Kiểm soát nhà máy liên quan hóa chất

Phòng ngừa hơn giải quyết hậu quả

Quản lý rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hóa chất là một trong những nhiệm vụ của doanh nghiệp và có ý nghĩa, tác động hết sức to lớn đến cộng đồng xã hội. Nhất là sau vụ cháy xảy ra tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) ở Hà Nội, vấn đề công tác bảo đảm an toàn về hóa chất càng phải được chú trọng.

Tẩy độc bên trong Công ty Rạng Đông.Ảnh: Lưu Trọng Anh
Tẩy độc bên trong Công ty Rạng Đông.Ảnh: Lưu Trọng Anh

Rà soát cơ sở sản xuất

Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (URENCO 10) đang thực hiện nhiệm vụ xử lý sự cố ô nhiễm tại Công ty Rạng Đông.

Thông tin từ ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, tính đến ngày 16-9, các cơ quan chức năng đã vận chuyển hơn 44 tấn rác thải nguy hại (tro xỉ của đèn và các sản phẩm đèn huỳnh quang, compact bị hư hại) về Nhà máy xử lý rác thải nguy hại NEDO tại khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) để xử lý. Đồng thời vận chuyển 19 tấn rác thải khác là sắt thép phế liệu ra khỏi khu vực cháy của Công ty Rạng Đông. Thu gom vận chuyển rác thải đến đâu, Bộ Tư lệnh Hóa học tẩy độc ngay đến đó.

Cùng với công tác giải quyết sự cố trước mắt là tẩy độc tại công ty này, TP Hà Nội đang có kế hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm, sản xuất liên quan hóa chất ra khỏi nội đô, xa khu dân cư. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã gửi danh mục 186 địa điểm trên địa bàn 12 quận để Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện nội dung rà soát các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu vực nội đô của thành phố Hà Nội trước năm 2020. Thành phố cũng đã có chỉ đạo rà soát các cơ sở có sử dụng hóa chất, đánh giá và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm.

Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, về danh mục các cơ sở sản xuất cần di dời, Sở đang rà soát lại toàn bộ để trình kỳ họp HĐND thành phố dịp cuối năm. Tuy vậy, rà soát lên danh sách xong thì cũng còn cần có lộ trình, cơ chế phù hợp cho các cơ sở. Được biết, Hà Nội đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m2, trong đó diện tích xây dựng nhà ở là xấp xỉ 142.000m2, diện tích đất trường học hơn 39.000m2, diện tích hạ tầng kỹ thuật là 150.000m2, diện tích đất thương mại, dịch vụ là hơn 11.000m2.

Tăng cường cơ chế kiểm soát

Các chuyên gia môi trường cho rằng, quản lý rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hóa chất nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn, sức khỏe, môi trường là vấn đề hết sức cần thiết, và cần được quan tâm đúng mức hơn. Ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) cho biết: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hóa chất luôn có những tiềm ẩn và rủi ro rất lớn, nếu không chú trọng và không có các giải pháp để giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các mối nguy cơ đến sự cố thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Sự tổn thất do sự cố hóa chất gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh mạng của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thiệt hại hàng hóa và phương tiện, gây hư hại đến các công trình.

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, phòng ngừa sự cố rủi ro hóa chất bao giờ cũng hiệu quả, ít tốn kém hơn so với giải quyết các sự cố. Bởi thế, nhiều doanh nghiệp thường mời các chuyên gia, cố vấn tăng cường các buổi diễn tập thực địa nhằm giảm tới mức thấp nhất những rủi ro tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tác động trực tiếp tới tính mạng người dân, cũng như gây thiệt hại kinh tế, môi trường sống chung quanh. Đại diện Công ty CP Supe Phốt-phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ, đối với kho chứa lưu huỳnh và bộ phận hóa lỏng lưu huỳnh, các rủi ro lớn nhất là rất dễ cháy, khi cháy sinh ra khí độc SO2. Do vậy, để ngăn chặn, công ty đã lắp đặt hệ thống camera giám sát kho lưu huỳnh kết hợp người bảo vệ kho; trang bị hệ thống chữa cháy như: hệ thống nước chữa cháy vách tường, các phương tiện chữa cháy cơ động xách tay, các phương tiện ứng cứu khác.

Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất tại bồn amoniac (NH3), Công ty cũng xây dựng các chế độ bảo vệ bồn chứa NH3 như: hệ thống tường bao quanh bồn chứa nhằm ngăn ngừa rò rỉ chất này ra chung quanh; các họng nước và các trụ nước cứu hỏa chung quanh bồn chứa để xử lý các trường hợp bất thường và phòng tránh các sự cố liên quan đến hóa chất.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng tới việc bán sản phẩm và có phản ứng thụ động với công tác quản lý hóa chất. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến công tác này sau khi có sự cố xảy ra. Chính vì vậy, nhằm hạn chế tác động môi trường từ các nhà máy, Bộ TN&MT và các địa phương đã xây dựng, thực hiện các chính sách về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về môi trường.

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, bên cạnh việc tăng cường thể chế, chế tài thực thi, cần có cơ chế cụ thể về trách nhiệm bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư cho bảo vệ môi trường và phát triển. Muốn vậy, cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí đầu tư công nghệ đối với các ngành sản xuất. Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, quá trình vận chuyển và cất giữ hóa chất. Cùng đó, cần phổ biến các kỹ năng cơ bản cho doanh nghiệp để giảm tác hại của hóa chất đến con người và môi trường.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông mới đây, về lâu dài, cần tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời Công ty Rạng Đông và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch; giao Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhập khẩu, quản lý và sử dụng hóa chất.