Chất lượng đời sống công nhân

Những số 0 ám ảnh

Công nhân (CN) đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) chiếm số lượng lớn là những người trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Khảo sát thực trạng đời sống của nhóm đối tượng này, có thể nói, họ “sở hữu” rất nhiều cái “không”: không có nhà riêng, không gia đình riêng, hầu như không vui chơi giải trí, không thể dục - thể thao…
Đời sống tinh thần của công nhân hiện rất nghèo nàn bởi phần lớn thời gian trong ngày phải dành cho công việc.
Đời sống tinh thần của công nhân hiện rất nghèo nàn bởi phần lớn thời gian trong ngày phải dành cho công việc.

Khoảng cách giữa tiêu chí và thực tế

Công nhân chiếm số lượng ngày càng đông tại các đô thị lớn, với đặc thù là nhiều người trẻ. Bởi vậy, đời sống CN những năm qua là vấn đề luôn được xã hội quan tâm. Viện Nghiên cứu Phát triển, trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất 12 nhóm tiêu chí để đo lường chất lượng cuộc sống của CN. Cụ thể, các tiêu chí vật chất gồm lương cứng phải đáp ứng đời sống tối thiểu cộng thêm 30%; có tiết kiệm, tích lũy sau tiêu dùng; công việc ổn định và có thăng tiến theo thời gian; có BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; được làm việc trong môi trường an toàn, thoáng mát; có nhà ở (không nhất thiết phải sở hữu) bình quân 10 m2/người; tiền thuê nhà không quá 30% tổng thu nhập; được xem kịch, sách một lần/tháng, du lịch một lần/năm, có điều kiện chơi thể thao; được tiếp cận internet trong phòng ngủ, nhà lưu trú… Các nhóm tiêu chí phi vật chất gồm: Có quan hệ tốt với đồng nghiệp, giới chủ và quản lý; hài lòng với công việc; chia sẻ được với bạn bè cùng phòng, người cùng nhà lưu trú, môi trường chung quanh và giữ được quan hệ tốt với gia đình.

Căn cứ trên các tiêu chí này, chất lượng cuộc sống của CN ở TP Hồ Chí Minh thực tế đã đáp ứng được bao nhiêu?

Chị Hải Duyên (quê Hậu Giang, CN may của một công ty ở KCN Tân Thới Hiệp, quận 12) ngại ngần khi được hỏi về công việc và cuộc sống hằng ngày. Chị Duyên cho biết, có những thời điểm hàng nhiều, phải tăng ca liên tục nên chị luôn cảm thấy mệt mỏi. “Nói không ai tin chứ nhiều khi đi làm về, ăn cơm xong là lên giường ngủ thôi. Không có thời gian làm gì cả. Ngủ thế nhưng sáng hôm sau đi làm vẫn mệt, vẫn ngáp ngắn ngáp dài. Chắc chắn là không chỉ riêng em, chuyện làm việc quá sức, tăng ca liên tục có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của công nhân nói chung…”, chị Duyên giãi bày.

Trong khi đó, chị Hoài Phương, đang làm CN tại KCN Tân Bình với thu nhập hằng tháng chỉ chừng trên dưới sáu triệu đồng. Tiền thuê phòng trọ mỗi tháng, tiền điện, tiền nước đã hết gần hai triệu đồng, cùng rất nhiều các khoản ăn uống, chi tiêu khác nên dù đã tiết kiệm hết mức có thể, chị cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu…

Theo ThS Nguyễn Thị Minh Châu (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), thực trạng CN phải làm tăng ca nhiều, thu nhập thấp, làm thêm giờ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của bản thân và gia đình người lao động. Thời gian dành cho gia đình (với những CN đã có gia đình) như chăm sóc, dạy dỗ con cái, gần gũi với chồng, con bị co hẹp lại. Cùng với đó, đời sống tinh thần của CN hiện rất nghèo nàn bởi phần lớn thời gian trong ngày phải dành cho công việc.

“Có thực mới vực được đạo”

ThS Trần Công Khanh, Ban Quản lý các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh, cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 17 KCX - KCN hoạt động trong tổng số 19 KCX, KCN được thành lập; tạo ra việc làm cho gần 290.000 lao động (trong đó có 70% số lao động là người từ các tỉnh), chiếm khoảng 26% số lao động làm việc tại các DN thuộc khu vực công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Công đoàn các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh năm 2018, khi khảo sát 11 doanh nghiệp FDI tại KCN Linh Trung I, mức lương cơ bản trung bình là 4,78 triệu đồng/tháng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng/tháng.

So sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh một con, thu nhập của hai vợ chồng tạm đủ trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ ở mức 300.000 đồng/tháng, nhưng có tới 9,1% không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình hai con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày…

Theo ông Khanh, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, phần nào những vấn đề bức xúc của người lao động trong các KCX, KCN đã được chính quyền thành phố quan tâm giải quyết, chất lượng cuộc sống của CN, người lao động từng bước được cải thiện và có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số khó khăn mà người lao động đang đối mặt như điều kiện nhà ở, nơi gửi trẻ, hạn chế về điều kiện vui chơi, giải trí và các dịch vụ cơ bản khác... cần phải được xem xét, giải quyết, nhằm giúp họ an tâm làm việc, cũng như giữ chân người lao động tay nghề cao cho doanh nghiệp và ổn định thị trường lao động của thành phố.

Việc nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho CN cần được thực hiện liên tục, thường xuyên. Trong đó, có thể tăng mức lương tối thiểu vùng để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của CN. Khi lương, thu nhập đủ sống căn bản, CN mới có thể nghĩ đến việc hưởng thụ đời sống văn hóa - giải trí, du lịch, âm nhạc, vui chơi để tái tạo sức lao động, hỗ trợ cho gia đình. Khi chất lượng cuộc sống của CN tốt hơn thì họ sẽ toàn tâm toàn ý cống hiến hết tâm sức cho sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần xây dựng thành phố…

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, nội dung giảm giờ làm, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận để hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.