Những ngư dân làm giàu… không từ biển

Nghề biển gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu và nguồn lợi thủy sản sụt giảm, khiến nhiều ngư dân ở Quảng Bình phải bỏ thuyền, bỏ lưới đi làm ăn xa. Nhưng, cũng có không ít người đã nỗ lực tìm cách chuyển nghề để lập nghiệp và làm giàu ngay trên vùng biển quê hương.

Anh Trần Kim Phi (đứng giữa) nuôi cá lóc trong ao xi-măng lót bạt khác với cách nuôi thông thường trên đất cát.
Anh Trần Kim Phi (đứng giữa) nuôi cá lóc trong ao xi-măng lót bạt khác với cách nuôi thông thường trên đất cát.

Nuôi cá không đào ao
 
 Rừng cây phi lao hai bên con đường về vùng cát huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn bàng bạc do ngậm nước lâu ngày từ trận ngập lụt năm ngoái. Có người dẫn đường song chúng tôi phải loanh quanh nhiều vòng ở thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, mãi gần trưa mới tìm được nhà anh Trần Kim Phi, người được mệnh danh “vua nuôi cá lóc”. Phải thuyết phục, anh Phi mới đồng ý dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống ao cá được xây dựng theo công nghệ mới, chủ động hoàn toàn cả trong điều kiện mưa lũ.
 
 Khoác thêm áo bảo hộ, Trần Kim Phi chạy xe máy đưa chúng tôi ra khu trang trại mà anh đang thực hiện mô hình nuôi cá lóc công nghệ cao. Đây vừa là nơi nuôi, vừa là kho chứa thức ăn cho cá, nuôi ếch và cũng là địa điểm thu mua cá lóc thương phẩm cho bà con trong vùng. Sát bên hiên nhà kho là hai hồ nuôi cá hình tròn có đường kính khoảng 6 m được xây kiên cố bằng xi-măng, bên trong lót bạt, phía trên che bằng lưới để giảm ánh sáng và nắng. Anh Phi mang ra một chậu nhựa nhỏ đựng thức ăn, gõ gõ vào thành chậu, đàn cá nghe tín hiệu quen thuộc nhao lên tranh thức ăn làm nước bắn tung tóe. Anh cho biết, mỗi hồ thả chừng một vạn cá giống, lên một tháng tuổi, anh tách đàn cá ra làm hai hồ để nuôi thương phẩm. Nước trong hồ được thay mỗi ngày, lượng thức ăn cũng được kiểm soát tốt nên cá sinh trưởng nhanh, ít bị dịch bệnh. Thông thường, cá nuôi hơn bốn tháng là xuất bán. Mỗi hồ thu chừng 2,5-3 tấn cá, cho lãi 15 triệu đồng.
 
 “Đây là mô hình nuôi cá không đào ao trên đất cát đầu tiên ở địa phương. Lợi thế của công nghệ mới là tiết kiệm được chi phí, diện tích, lại không quá phụ thuộc điều kiện thời tiết, không phải nạo vét hồ nên có thể nuôi quanh năm. Sắp tới, tôi thiết kế hồ theo hướng nhỏ gọn, bền vững hơn để có thể cẩu dịch chuyển đặt ở nhiều vị trí chứ không cố định như bây giờ. Kinh phí làm một hồ bằng xi-măng khoảng 20 triệu đồng”, anh Phi chia sẻ.
 
 Không chỉ đi tiên phong trong việc nuôi cá áp dụng kỹ thuật mới, anh Phi còn làm đầu mối cung ứng cá giống, thức ăn và thu mua cá lóc thịt cho bà con địa phương. Bình quân mỗi năm, anh thu mua khoảng 1.000 tấn cá thương phẩm tiêu thụ ở thị trường miền trung và miền bắc.
 
 Câu chuyện của chúng tôi ngay tại trang trại của Phi tạm dừng vì anh có lịch hẹn thu mua cá. Một xe ô-tô tải trờ tới, chở đầy cá lóc. Con nào con nấy to, đen bóng, quẫy tứ tung trong từng túi lưới được đặt trong các thùng nhựa chứa nước. Người phụ nữ bán cá nói, trước đây, nuôi cá phải tự tìm đầu ra, có những lúc chính vụ không có người mua phải đi bán lẻ trong từng chợ xã. Nay có anh Phi làm đầu mối cung cấp cá giống, thức ăn và mua cá thịt, còn hướng dẫn kỹ thuật nên yên tâm hơn. Ở xã biển bãi ngang, mùa vụ đánh bắt phập phù, nguồn lợi cạn kiệt thì việc nuôi cá, ếch trên cát đã giúp cho ngư dân có nguồn thu ổn định hơn.
 
 Tôi chợt nhớ lại lời của Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc Trần Kim Trung. Ông chia sẻ, cả xã hiện có hơn 300 hộ dân nuôi cá lóc. Mỗi năm, từ việc nuôi loại cá này mang lại nguồn thu cho bà con hơn 50 tỷ đồng. Nhiều gia đình ngư dân giàu lên nhờ nghề nuôi cá, mà anh Trần Kim Phi là một điển hình.
 
 Trồng “sâm trên cát”
 
 Về vùng biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh nghe chuyện khoai deo - gọi vui là “sâm trên cát” xuất ngoại thật rôm rả. Hàng chục năm trước, làng biển nghèo này sống nhờ… khoai nhưng nay, sản phẩm từ khoai lang được nâng tầm, trở thành đặc sản của Quảng Bình. Mà chỉ riêng khoai lang vùng cát này mới làm nên chuyện. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ninh Nguyễn Hữu Hải giải thích, khi trồng khoai lang, người dân thường vùi thêm lá phi lao, cây rười, cỏ rong để tạo nguồn khoáng hữu cơ cho cây nên củ ít bột mà ngọt hơn. Củ khoai lang sau khi được thu hoạch về, bà con ủ cho khoai lên đường rồi luộc chín. Sau đó thái lát mỏng và phơi nắng nhẹ cho vừa khô gọi là khoai deo.
 
 Ở vùng biển Hải Ninh đã có Hợp tác xã khoai deo hoạt động hơn chục năm nay nhưng còn ít người biết đến. Cô gái làng biển Nguyễn Thị Như Mận đã chấp nhận từ bỏ công việc ổn định, thu nhập khá, để khởi nghiệp với khoai lang. Chị quyết định thành lập Công ty TNHH Như Mận, đầu tư gần một tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và trang bị thiết bị khá hiện đại để sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Hằng năm, Công ty TNHH Như Mận xuất bán ra thị trường 60 - 80 tấn khoai deo thương phẩm, thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm. Khoai deo đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương, với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.
 
 Còn ông Nguyễn Hữu Hải có cái nhìn thực tế hơn về loại cây trồng dân dã nhưng đang giúp ngư dân làng biển của ông làm giàu. “Mỗi héc-ta đất cát trồng khoai lang cho năng suất khoảng 20 tấn củ, sau khi chế biến thành khoai deo được khoảng sáu tấn, bán giá 60 triệu đồng/tấn, đạt giá trị khoảng 360 triệu đồng/ha, cao nhất trong các loại cây trồng ở địa phương”, ông Hải nói.
 
 Chia sẻ với chúng tôi về những chuyển đổi sinh kế ở vùng cát ven biển, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình) Trần Đình Hiệp cho biết, nghề khai thác hải sản vùng biển bãi ngang ở miền trung, trong đó có Quảng Bình ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của con người. Sự chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp thực tế đã giúp nhiều ngư dân giảm bớt sự phụ thuộc thời tiết để có nguồn thu nhập ổn định và từng bước vươn lên có cuộc sống khấm khá. Năng động và sáng tạo, họ đã thích ứng được với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vững vàng neo lại trên chính quê hương mình.