Ở nơi cuối cùng im tiếng súng

Là vùng đất biên cương nằm cuối trời Tổ quốc, trải qua các cuộc chiến tranh chống thù trong giặc ngoài, quân và dân An Giang đã gánh chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng vẫn một lòng kiên cường bảo vệ từng tấc đất. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vùng đất An Giang là một trong những địa phương cuối cùng im tiếng súng, ngày 6-5-1975.

Đồi Tức Dụp trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở An Giang.
Đồi Tức Dụp trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở An Giang.

Theo Ban Tuyên giáo An Giang, có một sự trùng hợp lịch sử: huyện Chợ Mới là nơi treo cờ Đảng đầu tiên ở tỉnh vào tháng 4-1930 và cũng là địa phương sau cùng được giải phóng, kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 45 năm kiên cường và bền bỉ, sáng 6-5-1975.

Như bao tỉnh, thành phố khác, từng vùng đất của An Giang đều in đậm dấu ấn cuộc kháng chiến chống xâm lăng, trong đó huyện vùng núi Tri Tôn là nơi từng làm nên những chiến công lẫy lừng. Ngọn đồi Tức Dụp, nằm ở phía tây núi Tô, thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn đã trở thành một trong những biểu tượng bất khuất của quân và dân An Giang. Tức Dụp có vị trí là chốt tiền tiêu, đầu cầu liên lạc vận chuyển vũ khí, nhân lực cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tức Dụp với nhiều lò ảng, hang hốc đã trở thành cứ địa của cách mạng. Quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã điều 18.000 quân bắn phá, thả bom điên cuồng trong suốt 128 ngày đêm (từ ngày 17-11-1968 đến 24-3-1969) vào Tức Dụp, biến ngọn đồi cứ địa này thành vùng đất chết. Nhưng Tức Dụp vẫn hiên ngang sừng sững. Sự kháng cự mạnh mẽ của quân ta khiến quân đội Mỹ phải treo giải thưởng hai triệu USD nếu lực lượng của họ tiêu diệt quân đội ta trong vòng 18 ngày đêm. Từ đó, ngọn đồi được mệnh danh “ngọn đồi hai triệu đô-la”.

Nhắc về Tức Dụp, bác Lê Thành Cư còn gọi là Hai Cư, là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vẫn không quên những ngày tháng hào hùng máu lửa cùng đồng đội chống lại kẻ thù. Lúc đó, bác Hai Cư là Huyện đội trưởng Huyện đội Tri Tôn, chỉ huy lực lượng chưa đến 40 chiến sĩ chiến đấu chống lại sự tiến công điên cuồng của địch. Bác Hai Cư vẫn nhớ, lúc đó, trên trời máy bay B52 ra sức rải bom chùm xuống, dưới đất đạn pháo tầm xa, súng phun lửa và các loại bom bi, mìn cóc, mìn râu, bom xăng, bom dầu… bung nổ, biến ngọn đồi thành chảo lửa chết chóc. Vừa bắn phá, địch vừa phát loa kêu gọi chiêu hàng. Sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, tuy nhiên, bằng sự quả cảm và lối đánh du kích thông minh, ông Hai Cư và đồng đội đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Từ chiến công vang dội tại núi Tô, Bộ Tư lệnh Miền đã trao tặng các đơn vị chiến đấu tại đây tám chữ vàng “kiên cường bất khuất, giữ vững núi Tô”. Ngày 1-4-1985, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Tức Dụp là Di tích lịch sử văn hóa.

Cùng với đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn cũng là căn cứ quan trọng của Tỉnh ủy An Giang trong kháng chiến chống Mỹ. Ô Tà Sóc thuộc núi Dài, do địa hình phức tạp, hang động hiểm trở nên Tỉnh ủy An Giang đã chọn làm căn cứ hoạt động cách mạng. Quân Mỹ đã tổ chức 365 trận đánh, dùng đủ loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại càn quét căn cứ nhưng hoàn toàn thất bại. Từ Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy đã củng cố vững chắc vùng giải phóng, xây dựng lực lượng ba thứ quân, chuẩn bị điều kiện cho thời cơ mới tiếp theo. Với những dấu ấn lịch sử đặc biệt, căn cứ Ô Tà Sóc đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT, ngày 28-12-2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Để ghi dấu lại chiến công, tưởng nhớ những chiến sĩ đã quên mình hy sinh bảo vệ cách mạnh, bảo vệ Ô Tà Sóc, ngày 24-7-2019, UBND huyện Tri Tôn đã cho cải tạo, trùng tu lại căn cứ Ô Tà Sóc để khắc họa giá trị của Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm chia sẻ, việc đầu tư tôn tạo khu di tích khang trang hơn để biến nơi đây trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng phục vụ hiệu quả công tác giáo dục thế hệ trẻ, tạo ấn tượng đẹp đối với người dân, du khách về công trình lịch sử cách mạng cũng như tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương.

Đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở Tri Tôn và An Giang, là nơi mà học sinh, thế hệ trẻ và các cựu lão thành cách mạng luôn tìm đến trên hành trình về nguồn ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của địa phương, đất nước. Đi trước về sau trong chiến đấu, nhìn từ dấu mốc 45 năm tiếng bom đạn ngừng vang chết chóc trên mảnh đất này, vùng đất An Giang đang thay đổi mỗi ngày, làm nên những điều mới mẻ, đáng tự hào.