Phòng dịch, bắt đầu từ bếp

Liên tiếp những vụ việc liên quan đến thịt lợn như dịch tả lợn châu Phi, ấu trùng sán lợn xuất hiện tại nhiều địa phương, khiến cho người dân vô cùng lo lắng. Dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông tin, khuyến nghị về việc an toàn khi sử dụng thịt lợn, thị trường vẫn có biến động lớn khi rất nhiều gia đình “tẩy chay” thịt lợn bởi nỗi lo nhiễm bệnh.

Phòng dịch, bắt đầu từ bếp

Vốn là loại thực phẩm quen thuộc, dễ chế biến, giá thành phù hợp, nên thịt lợn từ trước tới nay vẫn luôn được người tiêu dùng lựa chọn trong bữa ăn gia đình. Thế nhưng trong những tháng đầu năm 2019, các quầy bán thịt lợn chẳng còn đông khách như trước. Cô Lê Thị Chi, chủ quầy thịt lợn tại số nhà 1A Nguyễn Văn Tố (chợ Hàng Da) chia sẻ: “Lượng bán gần đây giảm nhiều lắm, ngày trước một ngày bán được 40 - 50 cân, thì bây giờ chỉ được khoảng hơn chục cân một ngày”. Sức mua giảm đi rõ rệt, giá thịt lợn tại các chợ cũng giảm từ 10 đến 20% so với trước đây. Giá bán tại các chợ hiện trung bình chỉ còn 80.000 đồng/kg. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò chả, nem tai, nem chạo, xúc xích... cũng vắng khách.

Trong khi đó, mặt hàng thịt lợn tại các siêu thị lại trở nên “đắt khách” hơn hẳn. Tại các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, BigC, Sài Gòn Co.op Mart, Hapro... giá thịt lợn hiện cao hơn mặt bằng chung khoảng từ 20 đến 25%. Dù giá cao hơn nhưng sức tiêu thụ thịt lợn tại các cơ sở này tăng mạnh so với trước khi xuất hiện dịch bệnh. Chị Nguyễn Thu Huyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Tuy giá có đắt hơn nhưng yên tâm hơn, nên đành chấp nhận. Thế nhưng thay vì trước kia hầu hết các món ăn đều liên quan đến thịt lợn, thì bây giờ một tuần một bữa thôi!”.

Người tiêu dùng đang “tẩy chay” thịt lợn, do lo ngại cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, thực trạng thịt lợn gây nhiễm bệnh không hề trầm trọng như nhiều người dân vẫn đang “nghi oan” cho nó!

Với dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng đã nhiều lần khẳng định: bệnh này không lây sang người. Còn đối với ấu trùng sán lợn, chúng ta cũng hoàn toàn có thể phòng tránh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không bảo đảm vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Đồng thời, các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang tích cực thanh tra, kiểm soát chất lượng thịt lợn được bán ra thị trường, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng cả nước.

Trong một diễn biến khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn cảnh bất hợp pháp, từ đó ngăn chặn sự gia tăng của dịch tả lợn châu Phi tại nước ta.