Nhức nhối rác thải, nước thải

Kỳ 3: Sẽ giám sát đến cùng

Sau khi Nhân Dân cuối tuần số 10 và 11 (ra ngày 10 và 17-3), đăng tải vệt bài phản ánh những bất cập trong xây dựng, vận hành, quản lý và quy hoạch các trạm, nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn TP Hà Nội, nắm bắt thông tin và trao đổi với phóng viên về trách nhiệm giám sát cũng như một số tồn tại, ông Vũ Ngọc Anh, Phó trưởng Ban Ðô thị (Hội đồng nhân dân TP Hà Nội) cho biết, do một số đơn vị quản lý thiếu sát sao, nên theo luật sẽ giám sát đến cùng.

Ðoàn giám sát Ban Ðô thị, HÐND TP Hà Nội kiểm tra trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Ðan Phượng. Ảnh: Vũ Cúc
Ðoàn giám sát Ban Ðô thị, HÐND TP Hà Nội kiểm tra trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Ðan Phượng. Ảnh: Vũ Cúc
Nhức nhối rác thải, nước thải ảnh 1

- Thưa ông, thực trạng môi trường đô thị, không ít cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Hà Nội hiện nay ô nhiễm khá nặng. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo vệ môi trường đã được quan tâm đúng mức hay chưa?

- Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác thu gom, xử lý nước thải (XLNT) tại CCN luôn được thành phố quan tâm. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU ngày 9-9-2011 về “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững”, trong đó giao UBND thành phố Hà Nội xây dựng Ðề án XLNT tại các CCN và CCN làng nghề gây ô nhiễm môi trường; Chương trình “Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011-2015”, trong đó xác định mục tiêu “giai đoạn 2011-2015 bảo đảm 100% các khu, CCN có hệ thống XLNT, rác thải bảo đảm quy chuẩn”.

Từ tháng 8-2016, chức năng quản lý nhà nước đối với việc đầu tư các hệ thống này tập trung tại các CCN được chuyển giao từ Sở Công thương Hà Nội về Sở Xây dựng Hà Nội. Với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động quan trắc môi trường nước thải, công tác thu phí bảo vệ môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn có không ít công trình XLNT được xây dựng đã 10 năm nhưng không hoạt động. Một số công trình chậm tiến độ xây dựng. Nhiều CCN “trắng” trạm XLNT. Ban đô thị, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội có giám sát vấn đề này?

- Năm 2017, chúng tôi đã giám sát về lĩnh vực XLNT và tiến tới xây dựng chương trình giám sát lĩnh vực xử lý rác thải. Kết quả giám sát năm 2017 đã chỉ rõ, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các CCN (giai đoạn 2014-2015) chậm so với lộ trình và còn nhiều bất cập. Một số dự án đầu tư hệ thống tập trung nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, cụ thể: hai cụm đã đầu tư hoàn thành đồng bộ hệ thống nhưng không hoạt động, không định kỳ bảo dưỡng nên nhiều hạng mục đã xuống cấp, là Tân Triều (Thanh Trì), Duyên Thái (Thường Tín); sáu cụm đã đầu tư cơ bản hoàn thành hệ thống XLNT nhưng chưa đi vào hoạt động do chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý như: giấy phép xả thải, nghiệm thu hoàn thành công trình bàn giao đi vào sử dụng, chưa hoàn thiện đấu nối thu gom nước thải về trạm; sáu cụm đã có hệ thống hoạt động ổn định nhưng công suất vận hành thực tế thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế.

Việc triển khai xây dựng Ðề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại 19 CCN trên địa bàn TP Hà Nội (giai đoạn 2016 - 2020) cũng chậm, còn vướng mắc, cụ thể: Sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước đối với việc đầu tư các hệ thống XLNT tại các CCN từ Sở Công thương (tháng 8-2016), đến nay Sở Xây dựng phối hợp cùng Công ty Phú Ðiền mới thực hiện hoàn thành công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, chưa xây dựng được phương án, kế hoạch đầu tư xây dựng theo chỉ đạo.

Tôi xin nói rằng, với những trạm đã được xây dựng, nếu hoạt động hiệu quả thì đã cải thiện đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường rồi. Công trình có mà để đắp chiếu là lãng phí lớn. Do đó, bên cạnh kết quả giám sát về XLNT, chúng tôi sẽ tổ chức giám sát về hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Về hoạt động xây dựng, vận hành các trạm, nhà máy XLNT theo luật chúng tôi sẽ giám sát đến cùng, tránh để làm ngơ, gây lãng phí thêm.

- Kế hoạch đã có, đề án cũng được xây dựng, nhiệm vụ cũng đã giao cho các đơn vị. Vậy điều gì đã khiến việc đầu tư, xây dựng, vận hành hệ thống XLNT chưa được hiệu quả như mong muốn?

- Về khách quan, do lịch sử, nhiều CCN trước đây hình thành từ các điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề, trước khi có Luật Bảo vệ môi trường, nên có quy mô nhỏ, không bố trí quỹ đất xây dựng hệ thống XLNT; Công tác đền bù, bồi thường GPMB ở một số điểm gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực ngân sách thành phố, quận, huyện bố trí để đầu tư xây dựng hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các Sở Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng thiếu sát sao, chưa quyết liệt. Sự phối hợp giữa các sở này cũng chưa kịp thời, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền một số quận, huyện, xã, phường chưa quan tâm đúng mức, đây là nguyên nhân chủ yếu. Công tác thống kê, điều tra, khảo sát, tính toán lưu lượng xả thải chưa chính xác dẫn đến nhiều trạm có công suất thiết kế vượt quá lưu lượng nước xả thải thực tế, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Việc lập thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chưa tốt.

Ðó là chưa kể đến một số chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về quan trắc môi trường tự động. Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý.

- Trong Nghị quyết Ðại hội lần thứ XVI, Ðảng bộ TP Hà Nội cũng đã đề ra mục tiêu, đối với các CCN đã đi vào hoạt động, năm 2019 sẽ đạt 100% có hệ thống XLNT tập trung. Nhưng đến nay mới chỉ đạt hơn 60%. Theo ông, cần phải có biện pháp gì để các dự án hoạt động hiệu quả hơn, góp phần cải thiện môi trường, tránh lãng phí?

- Trước hết, UBND thành phố Hà Nội cần giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể, thống nhất đánh giá thực trạng đầu tư và nghiên cứu phương án quản lý vận hành hệ thống XLNT toàn bộ các CCN. Trên cơ sở đó đề xuất phương án, kế hoạch cụ thể về đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hệ thống, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các sở phải đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ cam kết về xây dựng hệ thống thu gom và XLNT.

Theo tôi, Sở Xây dựng Hà Nội cũng phải khẩn trương hoàn thành Ðề án xây dựng giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn theo quy định. Hoàn thành Ðề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tại các CCN giai đoạn 2016-2020.

Thành phố cần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá thực trạng và giao trách nhiệm cụ thể cho chủ đầu tư CCN làng nghề Tân Triều (Thanh Trì), cụm tiểu thủ công nghiệp Duyên Thái (Thường Tín) có kế hoạch, phương án thực hiện việc nâng cấp và đưa vào hoạt động hệ thống XLNT đã được đầu tư xây dựng, tránh lãng phí.

Ðối với các CCN chưa được đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, lượng xả thải ít, có vị trí gần nhau, nghiên cứu phương án kết hợp đấu nối thu gom nước thải của các cụm để đầu tư xây dựng hệ thống XLNT.

Ðối với khu vực không phù hợp với quy hoạch, không đáp ứng được yêu cầu tại Ðiều 4, Ðiều 5 của Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14-10-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần có lộ trình, chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có phương án di chuyển vào các CCN phù hợp quy hoạch. Trong thời gian chưa thực hiện việc điều chuyển này, cần giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư và vận hành hệ thống XLNT nội bộ để bảo đảm nước thải khi xả ra môi trường đạt đủ điều kiện cho phép.

Cuối cùng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở không chấp hành. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý những cơ quan, đơn vị thuộc thành phố để xảy ra tình trạng kéo dài các tồn tại, hạn chế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!