Như nguồn nước ngọt lành…

Trong gần hai tháng, khoảng 300 cuốn lịch phong cảnh, em bé Việt đã được bán hết tại Bỉ. Cách nay chỉ khoảng một tuần, Trần Hoàng Mai Anh - Hoa hậu Áo dài phu nhân châu Âu 2018 cũng tự tay tặng xong 50 món quà cho nhân viên ở thành phố Opole (Ba Lan) mừng năm mới 2020.

Nhóm bán hàng từ thiện tại Tết Việt ủng hộ Cơm có thịt.
Nhóm bán hàng từ thiện tại Tết Việt ủng hộ Cơm có thịt.

Tết bắt đầu từ Cơm có thịt

Nặng nhọc và cồng kềnh nhất là lịch. Đây cũng là sản phẩm phải in, bán và trao tay cả tháng trước Tết Dương lịch mới ý nghĩa. Hiện chưa có nguồn vận chuyển ổn định, nhưng chương trình Cơm có thịt (CCT) tại Bỉ trung bình mỗi năm vẫn bán 200 cuốn lịch, riêng năm nay đã bán được khoảng 300 cuốn để góp tài chính cho Quỹ Trò nghèo vùng cao.

Nguyễn Hồng Điệp, người phụ trách CCT tại Bỉ từ 2011 cho biết, nguồn mang lịch từ Việt Nam sang khá đa dạng: người thân, mạng lưới bạn bè, kêu gọi qua facebook của CCT tại Bỉ và qua Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ, nhờ đồng nghiệp Bỉ trong công ty và đối tác của công ty bên Việt Nam. Hoàn toàn miễn phí công vận chuyển. Hàng trăm cuốn lịch sang châu Âu trong vali của những người có tấm lòng với trẻ em nghèo vùng cao ở Việt Nam đã là một kỳ công. Rồi làm thế nào bán và giao đến tận tay người mua khắp nước Bỉ mà không phải gửi bưu điện lẻ tẻ từ 1- 2 cuốn, phí gửi cũng bằng tiền mua lịch? Lại cần thêm nhiều tấm lòng tận tâm giúp đỡ.

Như nguồn nước ngọt lành… ảnh 1

Trần Hoàng Mai Anh đưa con trai đi siêu thị mua muối ngày đầu năm.

Hằng năm, chị Trần Thị Hồng ở thành phố Gent vẫn đặt trung bình 10 cuốn lịch CCT của Nguyễn Hồng Điệp (ở Namur). Để tiện một công chuyển bưu điện, vài năm nay chị kêu gọi thêm bạn bè mua lịch rồi nhờ tiếp các mối quen hoặc tự tay chuyển tới những người quanh Gent và các vùng lân cận. Làm như vậy sẽ có cơ hội bán được nhiều lịch hơn và người mua ít cũng không thấy ngại. Cứ thế mà “góp gió thành bão”. Một số sinh viên Việt ở đây thường mua lịch để tặng các giáo sư, người gốc Việt thì mua tặng sếp hoặc đồng nghiệp... Riêng chị Hồng mấy tháng vừa qua đã bán, giao được 60 cuốn lịch tại Bỉ. Ở Việt Nam, nếu mua một cuốn lịch giá 50 nghìn đồng sẽ góp được 30 nghìn đồng cho quỹ CCT, theo cách tính trước đây (không trượt giá) đã góp được thịt cho sáu bữa ăn của các cháu. Nhưng tại Bỉ, nếu ai đó mua một cuốn lịch với giá 7 EUR, đồng nghĩa góp được 6 EUR tương đương 30 bữa ăn có đủ chất đạm cho các cháu. Chị Hồng tâm đắc: “Chỉ bán và mua một cuốn lịch thôi đã làm nên việc lớn như thế, vui lắm chứ! Bản thân mình cũng thấy có thêm năng lượng để tiếp tục làm việc”.

Chuẩn bị cho Tết Việt 2020 của Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ dự kiến diễn ra vào ngày 2-2-2020 tại Brussels, chương trình CCT tiếp tục được đăng ký một gian hàng bán đồ ăn. Từ năm 2013 đến nay, Ban tổ chức Tết Việt luôn ưu ái dành cho CCT một gian hàng miễn phí để bán chè, bánh... gây được nguồn tài chính ổn định cho CCT tại Bỉ. Những người làm CCT đang lên thực đơn, nghĩ thêm món tráng miệng mới để bán đắt hàng hơn trong Tết Việt 2020. Tất cả đều mong góp phần nhỏ bé vào việc cải thiện chất lượng sống của những em nhỏ đang gặp khó khăn ở vùng cao Việt Nam và lan tỏa tinh thần: yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi.

Đầu năm mua muối, cuối năm… gói bánh chưng

Hoa hậu Áo dài phu nhân châu Âu 2018 Trần Hoàng Mai Anh và chồng là anh Nguyễn Đoàn Dũng hiện sở hữu khoảng 20 thương hiệu kinh doanh bao gồm hệ thống nhà hàng Thai Express, nhà hàng Việt, nhà hàng Ba Lan và các salon mát-xa Thái tại 10 thành phố thuộc Ba Lan. Vào dịp Tết Dương lịch, các con của anh chị cũng “vào guồng”, tất bật phụ bố mẹ đi phát quà, mừng tuổi cho khoảng 200 nhân viên toàn hệ thống. Công ty còn tổ chức một bữa tiệc chung để cùng nhân viên mừng năm mới. Và dĩ nhiên, công ty của người Việt nên đón năm mới cũng theo truyền thống Việt.

Như nguồn nước ngọt lành… ảnh 2

Nguyễn Đoàn Dũng mừng tuổi cho nhân viên tại Ba Lan.

Đã thành nếp, mồng Một Tết, Mai Anh thường dắt con trai đi siêu thị mua muối, mong mọi sự may mắn tốt lành. Còn cuối năm, tự tay cô và các nhân viên gốc Việt tổ chức gói bánh chưng làm quà Tết cho người làm công đồng hương trong toàn hệ thống nhà hàng ở Ba Lan. Nhân viên Ba Lan, Ukraina cũng được ông bà chủ mời nếm bánh chưng trong ngày đầu năm mới. Nghi thức này tổ chức thường xuyên đến nỗi có nhân viên Ba Lan làm việc lâu năm còn biết được bánh chưng năm nay nhiều nhân hơn, rền dẻo hơn năm ngoái. Mai Anh kể: “Trước đây tôi vẫn tổ chức gói bánh chưng ngay tại nhà hàng, luộc bằng bếp ga. Vài năm trở lại đây bận nhiều việc mới, không tự gói được nhưng tôi vẫn đặt khoảng 20 chiếc bánh để làm quà tặng nhân viên người Việt”.

Nếu không phải đi công tác xa, thế nào ở nhà cũng phải cúng ông Công, ông Táo và làm mâm ngũ quả đêm giao thừa. Đó là chuyện trong gia đình một người gốc Việt tại bắc California (Mỹ). Sang Mỹ từ năm 2004, anh Trung Phan đang là kỹ sư công nghệ thông tin của Google, còn vợ anh, chị Mai Nguyễn là tiến sĩ miễn dịch học và vi sinh, hiện làm nghiên cứu cho một công ty dược tại Mỹ. Nói về Tết Việt xa xứ, Mai Nguyễn chia sẻ: “Không thể đầy đủ cầu kỳ, nên mình tập trung nấu mấy món truyền thống như đồ xôi gấc, luộc gà, nấu miến gà, rán nem. Rồi mấy gia đình bạn bè tụ tập gói bánh chưng, mỗi lần cũng làm đến vài chục cái, chia nhau mang về tự luộc”.

Người Việt xa quê nên rất dễ gắn kết. Chỉ cần vài ba đồng hương hợp tính, đồng sở thích là có thể nổi bếp ga nấu bánh chưng chung được rồi. Vào thời điểm năm hết, Tết đến, không khí thật lý tưởng để lập một nhóm nho nhỏ, cùng ăn món quê và ngồi bên nhau rôm rả chuyện cũ, mới bằng tiếng mẹ đẻ. Rồi lại nhen nhóm lên nhu cầu, giá ngày đầu năm mới được đi đâu đó vừa có thiên nhiên vừa có chốn thiền để chiêm nghiệm về một khoảng thời gian vừa trôi qua thì tốt biết bao. Sống ở đâu cũng hay nghĩ về một chốn nương náu, thanh lọc tâm hồn như vậy. Tại San Jose cũng có chùa Việt, nhưng nhà chị Mai Nguyễn thường cùng mấy gia đình bạn bè rủ nhau mồng Một đi chùa Kim Sơn nằm xa khu dân cư hơn - “Chùa ở trên núi, lái xe vòng vèo có cảm giác như đang hành hương vậy. Thú vị lắm”.

Con cái của người gốc Việt ở San Jose còn có trường Việt ngữ đặt ngay trong khuôn viên chùa Đức Viên. Có đủ lớp cho các lứa tuổi, học kín hai buổi sáng, chiều chủ nhật. Đông nhất vẫn là lớp học tiếng Việt của trẻ mẫu giáo, giáo viên đều là tình nguyện viên. Cha mẹ chỉ đóng mức phí khoảng 180 USD/năm, học xong bài các cháu được tập trung vào hội trường nghe giảng giáo lý nhà Phật trong khoảng 15 phút. Mai Nguyễn kể, “họ dạy trẻ con hay lắm. Cứ thế mà thấm và ngấm dần lẽ sống như thế nào cho có ích, yêu thương gia đình, hòa đồng và biết giúp đỡ người khác”.

Đầm ấm, sum vầy, những phong tục, lẽ sống truyền thống như nguồn nước ngọt lành để các thế hệ gốc Việt sinh ra ở nước ngoài bén rễ vào cội, lớn lên, biết hân hoan trước những mùa xuân mới và biết tìm kiếm, tự tạo nên những mùa Tết Việt vừa riêng biệt về văn hóa, vừa đậm đà trao tặng yêu thương.