Nhức nhối rác thải, nước thải

Kỳ 2: Bịt lỗ hổng lãng phí, thất thoát vốn đầu tư

Công tác quy hoạch các nhà máy xử lý nước thải (XLNT), xử lý rác thải (XLRT) thời gian qua nhìn chung không chỉ thiếu và yếu mà việc quản lý, vận hành cũng không được sát sao, dẫn đến lãng phí tài sản của Nhà nước. để xây dựng, vận hành và quản lý tốt các trạm, nhà máy này hiệu quả, cần sự phối hợp tốt của các cấp, các ngành, chứ không phải là “đá quả bóng trách nhiệm sang nhau”.

Việc xử lý rác thải, nước thải ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội còn quá nhiều bất cập, khiến nhiều khu vực trở nên nhếch nhác.
Việc xử lý rác thải, nước thải ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội còn quá nhiều bất cập, khiến nhiều khu vực trở nên nhếch nhác.

Đùn đẩy trách nhiệm

Trong quá trình tìm hiểu về các công trình gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, chúng tôi thật khó tìm ra trách nhiệm của các đơn vị chịu trách nhiệm trong XLNT, XLRT cũng như hoạt động đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy. Chẳng hạn, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đơn vị này giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội. Liên hệ làm việc rất nhiều lần, chuyên viên của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội không cung cấp thông tin mà tiếp tục đề nghị liên hệ với Sở Xây dựng. Sau nhiều lần yêu cầu làm việc, Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) chỉ trả lời vỏn vẹn mấy dòng thông tin rồi yêu cầu phóng viên gặp Sở Công thương Hà Nội và Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội.

Trong khi đó, trong Kế hoạch số 189/KH-UBND, ban hành ngày 30-12-2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc Phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị giai đoạn đến năm 2020, có giao nhiệm vụ rất rõ cho Sở Xây dựng Hà Nội: “Lập kế hoạch và phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên cho công trình xử lý nước thải đô thị để có cơ sở công bố, kêu gọi mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hoặc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện; Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thoát nước, XLNT trọng điểm, cấp bách trên địa bàn bảo đảm kế hoạch, chất lượng và tiến độ, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước Nhà máy XLNT Yên Xá; Triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước Nhà máy XLNT Phú Đô theo hình thức BOT; Xúc tiến Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước Nhà máy XLNT Tây sông Nhuệ giai đoạn I…”.

Một điểm nữa, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu, đến năm 2020, 100% nước thải tại cụm công nghiệp đều phải được xử lý. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ tháng 9-2016, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ và có tính đột phá như: Chuyển giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này từ Sở Công thương Hà Nội sang Sở Xây dựng Hà Nội.

Vậy, vì lý do gì Sở Xây dựng Hà Nội chậm trễ trong cung cấp thông tin cho báo chí?

Tìm kiếm thông tin ở một đơn vị khác, ngày 23-1-2019, phóng viên đã gửi Công văn số 59-CV/ND của Báo Nhân Dân tới BQLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội hẹn sau Tết Nguyên đán cho cán bộ cấp dưới làm việc với phóng viên. Ngày 13-2 (tức mồng 9 tháng Giêng), phóng viên đến thì một số phòng của đơn vị chưa làm việc. Sáng 14-2, tiếp tôi là chuyên viên tên Linh, chỉ nói sẽ cung cấp thông tin về vấn đề môi trường, trong khi đó Công văn đề nghị làm việc là vấn đề quản lý và đầu tư công trình cấp nước, thoát nước cũng như những vướng mắc trong hoạt động này (?!).

Sau nhiều ngày chờ đợi, mãi đến ngày 6-3-2019, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, cho biết một số vấn đề: “Hiện đơn vị đang thực hiện 12 dự án liên quan đến lĩnh vực XLNT và một số công trình xử lý rác. Khó khăn lớn trong XLRT là thiếu đất, người dân trong khu vực phản đối việc xây dựng. Trong khi hầu hết các dự án XLRT có công nghệ hiện đại vẫn đang chờ kêu gọi đầu tư. Về XLNT, các dự án này rất khó thu hút nhà đầu tư theo hình thức BOT vì mức thu phí của thành phố còn thấp. Về nguồn ngân sách, từ năm 2013 đến nay, thành phố không bố trí vốn cho các dự án lớn, mà chỉ đầu tư một số dự án thoát nước cục bộ”.

Để không lặp lại khủng hoảng xử lý rác tại Sóc Sơn

Nhiều năm qua, chúng tôi đã nỗ lực tìm hiểu các giải pháp về xử lý chất thải rắn (CTR), nhưng các chuyên gia đều thống nhất là việc XLNT tại các khu dân cư, làng nghề tồn tại nhiều vấn đề nan giải là bởi nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư đang hoạt động sản xuất nhưng không có hệ thống XLNT và rác thải tập trung. Tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất không được xử lý sơ bộ, xả thải trực tiếp ra môi trường chung quanh, gây ô nhiễm môi trường rất lớn cho các con sông, kênh rạch trên địa bàn.

Theo một số cơ quan chức năng, thành phố có 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, trong đó chỉ có 21 cụm công nghiệp có nhà máy XLNT. Về rác thải, trong 17 khu xử lý chất thải được quy hoạch, có 8 khu hiện hữu đã và đang được nâng cấp, mở rộng và bốn khu đã và đang được đầu tư xây dựng mới. Thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp hai khu xử lý có quy mô lớn, trọng điểm là khu xử lý CTR Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn và Khu xử lý CTR Xuân Sơn tại thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là ở các quận nội thành chủ yếu được thu gom và phân luồng vận chuyển về hai khu này, với tổng khối lượng tiếp nhận đến 5.300 tấn/ngày (tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn khoảng 5.515 tấn/ngày). Lượng chất thải nhiều, đường vận chuyển xa, chật hẹp, hay bị tắc nghẽn. Chính điều này đôi khi đã gây quá tải cho hai khu xử lý CTR, dẫn đến ùn ứ, khó xử lý dứt điểm. Bài học về sự “khủng hoảng” rác ở Khu xử lý CTR Sóc Sơn đầu tháng 1-2019 vẫn còn đó.

Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, đánh giá: Lượng rác thải sinh hoạt lớn, không được phân loại tại nguồn. Công tác thu gom và vận chuyển từ nguồn thải đến nơi xử lý với khoảng cách xa, chưa hiệu quả. Công nghệ lạc hậu, việc XLRT vẫn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp tại các khu xử lý tập trung hoặc các bãi tạm thời, vẫn xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường chung quanh, nhất là ô nhiễm do nước rỉ rác, ô nhiễm không khí, có nơi là nguyên nhân gây bức xúc cho người dân, gây gián đoạn việc vận chuyển.

Yếu tố chính là quy hoạch

Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng: Thành phố cần có thêm các quy hoạch về khu XLRT, XLNT hợp lý trước áp lực dân số đô thị tăng, nhằm thu gom tốt hơn lượng rác thải sinh hoạt tại các quận, huyện. Đồng thời, vấn đề chiến lược là cần đầu tư công nghệ để chống ô nhiễm môi trường. Cụ thể hơn, hiện nay việc đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, xây mới chỉ tập trung đầu tư các khu xử lý tại vùng I (Sóc Sơn) và vùng III (Xuân Sơn). Trong khi đó, vùng II-phía nam và đông nam thành phố Hà Nội chưa có nhà máy nào hoạt động.

Nhức nhối rác thải, nước thải ảnh 1

Nhà máy XLNT Cầu Ngà (Hoài Đức) chưa đủ sức “căng mình” giúp cải tạo nguồn nước cho cả làng nghề.

Để nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện theo Quy hoạch xử lý CTR Thủ đô Hà Nội, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương, chỉ đạo cụ thể nhằm tập trung đẩy nhanh đầu tư các dự án XLRT theo quy hoạch; đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, với một số nội dung trọng tâm: “Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải sinh hoạt tập trung áp dụng công nghệ hiện đại, giảm tỷ lệ chôn lấp, tiết kiệm tối đa diện tích đất, bảo đảm hiệu quả kinh tế, giảm tối đa cự ly vận chuyển chất thải đến các khu xử lý. Cụ thể, thành phố đã và đang tập trung đầu tư xây dựng một số nhà máy XLRT bằng công nghệ hiện đại, phấn đấu hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2021: Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm thuộc Khu xử lý CTR Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn); Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), công suất 1.500 tấn/ngày, đêm; Nhà máy xử lý CTR chuyển thành năng lượng, công suất 1.500 tấn/ngày, đêm tại Khu xử lý CTR Xuân Sơn (Ba Vì)”.

Đó là phần “cứng”, còn phần “mềm”, đã đến lúc cần có tiếng nói của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội trong việc giám sát trách nhiệm của các đơn vị trong thực thi nhiệm vụ.

(Còn nữa)

Vấn đề xử lý rác thải, nước thải trong nội đô, khu đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề… đều đang gặp khó khăn. Các kế hoạch, quy hoạch đã có, nhưng đòi hỏi phải hiệu quả, thiết thực, đồng thời cần đến sự nỗ lực của các đơn vị, các cấp quản lý của thành phố và quận, huyện.