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra căn nguyên là “muôn sự tại người”. Quy chế là do con người đặt ra, quá trình thực hiện vẫn là những con người cụ thể. Như thế, có thể thấy, SGK tuy là một công cụ, học liệu hết sức quan trọng, song để bảo đảm chất lượng giáo dục, quan trọng nhất vẫn là đội ngũ giáo viên biết “lấy người học làm trung tâm”.

Đề cập vấn đề này, GS, TSKH Đặng Ứng Vận, chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK: “Bộ GD&ĐT cần quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần cần bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số phải là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó”.

Vai trò của hội đồng thẩm định, lựa chọn SGK là rõ ràng, song theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì đó mới chỉ là bước 1. Theo quy trình biên soạn SGK thì sau khi biên soạn xong phải thử nghiệm và sau đó mới hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng chính thức. Như vậy, sau bước 1, bước 2 phải có việc thực hiện thực nghiệm bộ SGK trong thực tế dạy học và hiệu chỉnh SGK trước khi đưa vào in ấn, xuất bản và tiến hành giảng dạy đại trà.

Xuất phát từ thực tế giảng dạy, khi chia sẻ với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, không ít thầy giáo, cô giáo đã bày tỏ băn khoăn về việc “liệu ý kiến của mình có được lắng nghe”. Vì thế, có ý kiến đề xuất, việc thẩm định sách cần phải được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín. Như thế, giáo viên sẽ có cơ hội nêu những nhận xét thật lòng và chính xác nhất. Những nhận xét của người trực tiếp giảng dạy sẽ giúp cho Hội đồng thẩm định chọn được bộ sách có chất lượng và cũng hạn chế đến mức thấp nhất việc chọn sách theo “lợi ích nhóm”.

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là học sinh cả nước bước vào năm học 2020-2021 với những đổi mới căn bản và toàn diện, bắt đầu từ lớp 1. Thời gian không chờ đợi, trong khi những việc cần làm còn nhiều thách thức, đòi hỏi ngành giáo dục phát huy tính chủ động, trước mắt là sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK, tạo điều kiện cho các giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy tiếp cận với các bộ sách sớm nhất. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm được tính công bằng, minh bạch. Mà hơn cả những quy định vẫn là trách nhiệm của từng người cụ thể.