Những “vết thương” của làng quê (Tiếp theo và hết)

Kỳ 2: Rạn nứt âm thầm

Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên nhưng vắng người ở.
Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên nhưng vắng người ở.

Trong muôn bĩ cực buộc người dân không thể không đi làm ăn xa, cái được, cái mất đan xen. Nhiều gia đình vợ một nơi, chồng một nẻo nên tình cảm hun đúc bao năm bỗng chốc suy giảm, mỗi người theo đuổi một mục tiêu, con cái bơ vơ không nơi nương tựa... Phương thuốc để hàn gắn những vết thương ấy, thật khó tìm!

Bão làng

Đến nhiều ngôi làng có phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ), cảm nhận rõ nhất là sự giàu có. Phụ nữ thì sắm sanh quần là áo lượt. Đàn ông thì tụ tập nhậu nhẹt, mua sắm cả xe hơi. Nhưng những mâu thuẫn âm ỉ, những cuộc chia ly vợ chồng, đêm trắng đầy nước mắt, tổ ấm sụm ngã thì ít người biết đến hoặc bị giấu bớt đi. Không mấy người để ý nên lúc thống kê, nhìn con số mà giật mình. Ông Lâm Văn Điện, Chủ tịch UBND xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội), ngậm ngùi: “Xã tôi cũng có mấy chục đôi tan vỡ vì XKLĐ. Do thiếu hiểu biết về môi trường tập quán ở nước ngoài, nên người dân ta sang nước ngoài dễ phạm pháp, dễ bị dụ dỗ, sa đà vào các tệ nạn. Thường thì người vợ mà đi thì nguy cơ tan vỡ cao hơn, chắc phụ nữ ở xứ người, họ yếu đuối!?”.

Tiếp lời ông Điện, ông Lương Đại Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Triều, chỉ ra một “cơn bão” khác: “Có tiền nhưng con cái sống thiếu tình cảm nên cũng trơ lỳ cảm xúc. Nhiều người sau khi về nước rất khó tái hòa nhập cộng đồng, bởi quen với môi trường làm việc ở nước ngoài thu nhập cao, về nhà chán cảnh đồng áng đầu tắt, mặt tối. Nhiều người về thành ra thất nghiệp trên chính quê hương mình”.

Tìm hiểu mới thấy đằng sau vẻ hào nhoáng của những thôn làng giàu có là những cơn sóng ngầm, những bức bối không nói được với ai, bởi đó là chuyện của mỗi gia đình. Có những cặp đôi vợ đi xứ người bồ bịch, chồng ở nhà cũng tòm tem. Chuyện đó được miệng lưỡi dư luận thổi đến tai nhau rất nhanh. Thôn Phong Triều, Nam Quất (xã Nam Triều) vì thế liên tục xảy ra đổ vỡ tổ ấm. Có đôi vợ chồng nhà kia cãi nhau, bỏ vàng ra chia, thấy con cái khóc, họ không cầm lòng nhưng vẫn chia tay.

Ông Lâm Văn Tiếp, Trưởng thôn Nam Quất (xã Nam Triều) là một tấm gương dân vận ở địa phương. Ông bảo, ngay cả những gia đình không có ai đi xa cũng lắm chuyện. Với những gia đình có vợ hoặc chồng XKLĐ thì phức tạp hơn. “Họ đi xa, không tránh khỏi chuyện thiếu thốn. Có gia đình, anh A đi làm, gửi tiền về, vợ ở nhà có tiền lại sinh thói ăn chơi đua đòi và bị chồng phát hiện, dẫn đến ly dị. Ở nông thôn vợ chồng đánh nhau, bỏ nhau đã trở thành chuyện thường. Phát hiện sự việc chính quyền, cán bộ thôn vào cuộc. Chưa có trường hợp nào liên quan đến XKLĐ bỏ nhau mà chúng tôi hòa giải thành. Thật khó!”, ông Tiếp bày tỏ.

Những cuộc ly hôn cũng xảy đến ở không ít làng có người XKLĐ tại tỉnh Hưng Yên. Thôn Duyệt Lễ, Tần Tiến (xã Minh Tân - huyện Phù Cừ) là thí dụ. Cách đây ít tháng, tôi đến lấy thông tin tại trại giam Hoàng Tiến (đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương) đã gặp phạm nhân Phạm Văn Liệu, người mang án 20 năm tù giam về tội giết vợ. Nguyên nhân cũng vì chuyện vợ chồng xa nhau, Liệu cặp bồ với em họ của vợ. Theo trào lưu ở Phù Cừ, Liệu vay mượn tiền để đưa vợ đi Ma-lai-xi-a. Vợ Liệu là chị Trần Thị Cúc (người cùng thôn Tần Tiến với Liệu) rất chịu khó gửi tiền về để chồng trang trải, nuôi con. Nhưng chị lại luôn phải nhận tin không hay về chồng từ quê nhà. Không yên tâm, một ngày chị trở về thì bắt gặp chồng mình và người em họ làm chuyện tày đình. Đêm 15-11-2007, sau khi hai vợ chồng xảy ra xô xát, Liệu đã cướp đi mạng sống của vợ. Tìm hiểu ở xã Minh Tân (Phù Cừ), quá nhiều hoàn cảnh éo le, rớt nước mắt.

Những “cơn bão” khác âm ỉ và nguy hiểm, là nhiều người đi xa đã mang tệ nạn về làng như nghiện ngập, xảy ra ở các xã Quảng Phú, Bình Định (Lương Tài - Bắc Ninh); HIV/ AIDS ở xã Chính Lý (Lý Nhân, Hà Nam) và xã Lộc Bổn, Lộc Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế)… Hay như chuyện giàu xổi, chênh lệch giàu nghèo giữa những người “ra đi” và “ở lại” sinh ra không ít mâu thuẫn, kỳ thị, chê bai, đẩy người dân trong cộng đồng ngày càng xa nhau. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình làng nghĩa xóm, sự cố kết bao năm.

Thêm một vấn đề khác, mỗi năm Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), đưa hơn 100 nghìn người đi XKLĐ. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ em thiếu vắng cha mẹ ngày càng gia tăng. Thiếu sự chăm sóc từ cha mẹ nên nhiều em lêu lổng, chơi bời, dính vào nghiện hút, bỏ học. Ở một số xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã sinh trộm cắp và bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Không dễ tìm giải pháp căn cơ

Trước vấn đề này, PGS, TS Trần Thị Minh Thi (Viện Gia đình và Giới), nêu giải pháp: Trẻ em thiếu vắng cha mẹ là một hiện tượng xã hội. Bởi thế, cần có chính sách hỗ trợ trẻ em ở địa phương. Như Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Khi mẹ vắng nhà”, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho các cháu là con của những phụ nữ XKLĐ. Các cháu cũng được chia sẻ tâm tư tình cảm, được cán bộ hội phụ nữ giúp vững vàng hơn trong cuộc sống trong những ngày thiếu mẹ.

Lo lắng trước hiện trạng nông thôn, ông Lâm Văn Điện, Chủ tịch UBND xã Nam Triều, trăn trở: “Chúng ta vẫn khuyến khích đi XKLĐ bằng con đường chính ngạch để phát triển kinh tế. Nhưng hệ lụy là khó tránh. Để giảm cảnh đau lòng thì thanh niên cần phát triển kinh tế trên quê hương. Song chúng tôi còn lo ngại nữa là dân sẽ bỏ ruộng. Xã tôi đứng đầu huyện Phú Xuyên về cơ giới hóa, mà người dân còn chẳng tha thiết làm ruộng”.

Hỏi lãnh đạo xã Minh Tân, cách nào hạn chế người dân ly hương? Ông Trần Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã, kiến nghị: “Đề nghị các cấp quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chúng tôi cũng kiến nghị UBND huyện Phú Xuyên quan tâm hơn tới công tác xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tại xã. Chỉ khi làm nông nghiệp chất lượng cao, cho thu nhập tốt thì người dân mới yên tâm làm ăn ở quê hương”.

Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Xuyên, đề xuất thêm: “Cũng nên chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển và định hướng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đa dạng hóa hình thức dạy nghề phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu lao động cho các khu công nghiệp ở phía nam huyện; tổ chức thực hiện đồng bộ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thu nhập cho người ở lại địa phương”.

Nhìn sang huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, chục năm về trước nhiều làng quê cũng vắng bóng do người dân đi làm ăn xa. Hiện nay tình hình đang có sự thay đổi tích cực. Ông Nguyễn Chín Hiệp, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Lý Nhân, tâm sự: “100 người đi làm ăn xa thì 20% trong số đó mang tệ nạn về. Xã Nhân Khang là một thí dụ. Trước đây họ bỏ con đi bán bia ở ngoại tỉnh, con cái hư hỏng. Bây giờ thì khác. Người dân trong huyện nói chung đã tiếp cận làm việc ở các khu công nghiệp, làm trang trại, làm rau xuất khẩu tại địa phương cho thu nhập cao. Cuộc sống cũng đã tạm ổn. Không còn nhiều người có tư tưởng phải đi làm thật xa nữa”.

Một trong những hướng giải quyết ở xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) hay một số xã trên địa bàn thành phố Hà Nội là cần dành những diện tích đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Song, theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Xuyên, cơ chế quản lý của thành phố rất chặt, việc chuyển đổi đất đai không dễ dàng, do quy hoạch vùng trồng lúa và nhiều quy định ràng buộc.

Những “vết thương” của làng quê (Tiếp theo và hết) ảnh 1

Bố mẹ đi làm ăn xa, nhiều đứa trẻ được gửi lại cho ông bà ở thôn quê.

KTS Trần Huy Ánh, chuyên gia nghiên cứu cấu trúc làng, xã:

Khi làng không còn người trẻ, hoặc chỉ còn là chỗ ghé chân của người trẻ, kết cấu làng thay đổi. Thậm chí làng chẳng còn nét làng nữa. Cái được của nông thôn thì nhiều người thấy rõ, nhưng những vết rạn nứt từ văn hóa, quan hệ gia đình, láng giềng đang ngày càng rộng ra. Điều đó, trước hết, rất cần người dân - những thành tố quan trọng nhất của nông thôn phải suy nghĩ, tự điều chỉnh.