Ðổi mới nhà trường, bắt đầu từ mô hình quản lý

LTS - Sau khi báo Nhân Dân cuối tuần số 8 (ngày 23-2-2020) đăng bài “Ðổi mới căn bản, toàn diện nhà trường - cách nào?” của GS, TSKH Ðặng Ứng Vận, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, làm rõ hơn vấn đề này. Trong đó, PGS, TS Ðỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) đề cập giải pháp đổi mới phải ngay từ công tác quản lý giáo dục.

Giờ học môn Toán của học sinh Trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Ðăng Khoa
Giờ học môn Toán của học sinh Trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Ðăng Khoa

Sự thay đổi vai trò

Tài liệu của Quỹ HEAD (Singapore) mà GS, TSKH Ðặng Ứng Vận giới thiệu trên Báo Nhân Dân cuối tuần là thiết thực và bổ ích vì nó giúp ta thấy được điểm yếu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách có thể thấy được và có được một trong những cách khắc phục khoảng cách hiện nay giữa chủ trương đổi mới và hành động đổi mới. Trong ba yếu tố được đề xuất: nguyên tắc quản trị dựa trên nhà trường, cộng đồng học hỏi chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp học tập hành động hợp tác, thì đổi mới quản lý giáo dục theo mô hình quản lý dựa vào nhà trường có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Thiết nghĩ, cần phải làm rõ hơn mô hình Quản lý dựa vào nhà trường (SBM - School-based management). Ðây là một mô hình quản lý ngày càng được áp dụng rộng rãi ở các nhà trường trên thế giới, đặc biệt là trong hệ thống trường công. Ðặc điểm cơ bản của mô hình này là việc chuyển giao quyền lực quản lý từ tập trung sang phi tập trung và ủy thác cho nhà trường, lấy nhà trường làm cơ sở phân cấp quản lý.

Một nhà trường khi đã chọn cơ chế SBM thì sẽ trở thành một nhà trường tự quản. Việc tự quản sẽ diễn ra trong tất cả các hoạt động hằng ngày của nhà trường, ở các cấp độ khác nhau, từ giai đoạn phân tích hoàn cảnh, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, xây dựng đội ngũ, thiết kế quá trình dạy học đến giai đoạn thực hiện, kiểm tra và đánh giá. Bên cạnh đó, sự tham gia của phụ huynh học sinh và các thành viên trong nhà trường cũng được tăng cường. Như vậy, có thể khái quát SBM thành công thức: SBM = tăng quyền tự chủ, tự quản của nhà trường + Tăng sự tham gia của các bên liên quan. Những ai có liên quan và có mối quan hệ gần nhất, có trách nhiệm và ảnh hưởng nhiều nhất trong việc thực hiện thì sẽ là những người ra quyết định.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, tác động lớn nhất khi thực hiện quản lý dựa vào nhà trường sẽ là sự thay đổi đáng kể vai trò của tất cả các bên liên quan - từ các nhà quản lý cấp trên, ban giám hiệu, hiệu trưởng, giáo viên, cán bộ nhà trường cho đến phụ huynh, cộng đồng và học sinh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, SBM hay phi trung ương hóa không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn vai trò của chính phủ. Ðây là một trong những hình thức phân cấp quản lý giáo dục. Về thực chất, đó là sự linh hoạt trong mối quan hệ giữa cơ quan cấp trên và các đơn vị cơ sở.

Việc thực hiện SBM mang lại những lợi ích sau đây:

Ðối với hiệu trưởng và các cán bộ quản lý nhà trường: Họ trở nên có nhiều quyền hạn, đồng thời cũng nhiều trách nhiệm hơn. Do đó, họ khuyến khích nhà trường đổi mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả tổ chức - một điều bị hạn chế trong mô hình quản lý tập trung.

Ðối với giáo viên: Họ được phép vận dụng óc sáng tạo của mình, thể hiện ý tưởng, tự do hơn trong việc giải quyết các vấn đề chuyên môn, đặc biệt là khi có những đòi hỏi về đổi mới giáo dục. Họ sẽ tham gia tích cực vào việc ra các quyết định về chương trình và phương pháp dạy học. Họ sẽ là người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch.

Ðối với phụ huynh: Họ sẽ được cung cấp những thông tin chính xác về chính sách của nhà trường, do đó sẽ tin tưởng hơn khi gửi con vào nhà trường.

Ðối với học sinh: Các em có thể tham gia vào việc xây dựng kế hoạch và bầu không khí học tập tích cực trong trường/lớp để nâng cao kết quả học tập.

Ngoài ra, SBM còn có nhiều lợi ích khác như: sự minh bạch, cởi mở, trách nhiệm giải trình... Trách nhiệm giải trình là một yêu cầu không thể thiếu của SBM. Các trường thực hiện SBM có trách nhiệm giải trình thông qua việc báo cáo thường xuyên về cả chương trình giảng dạy và tài chính tới tất cả các thành viên liên quan.

Ðương nhiên, cũng cần phải nói tới một số khó khăn khi thực hiện SBM, đó là vấn đề thời gian. Các hoạt động liên quan đến SBM đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải mất thêm một lượng thời gian mỗi ngày trong kế hoạch làm việc của họ. Quá trình thể chế hóa SBM cần một khoảng thời gian xác định để thay đổi các thói quen đã thành nền nếp và hội đồng của trường được giao phó nhiều trách nhiệm hơn; trong khi thực tế, không ít thành viên của nhà trường thường không đủ trình độ chuyên môn về quản trị để thực thi những trách nhiệm này.

Tuy vậy, không có sự đổi mới tích cực nào tự nó đến cả, nếu như không có quyết tâm và nhiệt huyết đổi mới.

Cơ hội, cũng là thử thách

Hiện nay, các trường học của Việt Nam đang đứng trước cơ hội và cũng là thách thức khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Thử thách đầu tiên là lựa chọn sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã trao quyền lựa chọn cho nhà trường và phụ huynh. Mô hình SBM lúc này đã có điều kiện để phát huy tác dụng. Áp dụng các yếu tố của SBM để lựa chọn sách giáo khoa chắc chắn sẽ giúp cho nhà trường có được quyết định đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các bên liên quan.

Bước thứ hai, kế tiếp sau việc lựa chọn sách giáo khoa là việc tập huấn cho giáo viên giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới. Lúc này SBM sẽ tạo điều kiện để nhà trường có thể xây dựng một cộng đồng học hỏi chuyên môn nghiệp vụ và triển khai phương pháp học tập hành động hợp tác như GS Ðặng Ứng Vận đã trình bày trong bài viết. Hai yếu tố này sẽ bảo đảm cho các thầy giáo, cô giáo tiếp cận nhanh nhất những đổi mới có tính nguyên tắc thể hiện trong chương trình và sách giáo khoa mới, biến chúng thành hoạt động dạy và học tại mỗi nhà trường với sự đa dạng về điều kiện và hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương cũng như sự đa dạng của học sinh.