Phấp phỏng hậu tuyển sinh đại học

Sau những sự cố xảy ra ở mùa thi năm nay, việc các trường đại học (ÐH) công bố mức điểm chuẩn tuyển sinh đợt 1-2018 hạ thấp hơn năm ngoái, càng khiến nỗi lo về chất lượng đầu vào gia tăng. Nhìn rộng ra khỏi một kỳ tuyển sinh, có thể thấy, “khâu đột phá” trong giáo dục đại học, không chỉ ở kỳ thi, quan trọng hơn phải là chất lượng đào tạo.

Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học tại Trường đại học Thủy lợi (TP Hà Nội). Ảnh: MINH HƯỜNG
Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học tại Trường đại học Thủy lợi (TP Hà Nội). Ảnh: MINH HƯỜNG

Lo lắng “điểm thi cao”, “điểm chuẩn thấp”

Tính đến 17 giờ ngày 6-8, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) năm 2018. Thống kê số liệu cho thấy, đa số các trường ÐH tốp trên (như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Y Hà Nội, Ngoại thương, các trường khối Quân đội, Công an…) tuy vẫn giữ mức điểm chuẩn ở mức cao, nhưng so với điểm chuẩn năm 2017 thì lại giảm đáng kể, có những ngành giảm sâu tới vài điểm, thậm chí có nơi giảm từ 6 đến 9 điểm.

Cùng đó, nhiều ÐH vùng, các trường tốp dưới, sau khi công bố điểm đã khiến nhiều người không khỏi “giật mình” bởi mức điểm trúng tuyển thấp như ÐH Huế, ÐH Thái Nguyên... Cụ thể, 28 trên tổng số 46 ngành, chương trình đào tạo của ÐH Tây Nguyên cũng chỉ lấy 13 điểm là trúng tuyển. Ðây cũng là mức điểm chuẩn cho 12 ngành trên tổng số 25 ngành của ÐH Quảng Bình,… Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia lo lắng rằng “đại học vùng đang vét thí sinh”, sẽ kéo theo hậu quả khôn lường. TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, nhận định: Việc hạ điểm để “vét” thí sinh là bài toán liên quan tài chính của cơ sở giáo dục. Nhiều trường chấp nhận lấy điểm trúng tuyển thấp chỉ để bảo đảm quy mô đào tạo.

Trong khi đó, cũng đã có những trường tốp trên, để giữ uy tín và bảo đảm chất lượng đã chấp nhận tuyển không đủ chỉ tiêu thay vì hạ điểm chuẩn. Ông Nguyễn Phong Ðiền, Trưởng phòng Ðào tạo ÐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định: “Chất lượng phải được kiểm soát từ đầu vào. Một chương trình đào tạo nghiêm túc, người học cần đáp ứng về trình độ nhận thức và năng lực học tập thông qua điểm thi. Nếu cố tuyển đủ, trường sẽ phải đuổi học số lượng lớn sinh viên trong quá trình đào tạo”.

Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy: Trên cả nước, mỗi năm các cơ sở giáo dục, nhất là các trường ÐH có uy tín phải buộc thôi học đối với hàng trăm sinh viên không đủ năng lực. Ðiều này cho thấy rõ ràng trước đó chất lượng đầu vào chưa được kiểm soát kỹ, gây lãng phí không hề nhỏ cho nơi đào tạo, người học và cả xã hội.

Ðiểm chuẩn của nhiều trường phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra công tác tổ chức thi, chấm thi ở một số địa phương. Bối cảnh này khiến cả nhà trường và thí sinh chưa thôi phấp phỏng.

Từ kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của ÐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Các trường ÐH cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng phương án xét tuyển, đánh giá chất lượng đầu vào chứ không chỉ trông vào kết quả của kỳ thi chung. Hiện đã có nhiều trường ÐH tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực riêng kết hợp với kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh. Tuy nhiên không phải tất cả các trường đều đủ năng lực làm công tác này, nên thật sự vẫn rất cần những trung tâm khảo thí tầm cỡ quốc gia để thực hiện dịch vụ đánh giá cho các trường”.

Băn khoăn “khâu đột phá”

Công tác tổ chức một kỳ thi nghiêm túc luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hệ thống giáo dục, do đó, đòi hỏi cả xã hội vào cuộc. Kết quả thi không chỉ đơn thuần phục vụ công tác tuyển sinh, mà còn là một trong những cơ sở quan trọng để ngành giáo dục rà soát lại thực trạng, từ đó hoạch định các hướng đổi mới (về phương pháp dạy học, đầu tư mạnh hơn cho các vùng trũng, tăng cường bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý...). Và, đương nhiên, cần phải có kết quả chân thực thì mới có thể đề ra các quyết sách giáo dục chính xác.

Coi trọng hiệu quả đào tạo, TS Hoàng Ngọc Vinh thẳng thắn nhìn nhận: Trong giai đoạn hiện nay, việc thi kiểm tra đánh giá không nên coi là khâu đột phá về đổi mới giáo dục, mà chỉ là một công đoạn quan trọng trong quy trình giáo dục. Ðể giảm bớt sức ép lên các kỳ thi cử, rất cần phải có một quy hoạch phát triển giáo dục tốt, tạo cơ hội phát triển bình đẳng giáo dục công và tư, huy động nguồn lực trong xã hội cung cấp nhiều dịch vụ giáo dục chất lượng hơn, đầu tư vào đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên. Ðồng thời, bảo đảm một sự đồng bộ phát triển cả ở giáo dục phổ thông, nghề nghiệp và đại học để tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người dân theo các con đường học tập khác nhau”.

Xét về tính quy trình và thời điểm, GS, TSKH Ðặng Ứng Vận cho rằng: “Khi chúng ta chưa hoàn thiện được những cải cách, đổi mới về thi cử thì vẫn cần xem thi cử là một trong những khâu đột phá, nhưng phải tập trung hoàn thiện sớm và dứt điểm”. Ông phân tích, sẽ không thiếu những vấn đề khác có thể được xem là khâu đột phá như tái cơ cấu giáo dục sau trung học để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế xã hội; hoặc đổi mới cơ chế cho giáo dục - đào tạo để huy động nguồn lực toàn xã hội phát triển giáo dục; hay xây dựng triết lý giáo dục mới cho Việt Nam để định hướng cho các hoạt động, các ý tưởng và giải pháp đổi mới cũng như phát triển. Vấn đề là lựa chọn thời điểm và trình tự thực hiện các khâu đột phá này ra sao để tác động hiệu quả nhất đến hệ thống.

Vấn đề cuối cùng nhưng rất quan trọng và có tính quyết định, đó là cho dù ở cấp học nào, trình độ nào, vai trò nào (đứng lớp hay cán bộ quản lý) thì những đòi hỏi về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm đối với sự hưng vong của nền giáo dục quốc gia vẫn là vô cùng cấp bách. Cấp bách hơn nhiều so với việc chúng ta thay đổi cách tổ chức một kỳ thi hay cả mùa tuyển sinh. Cái gốc của mọi đột phá vẫn là ở chất lượng nhân lực, là vấn đề con người.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ðại học, Bộ GD-ÐT cho biết:

Ðể bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, trước mắt, Bộ vẫn sẽ công nhận điểm thi hiện tại của thí sinh để xét tuyển vào các trường ÐH. Trong trường hợp phát hiện thí sinh gian lận điểm thi thì thí sinh sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Quy chế thi, trong trường hợp cao nhất là bị buộc thôi học, ngay cả khi đã trúng tuyển và nhập học tại các trường ÐH.