Nơi tuyến đầu chống Covid-19

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khi đã xuất hiện những ca bệnh lây chéo trong cộng đồng. Ở các tuyến đầu phòng, chống dịch, đội ngũ y tế của chúng ta vẫn đang dũng cảm đương đầu, ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, lực lượng an ninh vẫn đang nỗ lực 24/24 giờ chặn mầm bệnh ở các cửa khẩu. Và còn biết bao tình nguyện viên đang chung tay, nỗ lực, miệt mài phục vụ các khu cách ly, tất cả đều vì mục tiêu ngăn chặn mầm bệnh lây lan, sớm đẩy lùi đại dịch.

Tiếp tế cho người nhà tại khu cách ly Ký túc xá ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: KHẢ HÒA
Tiếp tế cho người nhà tại khu cách ly Ký túc xá ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: KHẢ HÒA

Mối lo từ cửa khẩu đường bộ

Ðêm 22-3, khi xác định Tây Ninh có hai ca dương tính, trước đó bệnh nhân đã trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, sau 30 phút nhận lệnh chỉ đạo từ Bộ Y tế, Ðội phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) do ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện dẫn đầu đã tức tốc lên đường. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết, kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19 thì Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai hai đội phản ứng nhanh và sẵn sàng chờ lệnh. Các thành viên trong Ðội phản ứng nhanh luôn chuẩn bị sẵn một ba-lô trong đó có đầy đủ các đồ dùng cá nhân, một số dụng cụ y tế và trong tâm thế sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ ngay sau khi nhận lệnh.

Ngay trong đêm, có mặt tại Tây Ninh, Ðội phản ứng nhanh đã làm việc cùng cán bộ y tế Tây Ninh để hội chẩn liên viện, triển khai tức khắc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc bệnh. Các trường hợp tiếp xúc gần ở khu cách ly hai người này đã được các lực lượng chức năng lập danh sách cách ly riêng và tiếp tục lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Với các cán bộ y tế, lực lượng chức năng nơi đây, đó là một đêm mất ngủ và vô cùng căng thẳng.

Ngay trong đêm 22-3, Sở Y tế Tây Ninh lập tức phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Chi cục Hải quan Mộc Bài và các đơn vị trực thuộc rà soát toàn bộ quy trình phát hiện, cách ly, vận chuyển và tiếp nhận, tiếp cận bệnh nhân để xác định các trường hợp F1 và F2. Lực lượng biên phòng túc trực 24/24 giờ, cùng đó tỉnh tăng cường quân đội, dân quân, thanh niên tình nguyện và nhân viên y tế tham gia công tác sàng lọc, kiểm tra đo thân nhiệt người dân khi nhập cảnh qua cửa khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã đóng cửa toàn bộ đường mòn, lối mở biên giới. Ðồng thời tất cả các trường hợp từ Cam-pu-chia và các nước Ðông - Nam Á về qua cửa khẩu đều phải cách ly để theo dõi y tế. Khu vực cách ly được chuẩn bị từ trước nên cơ sở vật chất và nhu yếu phẩm bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, nhiều khu chuyên biệt với đầy đủ trang thiết bị dành cho những người nghi nhiễm. “Những người qua cửa khẩu có biểu hiện nghi nhiễm, như sốt, ho, tức ngực... đều được xe chuyên dụng và nhân viên y tế đưa thẳng về bệnh viện đa khoa tỉnh cách ly”, ông Nguyễn Thanh Ngọc nói.

Quyết liệt tránh lây nhiễm chéo

Trong khi phải chi viện cho các địa phương, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh những ngày qua ngày càng căng thẳng, khi đã xuất hiện những ca bệnh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Áp lực càng đè nặng lên cơ quan chức năng của thành phố, nhất là sự lộn xộn xuất hiện tại điểm cách ly, điển hình là những lo lắng có phần thái quá của người thân những trường hợp đang được cách ly tại Ký túc xá Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. BS Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) thừa nhận, việc người nhà gửi quá nhiều đồ tiếp tế vào khu cách ly cho người thân đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, đó là tăng gánh nặng cho những người phục vụ, họ phải thêm nhiệm vụ đưa đồ tiếp tế lên phòng. Trong khi, công việc chính của những lực lượng hỗ trợ là bảo đảm cho phòng tránh lây nhiễm như: dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn… Tình hình trên còn làm cho người cách ly không tuân thủ nội quy, quy định ra vào, “vượt rào”, tăng rác thải, khiến công ty dịch vụ công ích gom không xuể. BS Thành cho biết, trung bình mỗi ngày, một người trong khu cách ly xả ra khoảng một ki-lô-gam rác thải, với số người như hiện nay trong khu cách ly, ước tính mỗi ngày xả ra năm tấn rác thải.

Ðược biết, sắp tới ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy chế nội bộ trong khu cách ly. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, những ngày gần đây lượng người về rất đông. Hiện đã có tám khu cách ly tập trung của thành phố, 24 khu cách ly quận/huyện quản lý với tổng số 23.600 giường. Ở các khu cách ly có thu phí có đầy đủ tiện ích, nhân viên các khu cách ly này sẽ được huấn luyện để chăm sóc những người cách ly như biết cách đo nhiệt độ hằng ngày, phối hợp với y tế địa phương để chăm sóc người cách ly hằng ngày, biết phun khử trùng... Cũng theo BS Mai, ngành y tế đang quản lý các khu cách ly rất chặt chẽ. Nếu người cách ly xin đổi chỗ cách ly từ khu cũ qua khu mới thì sẽ phải tính lại như cách ly từ đầu, nếu ở một tuần mà đổi chỗ thì sẽ ở thêm hai tuần nữa, tổng cộng là ba tuần. “Trong thời gian cấp bách này, bà con ở yên giùm để đỡ kẹt cho nhân viên y tế, giúp họ tập trung làm việc. Quan điểm của Sở Y tế là ai cách ly ở đâu thì cứ ở yên đó”, bà Mai khuyến cáo và cho biết đường dây nóng của Sở Y tế mấy hôm nay “cháy máy” vì số lượng người hỏi chỗ cách ly ở khách sạn.

Các chuyên gia dự báo, những ngày tới có thể sẽ có thêm lượng bệnh nhân, nhất là với các biện pháp kiểm soát mạnh tay được thực hiện kể từ ngày 15-3 đến nay, dự kiến vào đầu tháng 4 tới mới là “thời điểm an toàn” của Việt Nam khi hầu hết các trường hợp nhập cảnh trước đó đã hết thời gian ủ bệnh. “Ðứng yên là yêu nước”, bảo vệ chính mình cũng là yêu nước. Bước vào giai đoạn quyết định này, người dân cần thay đổi mạnh mẽ các thói quen như tăng cường giao dịch trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế ra đường, hạn chế tối đa việc tập trung đông người, tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí, không tiến hành các nghi lễ tập trung đông người.