Những “khoảng tối” trong bệnh viện

Liên tiếp những vụ việc tiêu cực được báo chí phản ánh thời gian gần đây như tại Bệnh viện (BV) Xanh Pôn (Saint Paul) Hà Nội, BV Tâm thần Thanh Hóa… gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn làm ăn gian dối nhằm trục lợi trên người bệnh ở một bộ phận cán bộ y tế, y, bác sĩ, cần cấp thiết có giải pháp ngăn chặn.

Hình ảnh que thử nhanh HIV bị bẻ đôi. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự điều tra trên VTV24.
Hình ảnh que thử nhanh HIV bị bẻ đôi. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự điều tra trên VTV24.

Sẽ khởi tố nếu sai phạm nghiêm trọng

Chung quanh vụ việc tại BV Xanh Pôn, lãnh đạo BV đã lên tiếng khẳng định: Không có chủ trương, không chỉ đạo cắt đôi que thử nhanh HIV tại Khoa Vi sinh y học. Sở Y tế TP Hà Nội đã yêu cầu BV rà soát lại tất cả các khoa, không riêng gì khoa, phòng liên quan vụ việc để làm rõ và xử lý nghiêm minh, không bao che.

Bệnh viện Xanh Pôn là bệnh viện hạng 1 của thành phố Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 1.800 lượt người tới khám ngoại trú, 50 người trong đó có xét nghiệm HIV. Nhưng trong vụ gian lận xét nghiệm này, Khoa Vi sinh y học cho biết, từ tháng 9 đến 11-2019, tại khoa đã cắt đôi 40 que thử, thử nghiệm trên 80 mẫu máu của bệnh nhân. Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thì: “Sự việc trên là hoàn toàn sai quy định của quy trình khám, chữa bệnh và xét nghiệm. Dù là test xét nghiệm chính thống, hay thử nghiệm thì việc cắt đôi que thử là hành vi sai phạm. Việc cắt đôi test xét nghiệm chắc chắn sẽ không bảo đảm cho ra kết quả xét nghiệm chính xác. Sở Y tế Hà Nội đã giao bộ phận chuyên môn kiểm tra, làm rõ sự việc. Sở Y tế Hà Nội cũng đang rà soát, đối chiếu sổ sách nhập tồn hóa chất, test thử tại BV để tìm ra sai phạm”, bà Hà thông tin.

Bàn về vụ việc, PGS, TS Nguyễn Nghiêm Luật - nguyên Trưởng khoa Hóa sinh (Trường đại học Y Hà Nội) khẳng định: Một mẫu xét nghiệm chỉ được dùng một que thử. Hành vi tự ý cắt đôi bộ dụng cụ xét nghiệm, hay trộn nhiều mẫu máu trước khi xét nghiệm là không thể chấp nhận được bởi hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả. Ông nhận định: “Việc trộn các mẫu máu quá nhiều trong một giếng hóa chất theo tiêu chuẩn sẽ không cho kết quả chính xác. Ðể có kết quả đúng, kỹ thuật viên phải tuân thủ theo đúng quy định của hãng sản xuất dụng cụ xét nghiệm. Nếu muốn cắt đôi que thử trong xét nghiệm thì trước đó phải có nghiên cứu và thực chứng bằng kết quả, để tránh việc chẩn đoán sai cho người bệnh.

Ðáng nói, sau khi vụ việc bị phát giác, trên mạng xã hội đã hình thành nhiều luồng dư luận khác nhau, gây hoang mang. Trước thực tế này, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã phát đi thông tin: Thành phố coi đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành Y tế cũng như của thành phố nên sẽ chỉ đạo xem xét nghiêm túc. Tuy nhiên, trước các vụ việc phức tạp, có yếu tố chuyên môn sâu như vụ việc này thì cần thời gian để xác minh, làm rõ. Vì vậy, cần chờ kết quả chính thức từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Những “khoảng tối” trong bệnh viện ảnh 1

Khoa Vi sinh y học Bệnh viện Xanh Pôn, nơi để xảy ra gian lận trong xét nghiệm.

Quyết liệt lấp khoảng trống

Khám, chữa bệnh là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người. Những sai phạm, sự cố y khoa xảy ra đã thể hiện rõ việc còn tồn tại những lỗ hổng, khoảng trống trong công tác giám sát, phát hiện sai sót tại các cơ sở y tế. Tuy rằng Bộ Y tế trong những năm qua đã ban hành rất nhiều quy chế hoạt động chuyên môn và nhiều hướng dẫn quy trình kỹ thuật - là những văn bản pháp lý để các BV thực hiện, nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, song ở một số đơn vị còn thực hiện chưa đúng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng từng nêu vấn đề, hạn chế lớn nhất trong quản lý hoạt động y tế là lực lượng thanh tra y tế quá mỏng. Mỗi Sở Y tế chỉ có 5 - 7 thanh tra, thậm chí ít hơn, trong khi công việc cần thanh tra lại rất nhiều nên không thể bao quát hết được. Ngoài ra, dù các cơ quan quản lý vẫn thực hiện thường xuyên công tác giám sát, kiểm tra, nhưng có thể nói những vụ việc như thế này không dễ phát hiện được thông qua hoạt động kiểm tra định kỳ.

Một chuyên gia y tế cho rằng, lỗ hổng để tồn tại những sai phạm còn do vấn đề y đức của một bộ phận y, bác sĩ không được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên. Vẫn còn một số ít cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực, gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có những sai phạm chủ ý nhằm mục đích trục lợi, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh đã gây bức xúc trong xã hội.

Nhằm hạn chế tình trạng này, thời gian tới, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở y tế về việc thực hiện những quy chế, quy trình đã được Bộ Y tế quy định. Cần triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế, đội ngũ y, bác sĩ cần thực hiện nghiêm túc các quy tắc mà Thông tư liên quan đến vấn đề ứng xử của cán bộ y tế đã được ban hành. Ðồng thời, cần thường xuyên tập huấn về quy cách ứng xử trong ngành y tế tới đội ngũ cán bộ y tế một cách sâu rộng hơn, để người dân có thể yên tâm khi phải tìm tới, phó thác sức khỏe, tính mạng của mình cho các y, bác sĩ.