Nỗi lo bệnh viện công... tận thu

Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập” của Bộ Y tế, dự kiến ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-10, trong đó quy định giá khám dịch vụ không quá 500 nghìn đồng/lượt khám và 4 triệu đồng/ngày/giường. Nhiều ý kiến đã không đồng tình, cho rằng mức thu này quá cao, và đặt vấn đề làm thế nào để Bộ Y tế giám sát bệnh viện (BV) công không tận thu trong bối cảnh đang tự chủ tài chính?

Cho dù bệnh viện công có tự chủ hoàn toàn thì vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội và theo mức thu nhập trung bình của người dân. Trong ảnh: Thăm khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: XUÂN THỦY
Cho dù bệnh viện công có tự chủ hoàn toàn thì vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội và theo mức thu nhập trung bình của người dân. Trong ảnh: Thăm khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: XUÂN THỦY

Dồn giường bệnh nhân BHYT để mở dịch vụ?

Trên thực tế, ở nhiều BV công cho thấy, giường phục vụ số đông người bệnh còn khó khăn đang bị bó hẹp, trong khi giường dịch vụ cho các đối tượng có thu nhập cao hơn đang được mở ra. Tại BV Phụ sản Hà Nội, ở khu điều trị nhà A dành cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT), phòng dành cho các sản phụ rất hẹp, được tận dụng kê ba giường/phòng, BV này vẫn cho tận dụng một khu nhỏ để kê giường dịch vụ, với giá 500 nghìn đồng/giường/ngày. Cho dù, BV đã có một tòa nhà riêng (nhà D) dành cho các ca sinh, mổ dịch vụ. Theo giá niêm yết của BV tại khoa D có phòng dịch vụ, phòng VIP có giá 2,5 triệu đồng/ngày. Phòng 2 - 3 giường/phòng có giá 600 nghìn đồng, hoặc từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/giường/ngày.

Còn ở BV Hữu nghị Việt Đức, giá phòng dịch vụ tại khu nhà D là 2,5 triệu đồng, có trang bị các thiết bị y tế hỗ trợ theo dõi sức khỏe người bệnh, điều dưỡng trực 24/24 giờ. Ngoài ra, còn có các phòng mức giá 500 - 750 nghìn đồng/giường/ngày. Trao đổi ý kiến với báo chí, GS,TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức cho biết, bệnh viện có các mức giá giường bệnh khác nhau, với phòng riêng điều trị theo yêu cầu cao nhất 3 triệu đồng/phòng/ngày. GS Giang cũng nhìn nhận, một số khoa quá đông bệnh nhân như chấn thương chỉnh hình, không gian phòng bệnh chật chội. Song ông khẳng định, không có việc BV dồn bệnh nhân BHYT để lấy chỗ cho giường dịch vụ. Các khu phòng của bệnh nhân BHYT đều được nâng cấp và bảo đảm điều kiện cơ bản, sạch sẽ.

Tại TP Hồ Chí Minh, ở BV Từ Dũ trong số 1.900 giường bệnh, có tới 829 giường dịch vụ, trong đó có tám giường giá hai triệu đồng/giường/ngày, 36 giường giá 1,5 triệu đồng, 106 giường giá 1,2 triệu đồng/giường/ngày. Tương tự, có nhiều BV mở giường dịch vụ. Theo lãnh đạo BV quận Thủ Đức, việc mở dịch vụ phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về tổ chức hoạt động và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở công lập, mà từ năm 2016 Bộ đã quy định. Trong đó quy định các điều kiện thu phí dịch vụ, tiêu chuẩn phòng, giường bệnh, trang thiết bị, nhân lực, giá dịch vụ. Qua một số lần điều chỉnh đã hình thành “chuẩn”: phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá bốn giường; trường hợp phòng có từ hai giường bệnh trở lên phải có tấm chắn, che ngăn cách giữa các giường bệnh... Việc đưa ra chuẩn này giúp người bệnh được hưởng lợi, không còn phải mua dịch vụ giá cao nhưng chất lượng dịch vụ thấp. Chất lượng dịch vụ phải đáng đồng tiền bát gạo mà người bệnh bỏ ra. Đồng thời hạn chế được tình trạng giá dịch vụ bát nháo, “nhảy múa” mỗi nơi một phách.

Cần cơ chế cho giám sát độc lập

Phía Bộ Y tế nhìn nhận, sau khi thông tin về dự thảo Thông tư “Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập” tới người dân, Bộ tiếp nhận nhiều ý kiến băn khoăn, trong đó lo ngại các bệnh viện công sẽ “tận thu” từ người bệnh, sử dụng cơ sở vật chất công để phục vụ khám chữa bệnh dịch vụ. Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ phù hợp với giá dịch vụ, tránh trường hợp dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng cung cấp. Theo đó, thông tư này quy định rất rõ, các bệnh viện chỉ được sử dụng các phần diện tích được giao để khám, chữa bệnh dịch vụ trong trường hợp đã thực hiện được các nhiệm vụ Nhà nước giao cho, trong đó có khám BHYT, không để bệnh nhân nằm ghép giường… Các BV cũng phải có đề án, trong đó nêu chi tiết sử dụng bao nhiêu phòng, diện tích làm dịch vụ, bảo đảm việc sử dụng khu vực này không ảnh hưởng đến nhiệm vụ Nhà nước giao. Về nguồn vốn xây dựng, BV cũng phải tự vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư, chứ không sử dụng ngân sách nhà nước. Các trang thiết bị vật tư cũng phải tính khấu hao để hoàn trả lại cho Nhà nước, không nhập nhèm để tăng thu.

Tuy nhiên, dư luận đánh giá, nếu so y tế tư nhân, với mức giá dịch vụ được thu tối đa mà Bộ Y tế đưa ra cho bệnh viện công theo dự thảo Thông tư là “quá đắt”. Thậm chí, mức giá đó cao hơn so với một số BV mang tầm chất lượng quốc tế. Trong khi đó, BV công được xây dựng trên quỹ đất của Nhà nước, thương hiệu được người dân xây dựng nhiều năm nay. Hơn nữa, hiện nay cơ chế BV công phải tự chủ tài chính, vẫn trong thực trạng đang quá tải nặng, nhu cầu của bệnh nhân cao, nay việc BV công tự thu và có thể “tận thu” sẽ làm khó cho nhiều bệnh nhân nghèo. Như vậy, sự phân biệt đối xử sẽ được thể hiện ở BV công ngày càng rõ rệt hơn. Theo đề xuất của PGS, TS, BS Nguyễn Hoài Nam - Trưởng khoa khám dịch vụ, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cần thành lập đoàn kiểm soát độc lập, nhằm đánh giá chất lượng của từng BV, khảo sát ý kiến của bệnh nhân và đưa ra mức giá chính xác nhất để ban hành dự thảo nhằm lắng nghe ý kiến của người dân và các cơ quan chức năng xem mức giá có khả thi và hợp lý hay không. Sau đó, Bộ Y tế ban hành mức giá hợp lý. Sau một thời gian thử nghiệm, Bộ Y tế cần đánh giá xem hiệu quả ban hành dự thảo về giá tự thu dịch vụ ở BV công như thế nào, và phải có lộ trình nâng giá từ từ, không nên gây khó cho bệnh nhân vì họ đã lên đến BV hạng đặc biệt chữa trị thì không thể đi đâu khám được nữa.

Theo một chuyên gia y tế, cho dù BV công có tự chủ hoàn toàn thì vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội và theo mức thu nhập trung bình của người dân. Dịch vụ ở BV công đặt ra chỉ nên phục vụ một phần người bệnh có yêu cầu, còn phần lớn là phục vụ cho bệnh nhân BHYT, tránh tạo khoảng cách, khác biệt quá lớn trong chăm sóc và điều trị. Điều mà các BV công cần làm là sự đầu tư hợp lý giữa những khu cho bệnh nhân có thu nhập thấp vẫn phải đầy đủ chứ không phải tập trung cho những khu dịch vụ để chỉ thu tiền vào. Và cần khẳng định, dù chi phí giường nằm dịch vụ của bệnh nhân có khác nhau, tất cả phác đồ điều trị đều phải giống nhau, không có sự phân biệt giàu hay nghèo, khám thường hay dịch vụ.

Theo dự thảo Thông tư, giá giường dịch vụ điều trị nội trú theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với các BV hạng đặc biệt như BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, 108, Trung ương Huế..., 1 giường/phòng - có khu tiếp khách riêng). Cùng hạng BV này, nếu loại 2 giường/phòng, giá sẽ là 2,5 triệu đồng/ngày. Loại 3 giường/phòng có giá 1,5 triệu đồng/giường, còn loại 4 giường/phòng, giá còn 1,3 triệu đồng/giường. Đối với các cơ sở y tế khác, trừ BV hạng đặc biệt, hạng 1, giá tối đa là 400 nghìn đồng/lần khám.