Nhọc nhằn nghề lái xe buýt

55 tuổi là độ tuổi nghỉ hưu của lái xe buýt. Tuy nhiên, trong thực tế, đến độ tuổi này chỉ còn một số ít người bảo đảm điều kiện sức khỏe để trụ lại với nghề.

 Đội ngũ lái xe, phụ xe luôn phải chịu nhiều áp lực.
Đội ngũ lái xe, phụ xe luôn phải chịu nhiều áp lực.

Một ngày làm việc của ông Nguyễn Hồng Chiến - “bác tài” với hơn 20 năm kinh nghiệm, chạy tuyến 01 (bến xe Yên Nghĩa - bến xe Gia Lâm) thường bắt đầu từ 4-5 giờ sáng, và kết thúc vào khoảng 9-10 giờ khuya. Trước khi đi làm, ông Chiến phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, từ nước uống cho đến đồ ăn nhẹ - những bữa ăn nhanh gọn trong khoảng thời gian nghỉ ngắn ngủi.
 
 Thông thường, mất ba giờ để hoàn thành hết một “nốt” - cách mà người trong nghề gọi một tuyến lộ trình. Anh Lê Công Đức, người phụ xe đồng hành với ông Chiến một năm nay, kể: “Ăn cũng phải ăn trên xe. Thường thì có các quán quen trên đường, khi chuẩn bị đến đó thì gọi trước họ làm đồ ăn, tranh thủ đèn xanh đèn đỏ chạy xuống lấy rồi đi”. Mà phụ cấp tiền ăn ca trưa suốt 15 năm nay cho đội ngũ lái xe vẫn vỏn vẹn chỉ 15.000 đồng. Còn thu nhập bình quân của lái xe là khoảng 10 triệu đồng/tháng, nếu làm đủ ngày công (một tháng được nghỉ từ ba đến bốn ngày). Để có thể đủ chi tiêu cho gia đình, họ phải làm thêm ở ngoài, nhưng cũng hết sức nhọc nhằn.
 
 Giờ giấc sinh hoạt của ông Chiến, anh Đức cùng tất cả đội ngũ lái xe, phụ xe buýt là như vậy. Sớm thì ăn trưa lúc 1-2 giờ, muộn thì 4-5 giờ chiều. Hôm nào bận quá, phụ xe phải bón cho lái xe ăn là chuyện bình thường. “Chắc cũng bởi cùng nhau chịu khổ vậy mà phụ xe với lái xe còn thân thiết, tình cảm hơn cả vợ chồng” - anh Đức buông một câu đùa. Bởi đặc thù công việc mà những căn bệnh như: viêm dạ dày, vôi hóa cột sống, đau đầu mạn tính,... trở thành bệnh nghề nghiệp của cánh lái xe buýt. Không ít người chịu không nổi cường độ này, phải xin thôi việc. “Trước kia, xí nghiệp không tuyển phụ xe nữ, thế nhưng bây giờ điều kiện ấy cũng không còn, vì thiếu người quá!”, ông Chiến chia sẻ.
 
 Trong điều kiện ùn tắc giao thông, xe buýt lại chưa có làn đường riêng, thậm chí phải lưu thông trên những tuyến đường nhỏ hẹp, việc lái xe càng trở nên vất vả. Không những vậy, nhiều xe buýt lớn lại phải di chuyển cùng với rất nhiều loại hình phương tiện khác như xe máy, ô-tô con, xe đạp, trong khi cứ 500 - 700 m lại phải ra vào điểm dừng để đón trả khách. Lái xe buýt phải “căng đầu” len lỏi giữa dòng phương tiện, đồng thời phải bảo đảm chạy kịp thời gian để không bị chậm giờ, trễ tuyến.
 
 Vậy nhưng, trong cảnh “làm dâu trăm họ”, đội ngũ lái xe, phụ xe buýt vẫn thường phải nhận về không ít lời phàn nàn từ hành khách. Anh Đức luôn phải để ý quan sát hành khách lên, xuống xe có ai là người già, người khuyết tật hay trẻ em để nhắc nhở ông Chiến dừng đỗ cho phù hợp. Thế nhưng nản nhất có lẽ vẫn là khi gặp phải những hành khách có lối ứng xử kém văn minh: “Họ nói chuyện to, vắt chân lên ghế, thậm chí có những người say xỉn, nôn mửa ngay trên xe. Làm dịch vụ, chúng tôi nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng nhiều khi còn bị dọa nạt, chửi mắng, gọi điện phản ánh lên công ty”, anh Đức chia sẻ.
 
 Với sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị như hiện nay, xe buýt nói riêng và các loại hình phương tiện giao thông công cộng sẽ ngày càng đóng vai trò chủ lực. Điều mong mỏi lớn nhất của những người lái xe buýt là nhà nước quan tâm hơn nữa đến đặc thù nghề nghiệp để xem xét đưa ra mức lương, thu nhập giúp cải thiện cuộc sống của họ.
 
 Bên cạnh đó, trong mỗi ca trực, trên những hành trình dọc ngang thành phố, họ luôn mong chờ những ánh mắt thấu hiểu, cảm thông, và cả sự sẻ chia, đồng hành thiết thực bằng những ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, khi di chuyển bằng phương tiện công cộng của từng người dân, từng hành khách. Để sau mỗi ca trực, các bác tài xe buýt có thể thanh thản trở về nhà, mệt nhọc nhưng bình yên. Để chuẩn bị cho những hành trình mới...