Nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Giang đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Các mô hình sản xuất rau an toàn đang đặc biệt được chú trọng, nhằm mang đến những bữa ăn “ngon và sạch” cho các gia đình.

 Rau an toàn Bắc Giang đang tích cực xây dựng thương hiệu.
Rau an toàn Bắc Giang đang tích cực xây dựng thương hiệu.

Hiệu quả từ cách làm mới

Chúng tôi có mặt tại Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn Đa Mai tại khu Đồng Ráu, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) vào cuối giờ sáng, khi công việc sản xuất vẫn đang được thực hiện khẩn trương. Được thành lập từ năm 2012, cơ sở đang là một trong những địa chỉ uy tín, sản xuất các loại rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn Đa Mai cho biết: HTX có hơn 150 hộ sản xuất trên diện tích gần sáu héc-ta, cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau mỗi năm. Để giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm rau, toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc đều được các thành viên thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật VietGAP.

Bà con nông dân HTX Rau sạch Yên Dũng cũng đã quen với việc sản xuất rau an toàn trên vùng sản xuất diện tích 30 héc-ta tại cánh đồng của ba thôn: Chùa, Huyện, Đông Thắng, thuộc xã Tiến Dũng (huyện Yên Dũng). Tại đây, HTX đã huy động 40 hộ dân góp, cho thuê đất sử dụng lâu năm. Đồng thời, các hộ dân này cũng là những thành viên làm việc trực tiếp với mức lương bình quân từ năm đến sáu triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, 20 héc-ta trồng rau của HTX đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lưu Xuân Kiên, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Đến kỳ thu hoạch rau ở mỗi vụ, HTX đều gửi mẫu ra một số viện, để xét nghiệm, công bố thành phần, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật lưu lại trên sản phẩm, nếu đạt tiêu chuẩn an toàn mới được thu hoạch, tiêu thụ. Sản lượng bình quân khoảng 250 tấn/tháng (trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường gần tám tấn), chủ yếu cung cấp cho các siêu thị, chuỗi nhà hàng sạch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội...

Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy, giai đoạn 2017-2020, huyện Yên Dũng phấn đấu xây dựng chín mô hình sản xuất rau an toàn tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích từ 80 - 90 héc-ta. Huyện cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền các xã, thị trấn, phối hợp với HTX khuyến khích, vận động nông dân góp đất tổ chức sản xuất tập trung; đầu tư, nâng cấp đường giao thông nội đồng, kênh mương; hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị, đào tạo, tập huấn kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, bảo đảm chất lượng rau an toàn.

Nhân rộng các chuỗi liên kết

Năm 2019, Bắc Giang thực hiện thêm 97 mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 159.280 m2 nhà màng, nhà lưới, nâng tổng mô hình ứng dụng công nghệ cao lên 152, với diện tích 252.012 m2 nhà màng, nhà lưới. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm rau an toàn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhằm giúp các HTX, DN xây dựng, phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn, từ năm 2017, Sở Công thương Bắc Giang hỗ trợ một số đơn vị xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Các đơn vị đăng ký tham gia mô hình được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng website quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ mua thiết bị, máy móc đóng gói, in nhãn mác, bao bì sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh: Tỉnh hướng tới phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch và áp dụng công nghệ cao, nên cần thay đổi tư duy, thu hút HTX, DN, cá nhân vào đầu tư vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự tổ chức nghiên cứu và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp để chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.

Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích sản xuất rau an toàn chiếm hơn 50%, diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chiếm hơn 70%; diện tích nuôi thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 60%; tỷ trọng sản lượng chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học đối với lợn đạt hơn 70% và đối với gà đạt hơn 75%.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển 18 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, phát triển bảy vùng rau, một vùng hoa, một vùng sản xuất chè, hai vùng vải thiều...