Phải xốc lại công tác quản lý

“Biết bao chuyện lùm xùm mỗi mùa lễ hội cứ tái diễn, chúng ta nói cũng nhiều rồi, vậy mà nhiều nơi vẫn chứng nào tật ấy. Không thể cứ để những hình ảnh tranh cướp, cầu cúng tùm lum diễn ra ở không ít chốn linh thiêng mãi được. Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu Ban quản lý của di tích, đền chùa hay lễ hội ấy…” - Đây là nhấn mạnh của PGS, TS Nguyễn Văn Huy, khi đề xuất giải pháp thiết lập trật tự, văn hóa nơi lễ hội.

Phải xốc lại công tác quản lý

- Thưa ông, đã nhiều năm, cứ đến mùa lễ hội, dư luận lại bức xúc bởi những hình ảnh phản cảm, những hành vi tiêu cực xảy ra chính tại nơi tôn nghiêm, như đền chùa miếu phủ?

- Công bằng mà nói, để dư luận bức xúc, một phần là bởi công tác truyền thông của chúng ta đang có vấn đề. Dường như nhiều tờ báo, cùng với các trang mạng xã hội đều tập trung phản ánh khía cạnh tiêu cực, xoáy vào các hình ảnh, hành vi phản cảm nơi cửa Phật, hoặc tại một hội lễ nào đó. Trong khi có không ít nơi làm tốt công tác tổ chức, lễ hội diễn ra trong trật tự, tươi vui thì lại rất ít được đề cập. Tất nhiên, là những địa chỉ vẫn cứ để xảy ra tình trạng lộn xộn hết năm này sang năm khác, trước tiên, trách nhiệm thuộc về Ban quản lý, người đứng đầu di tích hoặc Ban tổ chức lễ hội đó.

- Có lẽ ông đặt lên vai Ban quản lý, Ban tổ chức trách nhiệm hơi nặng; bởi tại những điểm di tích nổi tiếng hay lễ hội lớn, phải kể đến ý thức của hàng nghìn, hàng vạn du khách tham gia nữa chứ?

- Trách nhiệm nặng là đương nhiên, bởi về nhiệm vụ tổ chức, người đứng đầu ngôi đền, chùa, hay trưởng ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội đó phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đành rằng, lễ hội có giữ được kỷ cương, văn minh hay không còn nhờ vào ý thức của khách thập phương. Nhưng trước hết, tôi muốn nhấn mạnh phải làm tốt công tác quản lý.

Hãy nhìn sang những nước láng giềng quanh ta, sao Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia,… họ tổ chức lễ hội, đón khách du lịch tại các địa chỉ nổi tiếng lại rất quy củ, trật tự. Đó là nhờ công tác quản lý rất chuyên nghiệp. Các quy định, quy chế đều rất rõ ràng đi kèm với những chế tài xử lý nghiêm khắc nếu ai cố tình vi phạm.

Nhắc đến trách nhiệm quản lý là nhắc đến người đứng đầu và các thành viên trong ban quản lý đó. Ở các địa phương nơi có đền chùa thì đó là vị sư trụ trì, còn đối với các khu di tích thì đó là trưởng ban quản lý, với lễ hội là trưởng ban tổ chức. Tôi lấy thí dụ như Ban quản lý di tích Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), họ làm rất tốt và quy củ, bởi ở đây có vị trưởng ban rất nghiêm và am hiểu di tích. Rồi lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ, thiết lập được trật tự.

- Là một chuyên gia am tường và tâm huyết với văn hóa dân tộc, ông có đề xuất giải pháp gì để khắc phục những tồn tại lâu năm này?

- Để khắc phục được những bất cập ấy thì công tác quản lý phải tốt. Muốn quản lý tốt thì phải xốc lại các ban quản lý này. Thử hỏi ở các di tích, lễ hội, mấy người trong ban quản lý được học tập, tập huấn, am hiểu về cách quản lý hoạt động di tích hay đền chùa một cách chuyên nghiệp, phù hợp với sự thay đổi của thời đại?

Các ban, ngành chức năng, nhất là ngành văn hóa phải thật sự chú ý đến công tác tổ chức ở những di tích, lễ hội để nảy sinh nhiều tiêu cực. Tạo điều kiện tập huấn những kỹ năng cần thiết cho cán bộ quản lý cấp cơ sở để có những nhận thức đúng, kiến thức, kỹ năng cần thiết, hướng đến tính chuyên nghiệp. Sớm xây dựng các quy định và chế tài nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương nơi những không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.

Tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn du khách từ trước mỗi mùa lễ hội. Công tác tuyên truyền như hiện nay cũng cần phải được đổi mới sao cho phù hợp với đời sống hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn ông!