Những cánh đồng bị bỏ hoang

Hàng nghìn héc-ta ruộng đồng màu mỡ bị bỏ hoang, không trồng cấy, chỉ đơn giản vì… “công việc khác” cho thu nhập cao hơn. Đã đến lúc cần nhận diện đúng thực trạng của vấn đề lãng phí nguồn tài nguyên đất để có được những chính sách đột phá về tích tụ ruộng đất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, góp phần tạo năng suất và thu nhập cao hơn cho người dân cũng như tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.
Những thửa ruộng hai vụ lúa ở xã Tiên Tân, TP Phủ Lý, Hà Nam đang bị bỏ hoang.
Những thửa ruộng hai vụ lúa ở xã Tiên Tân, TP Phủ Lý, Hà Nam đang bị bỏ hoang.

Kỳ 1: Khi người dân chán ruộng

Đứng trước những cánh đồng, thửa ruộng vốn được gieo cấy hai vụ lúa giờ mọc đầy cỏ dại, hoang hóa, nhiều người không khỏi xót xa. Căn nguyên dễ thấy, nhưng thật khó giải quyết tận gốc, bởi ngay cả các cấp chính quyền cũng đang lúng túng.

Bám ruộng thì… đói?

Nhiều cánh đồng thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh (Đông Sơn, Thanh Hóa) đã bị bỏ không cấy vụ mùa nhiều năm. Đồng đất màu mỡ nhưng chẳng còn hấp dẫn người dân như xưa nữa. Ông Nguyễn Xuân Ninh, Bí thư kiêm Trưởng thôn Kim Bôi, chia sẻ một nghịch lý: “Bây giờ nhìn ra ruộng đồng buồn lắm, cánh người già làm tuốt việc cấy hái. Lũ trẻ chẳng đứa nào ngó ngàng tới đồng ruộng. Không ít người còn bảo, thời buổi này có dở hơi mới làm ruộng. Biết là trồng lúa chẳng lời lãi gì nhưng chúng tôi già rồi, lương không có nên đành bám ruộng. Nếu cả bọn trẻ cũng bám ruộng thì… đói”.

Vì sao vậy? Ông Ninh nhẩm tính: “Ngày trước, mỗi vụ cấy có khi kéo dài cả tháng trời, nay chỉ dăm ba ngày là xong nhưng tất tần tật đều phải thuê. Mỗi sào cấy hai vụ/năm cần 400 nghìn đồng tiền cày bừa, gần 500 nghìn đồng giống lúa, 700 nghìn đồng phân bón, 800 nghìn đồng thuê cấy và nhổ mạ, 400 nghìn đồng thuê gặt; 200 nghìn đồng mua thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể công phơi sấy. Vị chi đầu tư cũng đã mất ba triệu đồng/sào/năm. Bình quân mỗi sào cả năm cũng chỉ thu được năm tạ, bán giỏi lắm được 3,5 triệu đồng. Thành ra, nếu làm một héc-ta lúa mà được mùa chỉ lãi khoảng 10 triệu đồng/năm, chưa bằng hai tháng lương công nhân.

Ông Ninh cũng đưa ra so sánh, hai vợ chồng con gái ông đều làm công nhân, mỗi tháng cũng có 9 đến 10 triệu đồng tiền lương. Cậu con trai sau khi học đủ thứ nghề thì quyết “ly nông bất ly hương” bằng nghề sửa chữa điện thoại, trừ chi phí mỗi tháng cũng có năm ba triệu để dành.

Những cánh đồng bị bỏ hoang ảnh 1

Nhiều cánh đồng ở Thanh Hóa bị bỏ hoang, người dân tiếc, nhưng đầu tư sản xuất thì thua lỗ.

Thôn Kim Bôi có 400 hộ dân, 1.700 nhân khẩu, có 63 héc-ta đất lúa và bỏ hoang 10 héc-ta. Trong đó người trong thôn chỉ cấy khoảng 37 héc-ta, còn lại là người xã khác đến mượn đất. Tình trạng tương tự đã diễn ra ở 11 huyện của Thanh Hóa. Năm 2017, các cơ quan chức năng đưa ra con số thống kê trên toàn tỉnh có hơn 1.100 héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Ngược ra tỉnh Hà Nam, thời điểm này đúng ra bà con đang chăm bón cho cây lúa. Nhưng nhiều diện tích lúa đã bị thay bằng… cỏ. Lúc chúng tôi thăm đồng của xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (Hà Nam), cả cánh đồng rộng mênh mông cũng chỉ có dăm ba người nông dân chăm bón lúa. Những năm trước Nguyễn Úy là một trong những xã có truyền thống trồng cây vụ đông trên đất hai lúa. Nhưng nay những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” đang bị bỏ hoang ngày một nhiều. Ông Nguyễn Văn Hùng, vừa tranh thủ ra thăm đồng, chia sẻ: Chúng tôi nhìn những diện tích đất vốn rất màu mỡ của quê mình đang bị bỏ hoang phí, cũng rất xót xa. Nhưng giờ tuổi cao, sức yếu, nhà lại chỉ có hai ông bà già nên không thể làm gì hơn được. Vợ chồng chúng tôi bây giờ cũng chỉ cấy được vài ba sào để lấy thóc ăn.

Ở Hà Nam, mặc dù Lý Nhân được xác định là huyện trọng điểm về nông nghiệp. Nhưng đây lại là một trong những huyện có diện tích đất lúa bị bỏ hoang nhiều nhất tỉnh. Nếu năm 2016 toàn huyện cả hai vụ người dân chỉ bỏ 30 héc-ta, thì đến vụ mùa năm 2018 và 2019 đã tăng lên hơn 100 héc-ta.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam, chỉ tính riêng vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh có hơn 300 héc-ta đất nông nghiệp hai vụ lúa bỏ hoang. Còn tại Hà Nội, diện tích bỏ hoang năm 2019 lên đến hơn 7.900 héc-ta, chiếm 95% là đất sản xuất lúa. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Ngược thời gian trở lại năm 2010, tình trạng bỏ ruộng diễn ra đến mức báo động. Năm 2013, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố thống kê tình hình bỏ ruộng, trả ruộng, đồng thời tổ chức ba đoàn khảo sát ở một số tỉnh trọng điểm. Trong số 45 tỉnh có báo cáo thì 20 tỉnh có hiện tượng bỏ ruộng, chín tỉnh có hiện tượng trả ruộng. Ở thời điểm đó, lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đã nhận định, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu sẽ diễn ra quá trình phân công lại lao động nông thôn. Việc hộ có ruộng đi làm việc khác có thu nhập cao hơn sẽ là tất yếu. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta, đất chật, người đông, lao động nông thôn dư thừa nhiều, thu nhập của người nông dân còn thấp thì việc bỏ ruộng, trả ruộng là không hợp lý. Người nông dân bỏ ruộng là trái với bản chất của họ, nhưng qua đó cũng phản ánh thực tế, có những chính sách đối với nông nghiệp, nông dân còn bất cập.

Cán bộ lúng túng

Thực trạng bỏ ruộng, chán ruộng đã diễn ra nhiều năm, chính quyền địa phương biết rõ nguyên do và ở cấp xã, cán bộ chủ yếu chỉ vận động người dân tích cực gieo cấy. Thậm chí lãnh đạo xã Sơn Hà (Phú Xuyên, Hà Nội) còn cử người ra đồng làm đất, gieo cấy thay dân.

Điều đáng nói, khi làm việc với một số địa phương, cán bộ cung cấp thông tin giảm bớt số diện tích bị bỏ hoang. Như ông Nguyễn Hữu Chi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, cho biết địa bàn huyện chỉ có vài hộ bỏ ruộng hoang. Khi chúng tôi đưa ra con số Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cung cấp là hơn 200 héc-ta lúa và một héc-ta rau màu, thì ông Chi chống chế: “Diện tích thực chưa nhiều bằng con số này”. Hay tại Mê Linh (Hà Nội), lãnh đạo huyện đưa ra con số khá lớn về diện tích đất bỏ hoang, nhưng ông Nguyễn Văn Giỏi, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm nói “không”. Phải đến khi chúng tôi đưa ra dẫn chứng từ cấp huyện thì ông Giỏi mới thừa nhận. Rõ ràng đang có độ vênh về con số báo cáo giữa các cấp quản lý.

Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên (Phú Xuyên, Hà Nội), bày tỏ: “Sau mấy vụ dân bỏ nhiều, năm nay lãnh đạo huyện chỉ đạo, chúng tôi vận động người dân và vụ mùa năm 2019 họ cấy gần kín hết các cánh đồng”. Khi hỏi chuyện người dân, được biết do càng cấy càng thua lỗ, nên chỉ làm gượng ép bởi sợ Nhà nước thu hồi, hoặc cố giữ đất chờ đền bù khi thu hồi làm dự án. Có người dân đưa ra lý lẽ: Quan trọng nhất là thu nhập chứ không phải sản xuất cái gì!

Nhiều hộ dân “mời” hộ khác mượn ruộng (miễn phí) để gieo cấy, giữ đất. Nhưng điều này gặp phải thực trạng, như phân tích của ông Tạ Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Giảm nghèo và An sinh xã hội (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn): “Người mượn ruộng có tư duy rằng họ đi gieo cấy chỉ để đỡ tiếc, ruộng họ đang gieo cấy không phải ruộng nhà mình, nên không đầu tư nhiều công sức, kỹ thuật, cải tạo đất. Vậy nên chắc chắn hiệu quả không cao”.

Là đơn vị quản lý ngành dọc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết hiện tượng bỏ ruộng “đã nguy cấp lắm rồi”, và đã có tham mưu cho các cơ quan cao hơn. Hằng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch sản xuất theo mùa vụ, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp chính quyền địa phương tập trung hướng dẫn, đôn đốc người nông dân tích cực sản xuất; thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; các địa phương đã thực hành tốt việc hỗ trợ các dự án mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể hơn về những xã, huyện thực hiện tốt trong xây dựng mô hình hiệu quả thì lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chỉ kể được một vài trường hợp. Đúng thôi, bởi nếu việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa được thực hiện tốt, đã chẳng có nhiều diện tích bị bỏ hoang đến thế, với hơn 7.900 héc-ta!?

(Còn nữa)