Nốt trầm nơi chảo lửa

Nửa thế kỷ đã trôi qua, sau những tháng ngày cống hiến sức trẻ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều thanh niên xung phong (TNXP) ở Hà Tĩnh trở về cuộc sống đời thường với thương tật bên mình, và cũng có những người chưa kịp nhận chế độ đã vĩnh viễn ra đi. Thời gian đằng đẵng, vậy mà đến nay nhiều người trong số họ vẫn còn “đứng bên lề chính sách”.

Cựu TNXP Nguyễn Đăng Phụng đang ngày đêm mong ngóng quyết định giám định cuối cùng.
Cựu TNXP Nguyễn Đăng Phụng đang ngày đêm mong ngóng quyết định giám định cuối cùng.

Trong một buổi chiều tháng bảy rực lửa, khi cả nước đang hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc với dòng tri ân sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ nơi ngã ba huyền thoại này, chúng tôi trở về gặp vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Đăng Phụng (sinh năm 1953, trú tại xã Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh).

Với những bước đi tập tễnh sau lần thoát chết thần kỳ do vụ tai nạn lao động năm 2017, bà Nguyễn Thị Lục (vợ ông Phụng) cho biết, dù mang trong mình nhiều thương tật sau chiến tranh nhưng ông Phụng vẫn phải bươn chải mưu sinh để trả nợ. Cũng theo bà Lục, thời gian trước, ông phải nằm viện sáu tháng để chữa trị chấn thương sọ não ở các bệnh viện tại Hà Nội, đã khiến sức khỏe và trí nhớ của ông giảm sút rất nhiều và để lại cho gia đình một khoản nợ lớn.

Theo hồ sơ lưu trữ, ông Nguyễn Đăng Phụng tham gia lực lượng TNXP thuộc C553, N55, P18 - thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên chiến trường Đồng Lộc từ tháng 3-1971 đến tháng 4-1974. Đúng vào 16 giờ ngày 12-12-1972, trong lúc làm nhiệm vụ san lấp hố bom để thông xe tại Ngã ba Khe Giao thì ông Phụng bị thương bởi mảnh bom của kẻ thù. Năm 2003, trong đợt giám định sức khỏe tại Hà Tĩnh, ông Phụng được kết luận tỷ lệ thương tật là 22% với kết quả có vết thương trên đỉnh đầu, vết thương cẳng tay phải, gối trái. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, kết quả giám định năm 2003 tại Hội đồng Giám định Y khoa Hà Tĩnh không được các cơ quan chức năng chấp nhận, thụ lý hồ sơ. Mãi đến năm 2012, ông Phụng được Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương mời ra giám định lại. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Nguyễn Đăng Phụng vẫn chưa nhận được kết quả đã giám định cuối cùng. Thời gian gần 15 năm qua, người cựu TNXP ấy vẫn ngày đêm mong mỏi, trông chờ chế độ.

Theo danh sách được biết, ông Nguyễn Đăng Phụng là một trong năm cựu TNXP đã khám giám định thương tật tại Hội đồng Giám định y khoa Trung ương và Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đến nay vẫn chưa có biên bản kết luận tỷ lệ thương tật. Đặc biệt, trong số năm cựu TNXP đang chờ đợi kết quả giám định của các cơ quan chức năng, cựu TNXP Phan Danh Hà ở xã Thạch Ngọc, Thạch Hà (Hà Tĩnh) không đủ sức khỏe để chờ đợi kết quả giám định và đã mất năm 2015. Theo bà Nguyễn Thị Pha, vợ cựu TNXP quá cố Phan Danh Hà, người đã không còn, việc có hay không có chế độ không còn quan trọng, nhưng gia đình vẫn muốn có kết luận giám định cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ thương binh, như một nghĩa cử, ghi nhận những đóng góp của người đã khuất cho quê hương, đất nước.

Ông Đào Văn Tinh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Về việc giải quyết chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp thường xuyên theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg, tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết cơ bản xong. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hồ sơ còn vướng mắc, chưa được hưởng đúng chế độ. Mặc dù Hội đã gửi công văn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xét duyệt hưởng chế độ Liệt sĩ đối với 13 TNXP đã hy sinh khi làm nhiệm vụ và năm trường hợp chưa được hưởng chế độ thương binh.

Việc giải quyết chế độ thương binh và liệt sĩ cho các cựu TNXP thuộc thẩm quyền của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo cán bộ Phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh, đối với 13 đối tượng đề nghị hưởng chế độ Liệt sĩ thì 10 trường hợp Sở đã đề nghị Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin, danh sách phối hợp với Sở Nội vụ để được xem xét hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Riêng ba trường hợp còn lại, Cục Người có công đã có văn bản trả lại hồ sơ đề nghị xác nhận Liệt sĩ. Cho nên Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, bổ sung xem xét thẩm định lại, nếu đủ điều kiện sẽ báo cáo Cục Người có công cho ý kiến giải quyết. Đối với năm trường hợp chưa được hưởng chế độ thương binh thì theo Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh, Sở đã đề nghị Hội Cựu TNXP cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin, danh sách phối hợp Sở Nội vụ để xem xét, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá là địa phương giải quyết tương đối tốt chế độ cho các TNXP. Theo đó, thực hiện Quyết định 104/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết cho 3.894 TNXP được hưởng chế độ trợ cấp một lần (mỗi người 1.500.000 đồng) và giải quyết cho 1.139 TNXP hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, bảo đảm quyền lợi cho những cựu TNXP đã từng một thời cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc giải phóng đất nước.

Trong một cuộc trao đổi mới đây, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang La Thị Tám (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) cho rằng, với tấm lòng của một người đã qua chiến tranh bom đạn, tôi vẫn mong muốn ngày càng nhiều hơn các nghĩa cử cao đẹp, hành động tri ân; không phải cho cá nhân tôi mà cho đồng đội tôi, những người hằng ngày vẫn phải chịu nỗi đau một phần thân thể không lành lặn, vì sức khỏe yếu hay phải sống cuộc sống khó khăn, vất vả. Họ chính là những người một thời không hề nghĩ cho mình mà chỉ một lòng vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Nên chăng tỉnh Hà Tĩnh cần có những hành động kịp thời, phối hợp cùng với các cơ quan, bộ, ngành và đơn vị chức năng liên quan sớm giải quyết cho những TNXP đang “đứng bên lề chính sách” được hưởng chế độ!