Xu thế mới của các dự án thiện nguyện

Phép cộng của “chất” và “lượng” cùng đổi

Báo Nhân Dân cuối tuần, số 46 ra ngày 15-11-2020,  đã xây dựng chuyên đề “Hướng đi mới trong phát triển thiện nguyện” với thông điệp chính là đã đến lúc công tác này cần phải có sự thay đổi để phù hợp đòi hỏi thực tế. Khởi đầu năm mới, đã có thể nhận thấy rõ sự chuyển mình này. Khi mà, các dự án thiện nguyện hướng đến sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững hơn. 

Học sinh trong khu nội trú tại Cư M’Lan (huyện Easup, tỉnh Đắk Lắk), một trong những công trình hoàn thành năm 2020 thuộc dự án Sức mạnh 2000.
Học sinh trong khu nội trú tại Cư M’Lan (huyện Easup, tỉnh Đắk Lắk), một trong những công trình hoàn thành năm 2020 thuộc dự án Sức mạnh 2000.

Hệ sinh thái của “những hạt giống yêu thương”

Một trong những dấu ấn của năm 2020 trong hoạt động thiện nguyện do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (ĐTN) phát động, đó là sự phối hợp với nền tảng ví điện tử MOMO cùng triển khai dự án Sức mạnh 2000 trong app. Dự án này được phát triển từ ý tưởng xây trường cho các em vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biển đảo của “hiệp sĩ miền núi” Hoàng Hoa Trung. Việc hợp tác triển khai trên nền tảng MOMO với nhiều tính năng hiện đại cho phép mở rộng khả năng lựa chọn của người ủng hộ với điểm trường, điểm nhà nội trú, cũng như đa dạng  phương thức đóng góp theo ngày (với các mức 1.000, 2.000 hay 5.000 đồng), theo tuần hoặc ủng hộ trọn gói... Nhờ sự linh hoạt này mà số lượng người biết đến và có thể ủng hộ được cho dự án gia tăng, trong đó có không ít học sinh, sinh viên chưa dư dả về kinh tế nhưng vẫn có thể trao đi sự đồng cảm, chia sẻ. 

Những con số đóng góp tính theo từng nghìn đồng có thể khiến nhiều người băn khoăn “Như vậy thì đến bao giờ mới đủ tiền?”. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh “tích tiểu thành đại”, chỉ trong năm qua, chương trình Sức mạnh 2000 đã hoàn thiện được hơn 30 công trình (bao gồm trường học, nhà nội trú, Nhà Hạnh phúc). Một con số khá ấn tượng!

Một điều đáng nói nữa, không chỉ đổi mới về phương pháp quyên góp, ngay đến cách thức hỗ trợ thiện nguyện cũng đã được đổi mới theo hướng coi tiêu chí bền vững là ưu tiên số một. Chẳng hạn như, với mô hình Nhà Hạnh phúc, một chương trình hỗ trợ nhà ở dành cho trẻ em mồ côi cả bố và mẹ, hay chỉ thiếu bố hoặc mẹ nhưng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nếu như trước đây, nội dung hỗ trợ chỉ dừng ở việc xây nhà, thì nay Trung ương Đoàn sẽ giao trách nhiệm đỡ đầu các em cho đoàn thanh niên tại địa phương. Muốn làm tròn vai này, đoàn viên cơ sở sẽ phải làm việc với các bên liên quan như chính quyền địa phương, các nhà tài trợ, và thân nhân của các em, để kết nối nhằm giúp hỗ trợ các em có thể ăn học cho đến khi đủ tuổi trưởng thành. 

Ngày đầu đến với Nhà Hạnh phúc, các em sẽ nhận được món quà rất thú vị. Đó là đàn gà xinh, là luống rau đang lên xanh tươi tốt. Bắt đầu từ những việc nho nhỏ như chăm đàn gà, tưới bón vườn cây, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các em có thể học những bài học đầu tiên cho mình. Hoạt động tài trợ cũng hết sức đa dạng từ  việc xây nhà, đầu tư trang thiết bị… giúp cho tổ ấm được đủ đầy hơn. Nhờ có mô hình chung sức này, biết bao em đã có thể viết tiếp giấc mơ “được yêu thương, được đến trường”. Nhờ vào sự chung tay quyên góp của cộng đồng, Sức mạnh 2000 đã xây dựng và đưa vào hoạt động bốn mái ấm như thế tại các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Trà Vinh, Đắk Lắk. 

Nói về tính bền vững của hoạt động thiện nguyện, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh lưu ý đến việc cần phát triển “hệ sinh thái thiện nguyện”. Sự đổi mới trong tổ chức hoạt động thiện nguyện của Trung ương Đoàn đã cho thấy sức mạnh của việc kết nối tạo nên hệ sinh thái có thể mang lại kết quả tích cực như thế nào. 

“Sàn giao dịch” kiểu mới

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2020 được bóc đi, đã có một sự kiện đáng chú ý. Đó là sự ra mắt của nền tảng Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng có tên NICE (trực thuộc Trung tâm Thông tin UNESCO).  Nhà báo Đinh Đức Hoàng, một trong những người sáng lập NICE chia sẻ: “Ở đây, công việc của chúng tôi là tập hợp các sáng kiến xã hội lại thành một nền tảng với rất nhiều dạng kết nối có thể được tạo ra. Nếu mỗi dự án cộng đồng là một nghệ sĩ, thì NICE sẽ trở thành một gallery khổng lồ”. 

Chỉ qua hai tuần hoạt động, NICE đã có 15 sáng kiến thành viên trên “sàn giao dịch”, với sự đa dạng cả về hình thức hoạt động lẫn đối tượng hỗ trợ: từ mô hình hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ kiến thức và tâm lý cho bệnh nhân ung thư, cho đến hoạt động vì môi trường,… Tuy chưa thực hiện các hoạt động truyền thông đại chúng, nhưng nhiều kết nối trực tiếp đã được tạo ra.
 
Chẳng hạn như, từ NICE,  đại diện của Tiệm giặt Người Điếc và bà Thanh Hằng, chủ chuỗi Thanh Hằng Beauty đã có cuộc gặp gỡ nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tiệm giặt Người Điếc tiếp nhận những người khiếm thính vào làm việc và lợi nhuận của tiệm được ưu tiên dành cho việc tổ chức các lớp học kỹ năng sống cho nhóm người này.

Tiệm mới chỉ được khai trương vào tháng 12-2020, với ba nhân sự đều là nữ, đứng đầu là nhà sáng lập, điều phối dự án Lương Thị Kiều Thúy. Nổi tiếng là người có những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, luôn lạc quan, tích cực với các dự án cộng đồng, Thúy bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đau đáu với suy nghĩ, làm sao tìm được công việc gì phù hợp những người khiếm thính. Nhận thấy, công việc giặt là chính là loại hình công việc “không thể phù hợp hơn”, Thúy quyết tâm xây dựng dự án và kêu gọi được nhà đầu tư đầu tiên là chuỗi hệ thống Giặt ký. Kết quả ban đầu phần nào chứng minh với nhà đầu tư tính khả thi của dự án. 

Từ bước đi ban đầu, giờ đây, với sự đồng hành của NICE, Tiệm giặt Người Điếc tiếp tục thu hút được lượng lớn khách hàng ủng hộ. Niềm vui hiển hiện trên khuôn mặt Thúy, và điều mà cô chia sẻ càng khiến người ta cảm thông sâu sắc. “Giờ đây mọi người đã biết và gọi chúng mình bằng cái tên Người Điếc, bởi chúng mình có lịch sử và văn hóa riêng! Bây giờ cộng đồng mình có thể dễ dàng hòa nhập và chứng minh năng lực bản thân để được xã hội công nhận”, Thúy tâm sự. 

Như một xu thế tất yếu, sẽ còn rất nhiều những kết nối vì cộng đồng đã, đang và sẽ còn được tiếp sức từ những mô hình hoạt động như cách mà NICE đã xây dựng. Tất cả như những dòng chảy đổ về biển lớn, về với một mục tiêu rất nhân văn - Làm sao để ngày một nhiều người yếm thế được hỗ trợ. Không chỉ mang tính ngắn hạn, các hoạt động thiện nguyện sẽ theo đuổi những mục tiêu dài hạn, giúp người yếm thế không chỉ tự chủ được cuộc sống của chính mình mà còn đóng góp vào sự phát triển của chung của cộng đồng.